Làm gì khi thị trường lao dốc?
Bám sát diễn biến thị trường và cơ cấu lại danh mục là điều nhà đầu tư nên làm khi thị trường chứng khoán đi ngang.
Thị trường chứng khoán tháng 10 tiếp tục đi ngang. Trong phiên 28.10, giá trị giao dịch toàn thị trường đã xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay khi đạt chưa tới 900 tỉ đồng. Lúc này, nhà đầu tư muốn bán ra thì sợ lỗ, còn mua vào thì lo thị trường còn giảm nữa. Vậy nhà đầu tư nên làm gì? Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), ngoài việc bình tĩnh quan sát biến động thị trường, nhà đầu tư cần cơ cấu lại danh mục.
Xác định vùng đáy thị trường
Đáy thị trường thường hình thành khi nhà đầu tư trở nên bi quan. Đi kèm theo đó là giao dịch giảm sút nghiêm trọng khi lượng bán ra giá thấp không còn dồi dào. “Chúng ta thường thấy đáy thị trường hình thành đi kèm một số hiện tượng mang tính đột biến như lực cầu tăng mạnh, triệt tiêu nhanh chóng lượng cung giá thấp hay xuất hiện giao dịch lô lớn giữa các nhà đầu tư với giá cao hơn giá hiện tại”, ông Bình nói.
Các tín hiệu hiện nay dường như cho thấy, khả năng đáy thị trường đã ở khá gần. Theo thống kê của PSI, hơn 74% cổ phiếu đã hình thành đáy mới. Giá cổ phiếu đang xuống các mức sâu hơn và nhà đầu tư đang dần chấp nhận bán ra với giá thấp hơn.
Tính đến hết quý III/2010, VN-Index đã giảm 10,38% so với quý II và có thể sẽ giảm tiếp trong quý cuối của năm. Cụ thể, giao dịch trung bình chỉ đạt 38,9 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 25% về khối lượng và 39% về giá trị.
Có dấu hiệu cho thấy, vùng đáy thị trường đang xuất hiện. Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), cho biết: “Vùng đáy của thị trường hình thành khi khối lượng giao dịch ở mức thấp trong thời gian dài. Thị trường giai đoạn này vẫn chưa có đáy nhưng lại đang nằm trong vùng đáy”.
Còn ông Bình, PSI, thì cho rằng, nếu thật sự vùng đáy đang hình thành thì việc VN-Index tăng hay giảm thêm 10% vẫn được xem là sai số cho phép của thị trường. “Với P/E (hệ số giá/thu nhập) hiện gần 9,8 lần, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu hoàn toàn có thể giảm xuống mức rẻ hơn trong tương lai. Do đó, trước khi có sự cải thiện rõ nét của lực cầu, việc khẳng định lúc này là đáy của thị trường là một kết luận chủ quan”, ông Bình nhận xét.
Nên cơ cấu lại danh mục
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Giang, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Lao động Xã hội, đầu tư muốn thành công cần theo dõi tình hình kinh tế và các biến động của thị trường. Cơ cấu lại danh mục và xác định tiêu chí đầu tư nên là việc làm thường xuyên của nhà đầu tư.
Ông cho rằng, phân tích tài chính luôn cần thiết trước khi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu nào đó. Chẳng hạn, dòng tiền mặt để đầu tư có đủ lớn để tạo ra lợi nhuận và sự tăng trưởng hay không, công ty chia cổ tức như thế nào, doanh nghiệp có chú trọng phát triển lĩnh vực kinh doanh chính hay không (tránh tình trạng đầu tư ngoài ngành, nhất là đầu tư tài chính quá lớn). Một số các chỉ số tài chính cần quan tâm như tỉ lệ nợ trên vốn, lợi nhuận hoạt động, hệ số thu nhập trên vốn cổ phần (ROE). Một tiêu chí quan trọng khác là tầm nhìn của ban lãnh đạo và các thành tựu trong quản lý.
Đối với nhà đầu tư trong nước, ông Giang cho rằng, nên quan tâm đến 3 tiêu chí gồm dòng tiền mặt, cổ phiếu chưa phát hành bổ sung nhiều lần và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Trong đó, dòng tiền vẫn là yếu tố quan trọng nhất bởi theo ông, “tiền mặt mới là thật sự, còn lợi nhuận chỉ là phù phiếm”.
Ông Giang còn cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có những điểm khác với các thị trường khác trên thế giới. Vì thế, thị trường này nhiều khi không đi theo quy luật. Trước tiên, thị trường chưa hiệu quả, chưa được phản ánh đúng bản chất. Bởi lẽ, 80% nhà đầu tư trên thị trường là nhà đầu tư nhỏ lẻ và đối tượng này đầu tư theo tâm lý nhiều hơn là dựa vào việc phân tích thông tin cơ bản. Các thông tin liên quan thị trường cũng không có sự tác động rõ ràng về bản chất và mức độ.
“Các chỉ số chứng khoán ở đây thể hiện niềm tin chứ không còn là chỉ số kỹ thuật nữa. Một trường hợp điển hình là ở Mỹ, doanh nghiệp có chỉ số P/E càng cao càng đáng để đầu tư, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại”, ông nói.
Ông Khánh, KEVS, cho biết thêm: “Đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá ngắn hạn vẫn quan trọng hơn việc cổ phiếu đó có tăng trưởng EPS (thu nhập mỗi cổ phiếu) cao hay P/E thấp”.
Hiện tại, không thiếu cổ phiếu để mua vào. Vì thế, nhà đầu tư không nên vội vã mà hãy bình tĩnh quan sát xu hướng của thị trường. Đối với nhà đầu tư nắm giữ nhiều cổ phiếu thì không nên sử dụng đòn bẩy tài chính. Tốt nhất là chờ đến quý I/2011 để xác định rõ xu hướng. Các nhà đầu tư mới nhập cuộc nên chọn những cổ phiếu có tỉ lệ chi trả cổ tức từ 20% trở lên và trả bằng tiền mặt. “Nguyên tắc chính của đầu tư là không để mất tiền. Cách an toàn nhất vẫn là đa dạng hóa danh mục đầu tư để phân tán rủi ro”, ông Giang nói.
Đứng ngoài thị trường trong những giai đoạn không rõ xu hướng cũng là chiến lược đầu tư. Các chỉ số tiếp tục dao động trong biên độ hẹp đến cuối năm là kịch bản mà hầu hết công ty chứng khoán đang đưa ra. Bởi vậy, muốn đầu tư sinh lời trong giai đoạn này là điều khó khăn. Tuy nhiên, nếu hạn chế được rủi ro cũng là một thành công.
Theo ông Khánh, KEVS, nhà đầu tư nên xem xét ngưỡng 440 - 480 điểm. Nếu VN-Index đạt khoảng 440 - 445 điểm thì có thể xem xét mua vào. 480 là ngưỡng nên bán ra để chốt lời. Tốt nhất nhà đầu tư nên tham vấn ý kiến của công ty chứng khoán và các chuyên gia để đưa ra quyết định hợp lý.
Ngọc Dương
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|