Giữ vốn ngoại ở lại Việt Nam
VCG chào bán thành công hơn 43% cổ phần tại Nhà máy nước Sông Đà cho đối tác Singapore, Thái Hòa bán 10% cổ phần cho Vinacaptial. Hai thương vụ này mới đây cho thấy, các NĐT nước ngoài vẫn đang tìm kiếm những địa chỉ có tiềm năng tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn và cạnh tranh thu hút vốn rất khốc liệt. Có điều, đây sẽ chỉ là những thương vụ lẻ tẻ, nếu TTCK tiếp tục “ngủ đông”, thì đến một ngày các NĐT ngoại cũng dứt áo ra di.
Những điểm sáng hiếm hoi
Lãnh đạo một quỹ đầu tư, cổ đông lớn của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu Vinaconex (VCG) đánh giá, thương vụ bán cổ phần Nhà máy nước Sông Đà của VCG là rất thành công trong bối cảnh hiện nay. Giá chào bán theo nguồn tin này ở mức 25.000 đồng/cổ phần, cao hơn cả thị giá cổ phiếu VCG trên sàn chứng khoán HNX.
Lợi thế của Nhà máy nước Sông Đà ở chỗ có thể kiểm soát việc cung cấp nước sạch cho toàn bộ khu vực trung tâm thành phố mới ở phía Tây. Hiện Nhà máy mới chỉ vận hành 113 công suất thiết kế, trong khi giá nước sạch theo định hướng của Thành phố sẽ tăng theo giá thị trường. Với kinh nghiệm của đối tác Singapore (chuyên về sản xuất cung cấp nước sạch tại Singapore), sự phát triển của Nhà máy nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên là rất triển vọng.
Đây sẽ là đối tác nước ngoài duy nhất trong dự án, vì theo chủ trương của Chính phủ, phía Việt Nam sẽ nắm quyền kiểm soát trong Nhà máy với tỷ lệ sở hữu tối thiểu 51% (nếu VCG thoái tiếp vốn tại đây thì chỉ được bán cho đối tác trong nước). Sau 7 tháng đàm phán, hai bên mới đi đến kết quả cuối cùng. Điều đó cho thấy, phía nước ngoài rất thận trọng trong việc đầu tư vào Việt Nam thông qua con đường mua cổ phần.
Đầu tuần này, Vinacapital thông báo mua 10% cổ phần của Cà phê Thái Hòa, một DN tư nhân chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên HNX. Giá trị của khoản đầu tư và các điều khoản chi tiết của hợp đồng không được công bố. Tuy nhiên, đầu tư vào Thái Hòa thời điểm này, Vinacapital cho biết: “Xác định thời gian trung và dài hạn”. Vinacapital sẽ hỗ trợ Thái Hòa trong quản trị DN và tài chính, đào tạo nhân lực, phát triển thương hiệu, kết nối các đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu..
Ảnh hưởng của những giao dịch trên không chỉ giới hạn cho quyền lợi của người bán, kẻ mua, mà theo nhận xét của lãnh đạo quỹ đầu tư trên, còn tạo ra những tín hiệu tích cực hơn đối với những DN đang muốn thu hút vốn và năng lực từ đối tác nước ngoài.
Sau thời gian tìm hiểu và bẵng đi thông tin trao đổi, gần đây một số tập đoàn nước ngoài đã nối lại mối quan tâm trong việc mua cổ phần của Nhà máy Xi măng Cẩm Phả.
Giữ vốn cũ, hút vốn mới
Tại buổi làm việc của Nhóm công tác thị trường vốn với ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tuần qua, chuẩn bị cho diễn đàn DN, nơi các NĐT nước ngoài thắc mắc và trao đổi trực tiếp với các quan chức Chính phủ về môi trường đầu tư tại Việt Nam, các tổ chức đã kiến nghị 2 vấn đề lớn.
Thứ nhất, TTCK đang ảm đạm, vì thế khi cổ phần hóa các DN nên tính giá bán cho cổ đông chiến lược trước, đưa ra sát với giá sổ sách để thu hút vốn thành công, đem lại lòng tin trên thị trường cho các NĐT. TTCK phải được xem là kênh dẫn vốn, giúp DN phát triển.
Thứ hai, xem xét lại một số loại thuế nhằm khuyến khích các tổ chức đầu tư, đơn cử như gần đây, Việt Nam đã tăng một loạt thuế, từ thuế trái phiếu áp với tổ chức nước ngoài, đến áp thuế 25% thu nhập của các NĐT thông qua công ty quản lý quỹ.
Dự thảo Nghị định l09 về cổ phần hóa DN nhà nước đang chuẩn bị trình Chính phủ, theo đánh giá của các NĐT, không phải là bước tiến để gỡ bỏ những nút thắt hiện nay, khi nội dung vẫn toát lên tâm lý lo bán rẻ tài sản nhà nước, chứ chưa chú trọng đến cải thiện hiệu quả hoạt động DN sau cổ phần hóa.
Gọi vốn đầu tư vào Việt Nam hiện khó gấp 10 lần so với trước đây và trong khi đầu tư trên thị trường vốn Việt Nam ngày một khó khăn hơn, lợi nhuận thấp thì nguyên tắc đa dạng, phân bổ danh mục đầu tư đang buộc các quỹ ở Việt Nam tìm đến những địa chỉ đầu tư bên ngoài Việt Nam. “Chúng tôi đã lên kế hoạch đầu tư sang Campuchia, Myanmar”, một lãnh đạo của Dragon Capital chia sẻ.
Tháng 9/2010, Vinacapital đã mở văn phòng tại Campuchia và tiến hành hoạt động đầu tư đầu tiên tại đây, với dự án 75 triệu USD trong lĩnh vực nông nghiệp, dưới hình thức nhà máy sản xuất đường, nhiên liệu sinh học và điện. Ông Don Lam, CEO của tổ chức này cho biết, Vinacapital đã nghiên cứu về Campuchia trong 5 năm nay và cho rằng, đã đến lúc đổ tiền vào đây.
Trong báo cáo tháng 11/2010 của HSBC về TTCK Việt Nam, mặc dù đề cập đến mức giá cổ phiếu đã trở nên rất rẻ khi VN-Index được giao dịch với PE thấp hơn 38% so với mức trung bình của các TTCK Châu Á, trừ Nhật Bản, thấp hơn 28% so với mức trung bình kể từ năm 2008, thấp hơn 27% so với chỉ số MSCI các thị trường mới nổi và thấp hơn 32% so với MSCI các thị trường cận mới nổi, song các chuyên gia của tổ chức này vẫn lưu ý về những bất ổn về tiền tệ, minh bạch và thanh khoản.
TTCK Việt Nam chưa được xếp trong nhóm với TTCK của Thái Lan, Malaysia, Indonesia, mà chỉ được so sánh với nhóm cận mới nổi như với Pakistan và Srilanka. Một thị trường vốn ì ạch, không được thay đổi chính sách mạnh mẽ thì sớm hay muộn cũng kém hấp dẫn các NĐT. Lợi nhuận và hiệu quả đầu tư luôn là yêu cầu số 1, cho dù các nhà quản lý quỹ có yêu Việt Nam đến đâu chăng nữa.
Anh Việt
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|