Thứ Sáu, 12/11/2010 09:45

Kiên nhẫn chờ diễn biến tỉ giá và lạm phát

Tâm lý chung của các nhà đầu tư hiện nay là chờ diễn biến rõ ràng về tỉ giá và lạm phát mới quyết định tham gia thị trường.

Không nên đoán đỉnh, đáy của thị trường hay cổ phiếu để ra quyết định đầu tư. Mọi suy đoán khi cơ sở dữ liệu chưa rõ ràng sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm.

Đến thời điểm này, thị trường đã đầy ắp những tư vấn, phân tích cụ thể của các chuyên gia độc lập, các công ty chứng khoán, chỉ ra sự hấp dẫn của giá cổ phiếu và khả năng thu lời lớn từ thị trường chứng khoán. Thế nhưng, bất chấp những lời mời gọi, các nhà đầu tư vẫn thờ ơ. Theo chị Nguyễn Thị Sinh, nhà đầu tư tại Sàn Chứng khoán APEC - Hà Nội, các nhà đầu tư đang chờ diễn biến tỉ giá và lạm phát trong những tháng cuối năm. “Chỉ khi 2 vấn đề này được giải quyết, chúng tôi mới tham gia thị trường”, chị nói.

Giật mình “thầy bói xem voi”

Từ tháng 7.2010 đến nay, các nhà đầu tư luôn bị quay cuồng trong các báo cáo tư vấn, khuyến nghị đầu tư, nhưng tài khoản chứng khoán âm vẫn hoàn âm. Trong hơn 4 tháng qua, mỗi khi thị trường rơi điểm do tin xấu, các chuyên gia phân tích lại tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Và họ lại kỳ vọng vào thị trường ở tháng sau.

Chẳng hạn, vào nửa cuối tháng 7, khi khối lượng và giá trị giao dịch giảm xuống mức thấp, các phân tích đều cho rằng, VN-Index có khả năng tạo đáy vì giao dịch có tín hiệu cạn kiệt. Các phân tích cũng đưa ra nhiều ví dụ để minh chứng tiềm năng của thị trường như tổng sản phẩm nội địa quý II/2010 tăng cao hơn quý I; Chính phủ chủ trương giảm lãi suất để kích thích kinh tế; các nhà đầu tư nước ngoài từ bán ròng chuyển sang mua ròng... Thế nhưng, tháng 7 qua, tháng 8 đến, VN-Index vẫn cứ lầm lũi đi ngang.

Sang tháng 9, các nhà phân tích lại đổ dồn vào việc mổ xẻ Thông tư số 13/2010/TT-NHNN được ban hành ngày 20.5.2010, quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Sự ra đời của Thông tư (nhằm siết chặt cung tiền đối với 2 kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản) đã làm cho VN-Index tiếp tục đi ngang. Trong khi đó, các nhà phân tích lại đánh giá rằng, những tác động xấu từ Thông tư đã được phản ánh hết vào giá cổ phiếu. Và trong trường hợp Thông tư được chỉnh sửa theo hướng hạ tỉ lệ dự phòng rủi ro cho vay chứng khoán thì đó sẽ là cú hích đối với thị trường. Thế nhưng, đến tháng 10, VN-Index vẫn cứ đi ngang.

Bước sang tháng 11, các tin tức về kinh tế vĩ mô ngày càng bất lợi đối với thị trường chứng khoán. Đó là nguy cơ chiến tranh tiền tệ thế giới đang gây áp lực lên tỉ giá tại Việt Nam. Kinh tế trong nước đối mặt với rủi ro lạm phát. Vì thế, khối lượng và giá trị giao dịch ngày càng sụt giảm so với tháng 7. Đến lúc này, dù giá cổ phiếu đã giảm sâu hơn các tháng trước nhưng các nhà phân tích không còn lạc quan nữa và quan điểm thận trọng bắt đầu xuất hiện.

Triển vọng mờ mịt

Sau bao năm lăn lộn với thị trường, ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Kinh tế, Công ty Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF), cho rằng, không nên đoán đỉnh, đáy của thị trường hay cổ phiếu để ra quyết định đầu tư. Mọi suy đoán về các khả năng tương lai khi cơ sở dữ liệu chưa rõ ràng sẽ dẫn đến những quyết định sai lầm.

Trước đây, ông Nguyễn Thắng, 1 trong 7 thành viên của nhóm phân tích Boston, thuộc Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VietNam Report), cũng từng thừa nhận: “Đối với thị trường chứng khoán, có một điều chắc chắn là chẳng có điều gì chắc chắn cả!”. Điều này có nghĩa, dù sự vận động của thị trường chứng khoán vẫn tuân theo quy luật và lịch sử luôn lặp lại nhưng vấn đề là quy luật đó sẽ xảy ra vào lúc nào và lịch sử bao giờ lặp lại. Những điều này vẫn luôn là ẩn số đối với các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư.

Cách đây hơn 1 tháng, ông Đinh Anh Kim, Giám đốc Công ty Chứng khoán APEC - Chi nhánh Chương Dương, cũng cho rằng đã đến lúc mua vào cổ phiếu với quan điểm đầu tư lâu dài. Thế nhưng, với các tín hiệu bất ổn về kinh tế vĩ mô hiện nay và phần lớn doanh nghiệp niêm yết báo cáo giảm lợi nhuận, ông Kim thừa nhận cũng sốt ruột khi đang nắm giữ cổ phiếu. “Nếu giá cổ phiếu đã thực sự rẻ và hấp dẫn, tại sao các quỹ đầu tư lại không mua vào?”, ông Kim đặt câu hỏi.

Còn ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Sao Việt, thì cho rằng với những bất ổn kinh tế vĩ mô hiện tại, kinh tế năm 2011 sẽ không có nhiều tín hiệu sáng sủa. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán vẫn chưa có cơ hội tăng trưởng bền vững. Theo ông, trong ngắn hạn, các chuyên gia đang lo ngại lạm phát có thể tăng tới 10% vào cuối năm nay. Đây là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm.

“Mặc dù giá cổ phiếu có vẻ đã ở mức thấp, nhưng việc có nên mua vào hay không lại cần phải cân nhắc. Theo nguyên lý, lạm phát luôn là kẻ thù của chứng khoán. Như vậy, với xu hướng lạm phát tăng vào các tháng cuối năm, tiền tệ sẽ vẫn được siết chặt. Trong khi một số bất ổn vẫn chưa tìm được giải pháp trong cả ngắn và trung hạn như tỉ giá tăng, lãi suất vẫn ở mức cao. Hai yếu tố cơ bản này sẽ tiếp tục gây áp lực lên kinh tế Việt Nam khi sang năm 2011”, ông Dũng nhận định.

Ông nói tiếp: “Các nhà đầu tư đã có bài học về lạm phát đầu năm 2008 và hậu quả của việc siết chặt tiền tệ đối với thị trường chứng khoán. Xét các yếu tố tác động nêu trên, cách đầu tư thông minh nhất hiện nay là quan sát để lấy kinh nghiệm thị trường. Vậy khi nào có thể tham gia thị trường? Hãy đợi cho đến khi kinh tế vĩ mô giải quyết được những vấn đề cơ bản như tỉ giá, lạm phát và lãi suất”.

Thanh Lâm

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   OTC “hóa” thị trường niêm yết (12/11/2010)

>   Cổ phiếu mía đường có ngọt? (11/11/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 40,93 điểm (11/11/2010)

>   Thị trường ngày 12/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (11/11/2010)

>   Thử thách bản lĩnh nhà đầu tư (12/11/2010)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Còn nhiều áp lực (11/11/2010)

>   Cứu giá cổ phiếu (11/11/2010)

>   Công ty chứng khoán: Bế tắc tự doanh (Kỳ 2) (12/11/2010)

>   Công ty chứng khoán: Bế tắc tự doanh (11/11/2010)

>   DVD giảm sàn 5 phiên liên tiếp vì tin đồn “lung tung” (11/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật