Chủ Nhật, 21/11/2010 16:35

Thị trường tuần 22-26/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán

(Vietstock) - Yếu tố vĩ mô không mấy thuận lợi, yếu tố kỹ thuật cũng không có nhiều tín hiệu khả quan. Hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định tuần giao dịch tới sẽ khó khăn cho thị trường chứng khoán. Khả năng giảm của thị trường là khá cao, tuy nhiên theo các công ty này đây là cơ hội để các nhà đầu tư giá trị có thể giải ngân từng phần vào các cổ phiếu tốt và giá rẻ.

Thị trường chứng khoán ngày càng vắng bóng nhà đầu tư

Khả năng xảy ra một phiên bulltrap

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS) nhận định, TTCK Việt Nam tuần qua sụt giảm khá mạnh khi để mất 8.9% trước khi đóng cửa cuối tuần tại 426.5 điểm. Trước những diễn biến bất lợi của kinh tế vĩ mô, chỉ số đã đánh mất mốc hỗ trợ tại 440 điểm ngay trong phiên đầu tuần. Tín hiệu xác nhận xu thế giảm này một phần là nguyên nhân gây ra sự tháo chạy của nhà đầu tư theo xu thế. Bên cạnh đó, áp lực bán giải chấp từ phía các CTCK cũng cộng hưởng đẩy chỉ số lao dốc. Về cuối tuần, áp lực giải chấp đã dần được hấp thụ hết, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư vẫn đang trong giai đoạn dễ bị tổn thương.

BVS cũng cho biết, tuần qua, mặc dù thị trường vàng và ngoại tệ trong nước đã tạm thời lắng dịu song sự bất ổn trên mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng cũng như lỗi lo về khả năng lạm phát bùng phát trong 2 tháng cuối năm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn. Với mặt bằng lãi suất hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và cũng như sản xuất hiệu quả.

Vietstock nhận định:

Chúng tôi cho rằng thị trường tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro. Khả năng giá cổ phiếu sụt giảm vẫn còn dù đã giảm về vùng rất thấp. CPI tháng 11 có thể tăng mạnh và tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng thị trường tích cực hơn vào những phiên cuối tuần tới khi dòng tiền bắt đáy vào thị trường do giá cổ phiếu đã giảm sâu.

Dark Cloud Cover – một trong những candlesticks đảo chiều điển hình nhất - đã xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 19/11/2010. Mẫu hình này đã từng diễn ra vào ngày 11/11/2010 và sau đó là 4 phiên giảm điểm mạnh liên tiếp. Câu hỏi được giới phân tích kỹ thuật đặt ra là liệu quá khứ có lặp lại một lần nữa hay không? Điều đó khó mà nói trước, tuy nhiên, với những tín hiệu hiện tại thì khả năng giảm điểm tiếp tục là khá lớn.

Nếu trong những phiên giao dịch đầu tuần sau ngưỡng 420 bị thủng thì khả năng giá đi vào vùng 375 – 385 điểm là rất lớn (xem chi tiết)

Bên cạnh đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp xuất hiện những thông tin về việc vật giá leo thang từng ngày trong thời gian gần đây cũng khiến giới đầu tư đưa ra những dự báo không mấy khả quan về tốc độ tăng của chỉ số CPI trong tháng 11. Do đó, việc chỉ số CPI tháng 11 của Hà Nội và TPHCM tăng hơn biên độ 1 – 1.2% sẽ có những tác động không nhỏ đến VN-Index.

Theo BVS, với bối cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm, TTCK Việt Nam có thể sẽ còn chịu nhiều thử thách không nhỏ và sự kiên nhẫn chờ đợi là điều cần thiết đối với các nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, duy trì quan điểm tích cực trong trung hạn và đứng trên góc độ thị trường, có thể đi trước diễn biến của kinh tế vĩ mô từ 3-6 tháng, thị trường có thể đang dần xác lập vùng đáy và các nhà đầu tư trung hạn vẫn có thể tiếp tục tích lũy từng bước các cổ phiếu tiềm năng đứng trên quan điểm đầu tư giá trị khi mặt bằng giá cổ phiếu đã xuống đến mức rất hấp dẫn.

Về mặt kỹ thuật, BVS cho rằng, khả năng VN-Index rơi điểm ngay phiên đầu tuần là không cao. Trong khi đó, HNX-Index hiện đã hoàn tất 2/3 sóng hồi đó nghĩa là cơ hội có một sóng tăng trong phiên đầu tuần vẫn còn. Tuy vậy sóng này sẽ khó đi xa hơn 102 vì áp lực bán trong giai đoạn trước còn khá mạnh. Diễn biến tương tự nhiều khả năng cũng sẽ xảy ra trên HSX, một bulltrap (bẫy tăng giá) trong phiên là cơ hội bán cho những nhà đầu tư theo chiến lược giải ngân từng phần khi giá xuống thấp.

Khả năng giảm đầu tuần là khá cao

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, diễn biến hiện tại của VN-Index đang khá “tương đồng” với giai đoạn đầu tháng 6 đến tháng 8/2010. Sau khi phá vỡ ngưỡng kháng cự 495 điểm, VN-Index đã rơi tự do xuống đáy 423.8 điểm, trong quá trình này VN-Index đã có một “nhịp” hồi phục nhẹ lên 465 điểm (trùng với Fibonannci 161,8%) rồi tiếp tục giảm.

So sánh tương quan thì trong kênh giảm hiện nay thì sự hỗ trợ sẽ xuất hiên tại Fibonannci 161.8% tương ứng với mức 400 điểm. Điều khác biệt đó là tại thời điểm tháng 8/2010, sau quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lên 18,932 đồng/usd (18/08/2010) đã khiến thị trường tiếp tục giảm sâu. Do đó, FPTS cho rằng với bối cảnh hiện nay nếu như các chính sách tiền tệ không tạo thêm những đột biến ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư thì khả năng mức hỗ trợ mạnh tại 400-410 điểm (trùng với đáy cũ sâu nhất tính từ Tháng 6/2009 đến nay) được coi là khá vững.

VN-Index đang dừng lại ở mức 427 điểm, khối lượng giao dịch vẫn ở mức bình quân trong 2 tuần gần đây. Dựa trên thống kê, mức hỗ trợ tại 424 điểm (trùng với đáy cũ và thấp nhất trong năm 2010) đã giữ cho VN-Index không giảm sâu trong tuần qua tuy nhiên trước diễn biến đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần thì áp lực bán và rủi ro chắc chắn sẽ làm lực mua trong phiên đầu tuần sau giảm mạnh. Trong khi đó ngưỡng kháng cự mới tại mức 435-440 điểm (trùng với Fibonannci 161,8% ngắn hạn và Fibonannci 61.8% trung hạn) vẫn tỏ ra quá mạnh. Do đó khả năng lượng cổ phiếu được bắt đáy sớm trong khoảng điểm 440-426 cũng sẽ được bán ra là khá cao nếu như VN-Index thất bại trước ngưỡng hỗ trợ tạm tại 424 điểm. MACD đang duy trì tín hiệu xấu khi hướng xuống và tách rời đường tín hiệu khá xa. Đường RSI lại bắt đầu cho tín hiệu thị trường đang nghiêng về bên bán. Do đó sác xuất giảm điểm trong phiên đầu tuần sau là cao. Nếu như mốc 424 điểm bị xuyên thủng thì kênh giảm hiện nay sẽ trở nên mạnh hơn và hướng tới ngưỡng hỗ trợ tại 410 điểm.

Tổng hợp các yếu tố trên, FPTS dự báo xu hướng của VN-Index trong tuần sau có khả năng tiếp tục vận động trong kênh giảm trong khoảng từ 410 – 445 điểm và cho sác xuất giảm điểm trong phiên đầu tuần là khá cao. Tuy nhiên, trong tuần thị trường có thể xuất hiện những đợt bắt đáy “thăm dò” và sẽ sức mua sẽ được cải thiện khá tại ngưỡng hỗ trợ 400-410 điểm.

FPTS cũng cho biết là sự suy yếu của dòng tiền từ khối ngoại đối với nhóm blue-chips đang trở thành nguy cơ lớn nhất cho sự bình ổn của thị trường. Các cổ phiếu vốn hóa lớn được đỡ giá trong thời gian vừa qua đã trở nên đắt đỏ so với các cổ phiếu còn lại. Do đó, trọng tâm giao dịch của khối ngoại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng của thị trường trong tuần tới. Nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch ở những cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn tới để phòng ngừa rủi ro. Ngược lại, chiến thuật mua và nắm giữ các cổ phiếu có thị giá thấp, kết quả kinh doanh có lãi, thanh khoản tốt sẽ là chiến thuật tốt cho trung hạn.

Sẽ có thêm một tuần giảm điểm

CTCP Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (APS) cho rằng, tình hình vĩ mô vẫn xâu, lãi suât tiêp tục duy trì ở mức cao. Trên thị trường tín dụng, lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biên ở mức trên 20%/năm, lãi suất cho vay doanh nghiệp dao động trong khoảng 17% - 20%/năm. Lãi suất huy động của các ngân hàng lên 13%/năm thậm chí nhiều ngân hàng sẵn sàng thỏa thuận lãi suất cao hơn cho khách hàng lên bằng các hình thức khuyến mãi. Giá vàng đã điều chỉnh giảm nhưng lni có xu hướng biên động tăng trở lại, tỷ giá vẫn khá căng thẳng. Diễn biến vĩ mô xấu nên khả năng tăng điểm của VN-Index trong những tuần tới là khá khó khăn mặc dù nhiều cổ phiêu đang ở mức giá thấp nhất trong khoảng 18 tháng gần đây.

Trên phương diện kỹ thuật APS cho biết, VN-Index có bốn trong số năm phiên giảm điểm với độ dốc khá lớn, đường giá có phiên hồi phục vào ngày 18/11 để tiến vào trong dải Bolliger. Tuy nhiên phiên giảm điểm cuối tuần tiếp tục đẩy đường giá lao dốc. Những tín hiệu này cho thấy thị trường vẫn đang trong thời kỳ suy giảm.

Bên cạnh đó, việc MACD dưới ngưỡng 0 và đang đi xuống đồng thời phân kỳ mạnh hơn với đường tín hiệu, yếu tố này cho thấy VN-Index tiếp tục suy yếu.

Ngoài ra, các chỉ số RSI, MFI đều trong trạng thái quá bán nhưng lực cầu yếu, thị trường đang tìm đáy mới nên khả năng bật khỏi khu vực quá bán cũng rất khó khăn.

Trên cơ sở đó, APS cho rằng, tuần giao tới, thị trường sẽ khó có thể tìm được thông tin vĩ mô hỗ trợ. Với lực cầu yếu, thị trường có thể có thêm một tuần giảm điểm. Mốc 412 đang là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường trong thời gian 2 năm trở lại đây và ngưỡng kháng cự hạ xuống thấp ở khu vực 435 – 440 điểm.

Với diễn biến đó, APS khuyến nghị nhầ đầu tư nên lựa chọn chiến lược chờ đợi. Nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục giữ tiền chưa nên giải ngân để tránh áp lực về tâm lý trong downtrend. Bên cạnh đó, với thị trường yếu, giải ngân với mục tiêu ngắn hạn, sử dụng vốn vay sẽ gây áp lực rất lớn và xác suất thua lỗ cao cho người cầm cổ phiếu.

Theo APS, thị trường hiện chỉ phù hợp với những nhà đầu tư giá trị có lượng tiền mặt lớn, tỷ trọng tiền mặt cao. Tuy nhiên, nếu xem xét đầu tư lâu dài cũng chỉ nên mua dần với tỷ trọng thấp ở những phiên giảm. Trong đó, ưu tiên mua những doanh nghiệp có ROE, EPS, công nợ thấp, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lớn. Ngoài ra, quyết định chờ đợi để mua cổ phiếu rẻ hơn cũng là ý tưởng tốt cho nhà đầu tư giá trị ở thời điểm này.

Viết Vinh tổng hợp

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu tăng - giảm mạnh nhất trong tuần (21/11/2010)

>   Thị trường biến động, khối ngoại thận trọng giải ngân (20/11/2010)

>   Cầu nối thông tin nhìn qua lăng kính cổ phiếu dầu khí (20/11/2010)

>   Giá cổ phiếu đang hấp dẫn (20/11/2010)

>   Cổ phiếu điện "bấp bênh" theo giá điện (19/11/2010)

>   Giữ vốn ngoại ở lại Việt Nam (19/11/2010)

>   Bí ẩn đằng sau giao dịch thỏa thuận (19/11/2010)

>   Nhà đầu tư lại đối mặt với tình trạng giải chấp (19/11/2010)

>   UPCoM-Index chốt tuần tại 40,40 điểm (19/11/2010)

>   "Giao dịch thỏa thuận bất thường có thể là tín hiệu cho một đợt tăng ngắn" (19/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật