Chứng khoán Việt Nam - kênh đầu tư hấp dẫn ở Châu Á
“Việt Nam đã sẵn sàng đuổi kịp các nước mạnh trong khu vực, khi các nhà đầu tư nước ngoài nhận ra thị trường chứng khoán (TTCK) nước này đang rẻ như thế nào và đánh giá các cổ phiếu của nó trên cơ sở phân tích cơ bản”.
Ông Kevin Snowball - Giám đốc điều hành Quỹ PXP Vietnam Asset Management - nhận định về TTCKVN cho dù các chỉ số của thị trường này đang xuống thấp.
Có nhiều lợi thế
Giữa tháng 11.2010, trong khi TTCK có dấu hiệu giảm rõ rệt thì ông Kevin Snowball cho rằng: “Chỉ số chứng khoán sẽ tăng, bởi tôi cho rằng hiện tại mới chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc chạy đua sắp tới khi có sự thay đổi trong thành phần các nhà đầu tư. Lúc đó, các nhà đầu tư sẽ nắm vị trí dẫn đầu. TTCK Việt Nam sẽ thu hút các nhà đầu tư bởi vị thế hấp dẫn nhất trong khu vực Châu Á đang nổi lên”.
Theo ông Snowball, có thể nhìn thấy sự tăng trưởng gần đây trong doanh thu hằng ngày của TTCK Việt Nam đang được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nước ngoài, những đối tượng có thể đẩy cao thị trường lẫn nội tệ của một nước. “Chúng tôi cho rằng chỉ số chứng khoán của VN có thể đạt tới mức 1.000 điểm trong vòng 2 năm tới và chúng tôi đã đầu tư một cách đầy đủ” - ông Snowball nói.
Vào đầu tháng 11.2010, TTCK Việt Nam mới chỉ ở mức khoảng 450 điểm và có tỉ lệ PE ở mức 10.6x so với mức 13.5x của MSCI Châu Á. Thị trường có giá thấp, song các công ty trong nước dường như vẫn sống khỏe. Năm 2009, các công ty trong nước của VN hưởng một trong những mức lợi nhuận và doanh thu cao nhất trong khu vực mới nổi Châu Á, khi đạt mức lãi thực tăng ở mức ấn tượng 90%.
Ông Snowball cho rằng, những yếu tố cơ bản của Việt Nam rất mạnh và tương tự như Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo ông Snowball, xuất khẩu là một lợi thế của Việt Nam. Mặt khác, chí phí nhân công ở Việt Nam lại rẻ hơn nhiều so với Trung Quốc. Mức lương trung bình ở Việt Nam chỉ ở mức 101USD/tháng so với mức 224USD/tháng ở Trung Quốc.
“Việt Nam có một nền kinh tế nội địa và xuất khẩu mạnh. Năm 2008, chỉ còn 14% dân số sống dưới mức nghèo khổ trong khi chỉ cách đó vài năm, nước này có hơn nửa dân số bị đói nghèo” - ông Snowball cho biết.
Các cơ hội thị trường
Hiện có gần 600 công ty có tên trên hai sàn chứng khoán của VN. Cách đây 8 năm, vào thời điểm khi ông Snowball thành lập Quỹ Quản lý tài sản VN PXP ở VN, con số này chỉ dừng ở mức 22 công ty.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn chưa phản ánh được hết các tiềm năng của các ngành kinh tế cơ bản ở VN. Đơn cử, ngành may mặc - mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của VN - không được thể hiện rõ tại thị trường chứng khoán. “Các nhà xuất khẩu không có cách thể hiện tốt, song bạn có thể tiếp cận với họ bằng nhiều cách khác, ví dụ như đầu tư vào các công ty hậu cần và cảng” - ông Snowball đưa ra lời khuyên.
Caosu là một trong vô số tài nguyên tự nhiên vô cùng dồi dào của VN, tuy nhiên chỉ có một số nhà sản xuất được niêm yết trên thị trường chứng khoán. Lý giải điều này, ông Snowball cho rằng là bởi các đánh giá của họ cực rẻ, trong khi đây là một điều kiện tiên quyết để định giá một cổ phiếu trong quỹ. Trong số 10 công ty sản xuất caosu hàng đầu của VN có Công ty caosu Đồng Phú có mức sở hữu tài sản 4,2% vào cuối tháng 7.2010.
Hải Long
lao động
|