OTC “hóa” thị trường niêm yết
Cứ vào đầu giờ giao dịch hoặc cuối giờ chiều, NĐT S lại tham gia vào chợ cổ phiếu OTC trên mạng. Mặc dù hàng hóa trên đó đã niêm yết, nhưng do giao dịch ngoài luồng, ngoài hệ thống nên không ít môi giới vẫn gọi đó là chợ OTC.
Chợ OTC MB tại Liễu Giai (Hà Nội) tan rã hơn một năm nay, nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ. Nhiều sản phẩm tại thị trường này đã được mang vào thị trường niêm yết, với cách thức tổ chức chặt chẽ, tinh vi hơn như quyền chọn (option), cho vay chứng khoán.
Giao dịch bằng niềm tin
Rời chợ MB, H tìm bến đậu tại một CTCK hạng vừa. Thị trường ảm đạm kéo dài, nhiều NĐT lãng quên chứng khoán, bỏ mặc tài khoản khiến H nghĩ đến sản phẩm cho vay chứng khoán. Hiện tại, H đã xây dựng được phần mềm quản lý, trong đó có ít nhất 6 đầu mối có chứng khoán cho vay, với số lượng lên đến 20 mã. Đầu mối là những NĐT dài hạn, các quỹ đầu tư, các CTCK có khoản tự doanh dài hạn… luôn trong trạng thái sẵn sàng cho vay cổ phiếu. Nhiều mã cổ phiếu có thanh khoản cao trên thị trường như PVX, VCG, SSI, KLS… thường xuyên được vay mượn. Để đáp ứng đa dạng nhu cầu của NĐT, H dự kiến kéo dài danh sách lên 50 mã, với tiêu chí là DN làm ăn tốt và có tính thanh khoản cao.
"Khi có nhu cầu vay chứng khoán, NĐT chỉ việc thông tin với môi giới - một hệ thống 'chân rết' nằm ở rất nhiều CTCK. Sau đó, mình kiểm tra hàng trong hệ thống và thực hiện ráp nối người vay và người cho vay. Hai người sẽ gặp nhau ký một hợp đồng dân sự gọi là hợp đồng cho vay chứng khoán. Trong đó, ghi rõ số lượng, loại chứng khoán, thời hạn vay tối đa 15 ngày, với mức lãi suất 0,05%/ngày, tỷ lệ đặt cọc 25% trên tổng giá trị chứng khoán vay mượn. Khi người vay trả lại chứng khoán họ sẽ nhận lại 25% số tiền đặc cọc", H giải thích cách thức giao dịch vay mượn chứng khoán.
"Trong quá trình giao dịch, người đi vay vẫn giao dịch trên tài khoản của người cho vay. Do đó, về mặt pháp lý không có bất cứ rủi ro nào, hay nói cách khác, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khó lòng 'thổi còi' sản phẩm này", H khẳng định và hào hứng cho biết, sẵn lòng hợp tác với một kênh truyền hình để giới thiệu sản phẩm.
Việc gặp nhau và ký hợp đồng chỉ diễn ra với những NĐT mới. Hầu hết tham gia vào việc vay mượn cổ phiếu là những môi giới, NĐT đã quen nhau. Do đó, họ chỉ cần chốt với nhau qua chat hay SMS. Những nội dung này cũng chính là bằng chứng để thanh toán hoặc giải quyết tranh chấp. Do thị trường diễn biến nhanh nên đòi hỏi các NĐT phải có sự tin cậy rất lớn. Đôi khi không cần đặt cọc đã phải chốt với nhau khối lượng giao dịch. Giao dịch kiểu này khiến không ít người nghĩ đến chợ MB tại Liễu Giai trước đây. Không có tiền mặt nhưng người ta vẫn dễ dàng chốt với nhau hàng triệu cổ phiếu MB. Một trong nhiều nguyên nhân khiến chợ này tan rã, mặc dù cơ quan quản lý chưa "sờ" đến, là các NĐT mất niềm tin với nhau sau những vụ "nổ" quy mô lớn.
Rủi ro tới đâu?
Vay chứng khoán chỉ thu được lợi nhuận khi cổ phiếu đó xuống giá, vì người vay sẽ mua được cổ phiếu với giá rẻ để trả lại. Nếu cổ phiếu tăng giá, họ sẽ bị lỗ. TTCK lình xình suốt thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhiều NĐT vay cổ phiếu đánh xuống, "đè" thị trường. Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường đang bị bóp méo về cung - cầu. Theo quy định, phải T+3 NĐT mới được bán số chứng khoán đã mua, nhưng việc vay chứng khoán diễn ra dễ dàng nên họ sẵn sàng bán bất cứ lúc nào, điều này làm biến dạng thị trường. Thời gian giao dịch đang bị thu hẹp trông thấy, hiếm NĐT mua xong cổ phiếu mà không bị lỗ. Hay nói cách khác, cổ phiếu rất khó "thọ" T+3.
NĐT vay chứng khoán cũng phải hứng nhiều rủi ro, mà những rủi ro đó không chỉ đến từ yếu tố thị trường. Mặc dù là vay chứng khoán, phải đặt cọc, nhưng người đi vay không được đứng tên sở hữu cổ phiếu, mà vẫn giao dịch trên tài khoản của người cho vay. Vì thế, việc lệnh có khớp hay không, khớp giá nào, khối lượng bao nhiêu, người đi vay không biết chính xác. Có trường hợp, sau khi cho vay, giá chứng khoán lại vụt lên cao, khiến người cho vay "trở mặt" trả lại tiền đặt cọc, bồi thường chút ít và bán cổ phiếu đi thu lợi nhiều hơn lãi suất cho vay cổ phiếu.
"Soi" vào hợp đồng cho vay chứng khoán, điều dễ thấy nhất là không có điều khoản quy định cơ chế giải quyết tranh chấp và NĐT đi vay không được bảo vệ bởi sản phẩm này chưa được pháp luật cho phép. Người cho vay nắm đằng chuôi nhiều hơn. Ráp nối giữa người cho vay và người đi vay hiện nay không chỉ là các môi giới trung gian, mà có cả những pháp nhân.
Có thể nói, CTCK và các môi giới là những người được trong "cuộc chơi" cho vay chứng khoán. Khi ráp nối người mua với người bán, họ thu phí ở cả hai đầu. Khi giao dịch cổ phiếu trên sàn, họ lại được phí giao dịch. Đó là chưa kể một số NĐT dùng đòn bẩy để đặt cọc 25% thì họ lại thu được phí cho vay.
Theo Điều 33 Luật Chứng khoán, ngoài Sở/TTGDCK thì không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán. Đối với chứng khoán đã niêm yết, chỉ có hai phương thức giao dịch là khớp lệnh đa phương và giao dịch thỏa thuận trong hệ thống của các Sở GDCK. Vì thế, việc tổ chức cho vay, mượn chứng khoán và giao dịch ngoài giờ, ngoài hệ thống hiện nay là một cách lách luật. Trước khi cơ quan quản lý vào cuộc, NĐT nên tự bảo vệ mình bằng cách thận trong trước khi sử dụng dịch vụ vay chứng khoán.
Nguyên Thành
Đầu tư chứng khoán
|