Thứ Sáu, 19/11/2010 21:11

Bí ẩn đằng sau giao dịch thỏa thuận

Mỗi khi TTCK lao dốc mạnh, lại xuất hiện những phiên GDTT bất thường do các NĐT thực hiện giải cứu tài khoản margin sắp "cháy"

“Điều gì đang xảy ra?”. 10h50 phút phiên giao dịch ngày 17/11, trên sàn CTCK H., một NĐT tóc hoa râm chỉ vào màn hình máy tính đặt câu hỏi với nhân viên môi giới... Đây là lần thứ hai trong tháng 11, khối lượng giao dịch thỏa thuận (GDTT) trên HOSE cao đột biến, vượt 10 triệu đơn vị chiếm trên 45% tổng giá trị giao dịch.

Điều này còn gây chú ý hơn vì khi liếc qua bảng điện. NĐT này phát hiện ra một số cổ phiếu vừa đặt bán dưới tham chiếu không khớp, nhưng trong phiên GDTT được sang tên với giá trần...

Bất thường và bình thường

NĐT trên thắc mắc về diễn biến cổ phiếu REE và HRC. Trước đó vài phút, ông vừa đặt bán cả hai dưới tham chiếu và không khớp. Tuy nhiên, trong phiên GDTT, cả REE và HRC lên trần, với lần lượt 638.000 và 20.000 đơn vị được sang tên.

Với REE, có thể giải thích bằng lý do các NĐT lần muốn thu gom khối lượng lớn không muốn ảnh hưởng tới giá tham chiếu hôm sau. Nhưng HRC thì khối lượng thỏa thuận chỉ ở mức thấp, nếu muốn người mua hoàn toàn có thể thu gom đủ số cổ phiếu trên ở mức giá tham chiếu ngay trong phiên giao dịch báo giá cùng ngày.

Cũng như phần lớn NĐT khác, NĐT này chỉ để mắt đến các GDTT khi khối lượng cao đột biến. Trong không khí giao dịch ảm đạm cuối năm ngoái, nhiều NĐT trở nên hoang mang khi GDTT bùng nổ ở một số phiên.

Chẳng hạn, ngày 29/12/2009, chỉ trong vòng 30 phút, từ 10h30 đến 11h, trên HOSE có tới hơn 30 triệu cổ phiếu sang tên chớp nhoáng. Đây là con số rất cao so với mức 41 triệu đơn vị giao dịch báo giá 2 giờ trước đó. Tỷ lệ GDTT chiếm 42% tổng khối lượng giao dịch là đột biến so với các phiên liền kề xoay quanh mức 5 - 10%.

Sau đó, nhiều NĐT mới bình thường trở lại khi được CTCK trấn an: đó là động tác kỹ thuật của nhiều NĐT lớn. Họ đã mua nhiều cổ phiếu giá thấp và chủ động giao dịch nội khối để ghi tăng giá vốn, nhằm tránh thuế thu nhập chứng khoán bắt đầu có hiệu lực sau đó vài ngày. Đây là các NĐT tổ chức chọn hình thức nộp thuế chứng khoán 20% tổng lợi nhuận, thay vì 0,1%/một lần bán như hầu hết các NĐT cá nhân.

Câu chuyện đòn bẩy đã không còn xa lạ với thị trường trong một năm qua. Mỗi khi chứng khoán lao dốc mạnh, phiên GDTT lại diễn ra hiện tượng bất thường: nhiều mã cổ phiếu giảm sàn, dư bán trắng bảng trong phiên giao dịch báo giá nhưng vẫn được sang tên với giá trần trong giờ GDTT.

Về hiện tượng này, nhân viên môi giới giải thích, đây là một động tác của các NĐT nhằm cứu tài khoản margin “cháy” trong xu hướng đi xuống của thị trường. Chẳng hạn, NDT X có hai tài khoản A và B. Khi cổ phiếu ở tài khoản margin A giảm sàn, hôm sau nếu giá tiếp tục giảm, tài khoản A có khả năng bị “cháy” NĐT đứng trước áp lực phải đóng thêm tiền.

Để tránh kịch bản xấu hoặc cần thời gian cân đối nguồn tài chính, NĐT X sẽ nộp một phần tiền tượng trưng vào tài khoản B, xin CTCK cấp mới tín dụng và dùng tài khoản B để mua lại cổ phiếu tài khoản A với giá trần.

Theo lời giải thích của nhân viên môi giới nọ, vẫn có các giao dịch trần/sàn ngẫu hứng không thuộc các lý do trên. Chẳng hạn, các giao dịch nội khối - của một nhóm NĐT quen biết hay các tài khoản thuộc về một tổ chức “mẹ”, họ chủ động giao dịch giá sàn để giảm phí giao dịch. Hay một NĐT có lợi thế về thông tin, sau phiên khớp lệnh đóng cửa, NĐT đó nhận được các tin tức có thể tác động mạnh đến xu hướng giá cổ phiếu nên quyết đoán: mua hoặc bán bằng mọi giá trong phiên GDTT! Thoạt nhìn ban đầu, các diễn biến GDTT như REE và HRC có vẻ bất thường, nhưng thực tế đã trở thành bình thường với các NĐT nhiều kinh nghiệm.

“Sóng ngầm” GDTT

Cũng liên quan đến GDTT, tổng giám đốc một CTCK - nơi nước ngoài nắm 49% vốn, mới đây nhận được một đề nghị khá lạ lùng. Theo đó, một DN BĐS phía Bắc đề nghị CTCK mở tài khoản cho một số NĐT cá nhân. Tuy nhiên, khác với cách thông thường, nhân viên môi giới phải đến tận nơi ở của NĐT để khách hàng làm hợp đồng, ký tá giấy tờ.

Chưa hết, CTCK được đề nghị xuất một số tiền lớn trước cho các khách hàng mua cổ phiếu lô lớn trong phiên GDTT. Đại diện của DN cam kết rằng, phía CTCK sẽ không có rủi ro, bởi sau đó vài ngày sẽ có một GDTT khác mua lại lô cổ phiếu trên với giá cao hơn .

Phía CTCK sẽ được hưởng phí giao dịch, lãi suất ứng trước tiền mua chứng khoán và hơn cả là tăng thị phần môi giới. Thấy hấp dẫn nhưng sau rất nhiều cân nhắc, cuối cùng vị lãnh đạo nọ đã phải nói không với đề nghị trên do quy chế kiểm soát nội bộ công ty rất chặt: CTCK không thể cấp tín dụng nếu NĐT không có một xu nào trong tài khoản.

Sự kiện AAA mới đây đã khiến mối liên hệ trao đổi thông tin giữa các CTCK thường xuyên hơn, đặc biệt là các giao dịch bất thường. Đề nghị “lạ lùng” trên cũng không là ngoại lệ.

Khi trao đổi với các đồng nghiệp, vị lãnh đạo kia mới vỡ lẽ, phần khuất của đề nghị trong “hợp đồng” diễn ra ở CTCK khác: vào một ngày nào đó, CTCK được đề nghị xuất tiền mua một lô lớn cổ phiếu ở phiên GDTT giá sàn, bất chấp diễn biến trong phiên đóng cửa cổ phiếu đó có thể tăng trần hay giữ giá tham chiếu. Khi cổ phiếu về tài khoản, một GDTT khác sẽ mua lại lô cổ phiếu trên giá trần mà không cần quan tâm diễn biến thực tế thị trường khi đó. Được hưởng lợi trực tiếp từ sự chênh lệch là chủ tài khoản .

Có thể đoán được đây là người thân của các yếu nhân - những người có tiếng nói quyết định với chuyện làm ăn với nhóm NĐT đứng sau GDTT trên. Đổi lại, “đạo diễn” trên sẽ được bù đắp trong một thương vụ làm ăn ở đâu đó bên ngoài sàn chứng khoán.

Ngày 21/11 tới đây, Thông tư 148/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng sẽ chính thức có hiệu lực. Có thể  GDTT ở trên chỉ là hiện tượng đơn lẻ trong vô số các giao dịch đang diễn ra, tuy nhiên có lẽ cũng là lúc để cơ quan quản lý lưu tâm nhiều hơn đến các “sóng ngầm” bất thường trong GDTT.

Giang Thanh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Nhà đầu tư lại đối mặt với tình trạng giải chấp (19/11/2010)

>   UPCoM-Index chốt tuần tại 40,40 điểm (19/11/2010)

>   "Giao dịch thỏa thuận bất thường có thể là tín hiệu cho một đợt tăng ngắn" (19/11/2010)

>   Thị trường chờ dòng vốn “nóng” (19/11/2010)

>   Cổ phiếu thủy sản: Lợi thế tỉ giá đủ bù chi phí? (19/11/2010)

>   P/E thấp vẫn chưa hấp dẫn, vì sao? (19/11/2010)

>   Chứng khoán Việt Nam - kênh đầu tư hấp dẫn ở Châu Á (19/11/2010)

>   Thị trường “vô cảm” trước khuyến nghị mua (19/11/2010)

>   Chứng khoán: cơ hội nào cho đầu tư dài hạn? (19/11/2010)

>   Gánh nặng lãi suất và chứng khoán (19/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật