Công ty chứng khoán: Bế tắc tự doanh
KỲ 1: Mua dưới sàn, bán trên sàn
Tự doanh luôn là hoạt động tạo ra lợi nhuận chính của các CTCK. Sau năm 2009 khá thành công, bộ phận tự doanh của nhiều CTCK hiện đang “chết đứng”. Nhiều CTCK chuyên về tự doanh đã lỗ nặng, bế tắc trước câu hỏi “Tự doanh như thế nào cho hiệu quả?”.
Năm 2009, các CTCK đã tích cực tìm doanh nghiệp (DN) chưa niêm yết để tư vấn rồi mua CP giá rẻ, chờ khi lên sàn sẽ hiện thực hóa lợi nhuận. Nhưng từ đầu năm 2010, hầu hết CTCK lựa chọn chiến thuật này đã rơi vào tình trạng thua nhiều hơn thắng.
Hay và hên
DIG (DIC Corp) và CSM (Casumina) là 2 trong số những mã CP chào sàn thành công nhất trong năm 2009. DIG xuất hiện tại HOSE vào cuối tháng 8 với giá 5.5, chỉ sau 1 tháng đã leo lên mức đỉnh 15.0.
Cùng khoảng thời gian này, CSM cũng lên sàn với giá khởi điểm 4.2 và tăng lên đến gần 14.0 không lâu sau đó. Thành công của DIG và CSM nhờ vào nhiều yếu tố. Thời điểm hai mã CP này lên sàn, TTCK vẫn đang có diễn biến thuận lợi.
Đây là những “ông lớn” thực sự trong ngành bất động sản (DIC Corp) và công nghiệp cao su (Casumina). Cả 2 đã chọn mức giá chào sàn thấp. Lúc đó, EPS 9 tháng của DIG tương đương 6.500 đồng/CP, P/E tính theo giá chào sàn chưa đến 8 lần, trong khi rất nhiều CP BĐS lúc đó có P/E từ 15-20 lần.
Nhìn lại những DN chào sàn trong năm 2010, không nhiều DN đạt tầm vóc như DIC Corp và CSM. OGC (Tập đoàn Đại Dương) có thể xem là trường hợp hiếm hoi thành công, nhưng diễn biến của CP này khiến nhiều NĐT “đau tim” chứ không có kiểu “lên thẳng” như năm ngoái. 3 yếu tố vừa nêu, trong một chừng mực nào đó, đã không thể xuất hiện cùng lúc trong năm 2010 này, nên chiến thuật săn CP dưới sàn để lên sàn xả hàng của các CTCK thất bại là điều dễ hiểu.
Đầu tháng 9 vừa qua, một DN lớn trong ngành vận tải biển đã chào sàn với giá 1.8. Theo đánh giá của một số chuyên viên phân tích ngành vận tải biển, mức giá này được xem là rẻ, vì khi đó thị trường chung diễn biến không thuận lợi và ngành vận tải biển cũng đang gặp khó khăn.
Trước đó, một CTCK lớn đã ra tay gom CP này với giá bình quân 1.8 và chắc mẩm đây là “giá tốt”. Nhưng với việc giá gom mua bằng với giá chào sàn, rõ ràng CTCK này rất khó có lời, nếu không muốn nói bị lỗ, vì một tổ chức lớn muốn xả hàng sẽ không hề đơn giản.
Mấu chốt ở đây chính là các CTCK đã không thể dự báo được tình hình của thị trường trong khoảng thời gian mình mua CP cho đến khi lên sàn. Quản trị rủi ro kém, dự báo yếu, thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Trong năm 2009 đã có khá nhiều CTCK huênh hoang về khả năng tư vấn niêm yết CP của mình, hễ CP nào mình “làm” là sẽ “lên", nhưng giờ đây không ít CTCK đã phải lãnh quả đắng về sản phẩm của mình.
Sẽ không quá lời nếu nói rằng một số CTCK mua CP dưới sàn rồi chờ lên sàn bán thành công trong năm 2009 chủ yếu gặp “hên” nhiều hơn là “hay”.
Đua xả hàng cắt lỗ
Đầu tháng 7 vừa qua, một DN ngành đường đã chào sàn dưới sự tư vấn của một CTCK thuộc ngân hàng lớn. Được biết, một nhóm cổ đông lớn thay vì đợi CP lên sàn mới ra hàng, nay đã chủ động ra hàng trước từ dưới sàn. những cổ đông này đi tìm NĐT VIP, người môi giới có uy tín trên thị trường OTC để nhờ làm đại lý phân phối lô lớn và sau đó chiết khấu lại 5% trên tổng giá trị giao dịch.
Trường hợp tương tự là một DN sản xuất tôn khá có tên tuổi chào sàn vào đầu tháng 6. Trước khi lên sàn, một CTCK là thành viên HĐQT của công ty này đã bán hết sạch CP. Điều này rõ ràng không tốt, vì đứng trên cương vị là cổ đông lớn, sau khi ra hàng thì “trách nhiệm” cũng hết, như vậy NĐT khó có thể kỳ vọng CP sẽ được đánh lên.
Trong khi đó, NĐT cho dù mua được CP giá tốt, cũng không biết khi nào mới lên giá để bán. Ngoài ra, việc CTCK “ăn non” cũng phần nào gây ra cảm giác bỏ chạy quá sớm hoặc đem cục nợ của mình gán sang người khác. Có thể nói khi chiến thuật mua dưới sàn, bán trên sàn của các CTCK đã bị lộ, tất cả đều muốn xả hàng trong thời gian sớm nhất, điều này tạo ra sức ép lên giá CP. Nguy cơ cả NĐT lẫn CTCK cùng nhau xả hàng là điều tất yếu.
Một yếu tố nữa cũng tạo nên sức ép xả hàng cho các CTCK là chính sách ưu đãi cho CBCNV mua CP. Thông thường, khi CTCK ký kết hợp đồng tư vấn niêm yết, hay tái cấu trúc với DN, sẽ có thêm thỏa thuận bộ phận tự doanh mua CP.
Bên cạnh đó, một số “sếp” của các CTCK cũng tiến hành mua vào cho cá nhân, có người sau khi mua “chẻ” ra một ít bán cho anh em. Trong điều kiện thị trường thuận lợi, rõ ràng đây là giải pháp lợi cả đôi đường vì DN vừa bán được CP, vừa có mối quan hệ tốt với CTCK. Các “sếp” vừa đem về hợp đồng tư vấn cho công ty, lại vừa được tiếng thương lính vì đã cho nhân viên mua CP.
Nhưng khi thị trường không thuận lợi, ai cũng muốn rút chạy, giải pháp đó sẽ trở thành thảm họa. Không chỉ bộ phận tự doanh của CTCK bán ra, mà ngay cả nhân viên trong chính CTCK cũng tìm mọi cách để xả hàng sớm.
Cũng cần phải nói thêm về một chất xúc tác khiến quá trình xả hàng giữa nhân viên và bộ phận tự doanh của các CTCK diễn ra quyết liệt hơn, chính là vì CTCK đã cho nhân viên sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ quá “khủng”.
Cách đây chưa lâu, một DN trong ngành dược chào sàn với giá 7.2, theo nhiều tin đồn, bộ phận tự doanh của một CTCK đã ôm một lô lớn CP này với giá 6.8. Bên cạnh đó, nhân viên của CTCK này còn được ưu đãi mua vào với giá 7.1, trong đó được vay 5.0. Rốt cuộc thị trường không thuận lợi, CP này đã không thể tăng như kỳ vọng, cả CTCK lẫn các nhân viên đều rơi vào thế bán cũng dở, không bán cũng không xong.
Trong trường hợp này, cả CTCK và nhân viên đều khá “may” vì CP mặc dù giảm giá, nhưng chỉ giảm nhẹ.
Có thể nói chiến thuật hữu hiệu của các CTCK cách đây một năm đã thất bại hoàn toàn. Nhiều CTCK hiện đang quay trở lại đầu tư giá trị, nhưng thực chất để có thể đầu tư giá trị đúng nghĩa là việc không hề đơn giản.
Đại Ngàn - Phi Long
Sài Gòn Giải Phóng
|