Thứ Sáu, 19/11/2010 21:50

Cổ phiếu điện "bấp bênh" theo giá điện

Doanh nghiệp đang mong chờ quyết định của EVN, làm sao để giá điện phải đủ bù đắp toàn bộ chi phí đầu tư cho DN, cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm, thế nhưng câu chuyện đàm phán giá mua bán điện năm 2010 giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các DN ngành điện về giá điện vẫn chưa đến hồi kết.

Hiện nay, các DN ngành điện đang niêm yết như CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH), CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), CTCP Thủy điện Thác Bà (TBC)... vẫn đang hạch toán giá điện tạm tính bằng 90% giá bình quân năm 2009. Việc tính toán này chỉ là cơ sở để DN đóng thuế, sau khi đàm phán xong với EVN, các DN này sẽ thực hiện tính toán lại.

Sự chậm trễ trong việc đàm phán giá điện được nhiều nhà đầu tư quan tâm, theo dõi, bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các DN. Trong trường hợp giá đàm phán thấp hơn cả giá tạm tính thì dĩ nhiên lợi nhuận của DN cũng sẽ bị giảm đi, tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu của DN.

Có lẽ chính sự hoài nghi này đã phản ánh vào giá cổ phiếu, dẫn đến việc cổ phiếu ngành điện “rớt” giá mạnh hơn thị trường. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, VSH đang được giao dịch ở mức 10.800 đồng/cp, PPC giao dịch ở mức 10.900 đồng/cp, TBC giao dịch ở mức 11.800 đồng/cp....

Theo thông lệ quốc tế, người bán và người mua điện phải thống nhất giá cả từ trước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tình trạng phổ biến là EVN và các DN thường chỉ ký thoả thuận về mua bán diện, chứ không thoả thuận giá trước.

Ông Võ Văn Trung, Tổng giám đốc VSH cho biết, hiện Công ty đã có văn bản gửi EVN và dự kiến cuộc đàm phán sẽ được thực hiện vào cuối tháng 11, muộn nhất là sang tháng 12/2010. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa dự kiến được giá cả sẽ như thế nào và VSH đã cử một số thành viên trong đoàn đàm phán là các cổ đông độc lập để đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.

Cũng theo ông Trung, sở dĩ việc đàm phán chậm trễ vì hiện nay Chính phủ vẫn chưa có văn bản quy định về những giá phát điện theo quy định của Luật Điện lực để làm căn cứ cho việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng mua bán điện giữa các đơn vị phát điện với EVN.

Còn theo đại diện TBC thì lý do dẫn đến sự chậm trễ khi đàm phán giá điện là do EVN vẫn chưa đồng ý với các điều khoản mà TBC đưa ra. Theo TBC, việc giá bán điện bình quân năm 2010 tăng 6,8% không phải là cơ sở để Công ty đề xuất tăng giá bán điện cho EVN.

Căn cứ để Công ty kiến nghị tăng giá điện khi đàm phán bán cho EVN là dựa trên tính toán chi phí đầu vào cũng như cân đối lợi nhuận mà cổ đông kỳ vọng. “Thực tế, chi phí sản xuất đầu vào đã có nhiều biến động trong thời gian qua, ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty. Bởi vậy, việc đàm phán để đạt được mức giá điện bán cho EVN cao hơn năm ngoái chủ yếu nhằm bù đắp chi phí đầu vào tăng”, đại diện TBC nói.

Trong khi đó, đại diện EVN cho rằng, mấu chốt của việc chưa đàm phán được giá điện này là bởi chưa có quy định khung giá điện tính theo cơ chế thị trường cho năm 2011. Trước dây, văn bản này dự kiến được ban hành trong tháng 9/2010. Bởi trên thực tế, nếu có quy định về khung giá phát điện thì mới có cơ sở thuận lợi trong việc đàm phán hợp đồng mua bán điện giữa các bên liên quan.

Khác với các DN thủy điện, cuộc đàm phán giữa PPC và EVN về cơ bản đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, về phía PPC đang muốn xin thêm một số điều kiện và đang chờ EVN thông qua, trong đó có một điều kiện quan trọng là xin được tính toán theo mức chênh lệch tỷ giá, bởi PPC là DN vay ngoại tệ khá lớn.

“Đây là một điều khoản quan trọng, vì trong thời gian qua, mức độ biến động tỷ giá trên thị trường là rất lớn, nếu không muông thảo được điều khoản này thì PPC sẽ rất “thiệt” và luôn trong tình trạng lỗ do chênh lệch tỷ giá”, lãnh đạo PPC nói và cho biết thêm, nếu trong trường hợp EVN chưa thông qua được điều khoản này thì PPC xin một trương mở là chờ khi nào Chính phủ có văn bản hướng dẫn chính thức sẽ điều chỉnh lại hợp đồng hai bên.

Trao đổi với ĐTCK, một nhà đầu tư là cổ đông lớn của VSH cho rằng, hiện nay ngành điện Việt Nam hoạt động với đặc thù là người mua duy nhất sản phẩm đầu ra của các DN, đồng thời là người duy nhất phân phối tới người tiêu dùng. Do vậy, chỉ khi nào Việt Nam tái cơ cấu ngành điện, không còn sự độc quyền và có người điều tiết thì mới giải quyết rốt ráo cơ chế mua bán điện giữa EVN và các DN sản xuất điện.

Cũng theo cổ đông này, hợp đồng mua bán điện giữa EVN với các DN sản xuất điện là loại hợp đồng thương mại được đàm phán giữa hai bên trên cơ sở giá thành sản xuất và mức lợi nhuận biên, song mức lợi nhuận biên của năm 2010 có thể giảm khoảng 30% so với các năm trước (đang từ khoảng 12% đến 14% xuống còn khoảng 8%), đây là một thiệt thòi với các DN.

Trên thực tế, làm thế nào để đảm bảo lợi ích hài hòa của cả bên bán và bên mua là không dễ. Còn về phía DN, họ đang mong chờ quyết định của EVN, làm sao để giá điện phải đủ bù đắp toàn bộ chi phí đầu tư cho DN, cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận hợp lý.

Hoàng Anh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Giữ vốn ngoại ở lại Việt Nam (19/11/2010)

>   Bí ẩn đằng sau giao dịch thỏa thuận (19/11/2010)

>   Nhà đầu tư lại đối mặt với tình trạng giải chấp (19/11/2010)

>   UPCoM-Index chốt tuần tại 40,40 điểm (19/11/2010)

>   "Giao dịch thỏa thuận bất thường có thể là tín hiệu cho một đợt tăng ngắn" (19/11/2010)

>   Thị trường chờ dòng vốn “nóng” (19/11/2010)

>   Cổ phiếu thủy sản: Lợi thế tỉ giá đủ bù chi phí? (19/11/2010)

>   P/E thấp vẫn chưa hấp dẫn, vì sao? (19/11/2010)

>   Chứng khoán Việt Nam - kênh đầu tư hấp dẫn ở Châu Á (19/11/2010)

>   Thị trường “vô cảm” trước khuyến nghị mua (19/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật