Thứ Năm, 11/11/2010 13:44

Thị trường chứng khoán chờ một dấu hiệu rõ ràng

Chính phủ can thiệp thị trường ngoại hối và chính sách tiền tệ thắt chặt là hai yếu tố đang chi phối tâm lý và phân tích của các nhà đầu tư (NĐT) hiện nay. Khi một trong hai yếu tố này rõ ràng hơn, thị trường cũng sẽ có những thay đổi cơ bản hơn.

Giữa hai “dòng nước”

Thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch bùng nổ (ngày 5/11) sau động thái can thiệp của Chính phủ vào thị trường ngoại hối, cùng với diễn biến tích cực của chứng khoán thế giới. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,32 điểm (tương đương 1,85%), đóng cửa ở mức 457,27 điểm.

Các phân tích đều cho rằng, thị trường thời gian qua chịu sự tác động rất lớn bởi sự tăng giá của USD và vàng. Dòng tiền đầu cơ đã đổ mạnh vào thị trường vàng và USD thay vì vào kênh chứng khoán. Vì vậy, động thái “bơm” USD ra thị trường làm giảm nhiệt giá USD, hạn chế hoạt động đầu cơ tích trữ đồng tiền này.

Tuy nhiên, đóng cửa phiên giao dịch cuối ngày 8/11, VN-Index giảm nhẹ 0,14 điểm xuống 457,13 điểm (-0,03%). Có thể thấy rằng, sau phiên tăng ồ ạt vào cuối tuần trước, thị trường đã tỏ ra khá thận trọng và trở về trạng thái giằng co lưỡng lự.

Nhiều NĐT nhận định thông tin tăng lãi suất cơ bản đã được phản ánh đầy đủ vào phiên cuối tuần trước và quyết định tăng lãi suất tác động tích cực khiến NĐT sẽ mua vào. Tuy nhiên, không ít NĐT khác vẫn lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ cuối năm nên cân nhắc chưa giải ngân.

Sự khó đoán của thị trường được phản ánh rõ nét trong phiên ngày 8/11: mức tăng điểm nhẹ và khối lượng khá yếu (6,15 triệu đơn vị tính cho cả đợt mở cửa); mặc dù xu hướng bán ra vẫn áp đảo, gần 8,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được bán hạ giá trong thời gian ngắn nhưng tình trạng “bán tháo hàng” cũng không xảy ra.

Có lẽ cả người mua và người bán đều đang chờ đợi một phản ứng rõ rệt hơn của thị trường quanh vùng kháng cự 460 - 470 điểm trước.

Trạng thái này cũng có thể nhìn nhận qua sự phân hóa trong nhóm blue-chip: một số mã tăng điểm như VIC tăng kịch trần từ giá 71.500 đồng/CP lên 75.000 đồng; PVD cũng tăng trần lên 51.500 đồng; PVF tăng trần lên 24.300 đồng; như OGC tăng 500 đồng; SSI tăng 300 đồng...; trong khi một số mã bị giảm điểm mạnh như: DPM giảm 1.300 đồng/CP; BVH giảm 1.000 đồng, STB giảm 100 đồng...

Đặc biệt, FPT bị giảm về mức giá sàn còn 72.500 đồng/CP và trắng bên dư mua. Khối ngoại vẫn mua ròng 1,56 triệu cổ phiếu, tương đương gần 30 tỷ đồng. Các mã được mua vào nhiều nhất là PVD, STB và SSI.

“NĐT nên tạm thời dừng mua tại thời điểm hiện tại, chờ đợi thị trường phản ứng hết tâm lý. Đối với những NĐT rủi ro, nên giảm tối đa mức sử dụng đòn bảy tài chính” - đây là lời khuyên của hầu hết các công ty chứng khoán vào thời điểm này.

“Tiền nóng” có vào?

Tuy nhiên, sự lình xình của thị trường kéo dài quá lâu đã tạo sức ép lên hoạt động đầu tư. Do đó, chỉ cần một động lực đủ sức mạnh, hai sàn có khả năng sẽ bật lên mạnh mẽ. Ngoài tác động của chính sách can thiệp thị trường ngoại hối, thị trường Việt Nam cũng đang đón nhận những tín hiệu của nguồn “tiền nóng” 600 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang chảy vào châu Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia lý giải nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc dòng tiền nóng lạnh nhạt với một thị trường vốn được đánh giá cao như Việt Nam là do những lo ngại về sự ổn định kinh tế vĩ mô, trọng tâm chính là vấn đề tỷ giá. Mặc dù vậy, “tiền nóng” vẫn không phải là chủ đề nóng tại Việt Nam ít nhất cho đến đầu năm sau.

Mới đây, hãng tin Reuters cũng có bài viết nhận định “dòng tiền nóng sẽ sớm tìm đến với Việt Nam”, trong đó phân tích, những lo ngại về sự bất ổn kinh tế Việt Nam sẽ trở nên không quan trọng nữa trước sức hấp dẫn của thị trường này.

Hãng cũng dẫn thông tin cho biết, rất nhiều quỹ đầu tư trong nước cho rằng đã tới thời điểm bật lên của thị trường. Ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital, cho rằng, trong ngắn hạn, khi bức tranh tiền tệ chưa rõ ràng thì Việt Nam sẽ khó thu hút dòng vốn trên.

Tuy nhiên, các NĐT có tầm nhìn xa vẫn đang mua vào các cổ phiếu tốt. Họ đặt niềm tin vào kinh tế Việt Nam và biết khó khăn chỉ là tạm thời, không quá bận tâm tới câu chuyện tỷ giá.

Anh Minh

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Lãi suất tăng, chứng khoán giảm trong ngắn hạn (11/11/2010)

>   "Thị trường chờ đợi các chính sách cụ thể và nhất quán" (11/11/2010)

>   Chứng khoán: Góc nhìn cơ bản và kỹ thuật (11/11/2010)

>   Thị trường ngày 11/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (10/11/2010)

>   OTC: Nhà đầu tư lo trả nợ (10/11/2010)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ 0,34 điểm (10/11/2010)

>   Chưa thấy nhiều khả năng về dòng tiền nóng đổ vào Việt Nam (10/11/2010)

>   Dân chứng khoán thêm rầu rĩ vì giá vàng (10/11/2010)

>   Chỉ số chứng khoán bị “bóp méo”: Lợi và hại (10/11/2010)

>   Tư vấn... độc (10/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật