Thứ Năm, 11/11/2010 22:03

Cứu giá cổ phiếu

Có những trường hợp cứu giá CP bằng thanh khoản, nhưng để NĐT bỏ tiền ra mua CP, không chỉ có yếu tố thanh khoản.

Những ngày gần đây, rất nhiều mã CP xuất hiện hàng loạt giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ. Ngoài những lý do như doanh nghiệp đã giải trình, những giao dịch này còn có một dụng ý khác: cứu giá CP.

Cứu bằng tiền

Công ty Ô tô TMT (TMT) đăng ký mua 500.000 CP quỹ từ ngày 6-8 đến 30-10, nhưng rốt cuộc chỉ mua được hơn 316.000 CP. Đáng nói là trong thời điểm TMT mua CP quỹ, giá CP vẫn tiếp tục lao dốc khoảng 50%. Giữa tháng 9 HĐQT của Sudico (SJS) cũng quyết định mua lại 1 triệu CP quỹ, nhưng CP này vẫn tiếp tục rớt. Công ty Giống cây trồng miền Nam (SSC) đăng ký mua 200.000 CP quỹ từ ngày 15-11-2010 đến 15-2-2011 với mục đích bình ổn giá thị trường.

Giả định SSC mua hết số CP như đã đăng ký với mức giá 1.6-1.7 như hiện nay, số tiền bỏ ra sẽ vào khoảng 3,2-3,4 tỷ đồng, không quá nhiều, trong khi khoảng thời gian mua lên đến 3 tháng. Xem ra, nếu SSC có quyết tâm mua hết, khả năng giữ được giá CP cũng vẫn còn để ngỏ.

Có những trường hợp cổ đông lớn mua thêm CP: Vietnam Property Holding công bố đã mua thêm gần 110.000 CP CNT (CTCP XD-KD Vật tư) nâng số CP CNT nắm giữ từ 22% lên 23%; TGĐ CTCP Đầu tư Phát triển Sông Đà (SIC) đăng ký mua 130.000 CP SIC; Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Công nghệ CMC mua thêm 100.000 CP CMC và hiện đang sở hữu 668.500 CP, tương đương 22% vốn điều lệ… Những trường hợp cổ đông lớn mua thêm CP như vừa nêu phần lớn là kiểu đăng ký vừa mua vừa bán nhằm mục đích lướt sóng hoặc để “ra hàng” một cách từ từ.

Cứu bằng thanh khoản

Suốt tháng 9-2010, CP AVS (CTCK Âu Việt) trụ khá vững trên 1.0 nhưng sang đến tháng 10 đã xuống dưới ngưỡng này và hiện thuộc nhóm CP “nhi đồng”, quẩn quanh ở khu vực 0.7-0.8. Mới đây, 4 thành viên HĐQT của AVS đã đăng ký bán 7,25 triệu CP của công ty, trong khi chủ tịch HĐQT lại đăng ký mua 6,75 triệu CP của công ty. CP giảm giá, thành viên HĐQT bán ra, theo lẽ thường có thể suy nghĩ đây là 1 cuộc tháo chạy, nhưng sự thực có như vậy hay không?

Điều dễ thấy là nếu các thành viên HĐQT có ý định tháo chạy thật, thì cách thức trên chỉ là hạ sách, còn có nhiều cách để rút êm hơn như vậy. Một giả thiết khác được đưa ra: động thái đó đơn giản chỉ là một “mẹo” đảo hàng với mục đích tạo thanh khoản cho CP.

AVS không phải là CP duy nhất thuộc nhóm “nhi đồng”, hàng loạt CP CTCK khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Việc đẩy giá CP lúc này, nếu làm được cũng không phải là giải pháp hay, vì cũng vô ích khi CP tăng mà không NĐT nào mua.

Trong khi đó, công bố thông tin tốt lúc này cũng có thể là một hành động lãng phí, vì nếu thị trường chung giảm giá, những CP “thường thường bậc trung” như AVS cũng khó đi ngược. Như vậy, việc tạo thanh khoản cho CP xem chừng là một giải pháp hợp lý, vì hiện giờ, NĐT đang ưa thanh khoản hơn thị giá, thích KLGD tăng hơn VN Index tăng.

Bên cạnh đó, việc thành viên HĐQT bán ra, trong khi chủ tịch HĐQT mua vào cũng tạo cho NĐT ấn tượng tốt vì cho thấy nỗ lực cứu giá CP. Nhưng thanh khoản chỉ là điều kiện cần, để NĐT bỏ tiền mua CP cần phải có nhiều yếu tố khác nữa. Nếu chỉ “dụ” NĐT bằng “mẹo” lúc này không phải cách hay.

Cứu bằng thông tin

Năm 2007, mặc dù HAP (Hapaco) chỉ là một mã CP tầm trung, nhưng ấn tượng để lại cho nhiều NĐT cũng không hề kém các blue chip khác. Thời điểm đó, HAP là một trong những DN sốt sắng nhất trong việc công bố KQKD theo tháng, nên CP cũng nhờ đó hưởng lợi.

Từ năm 2008 đến nay, thói quen này đã dần mai một, HAP cũng không còn “nổi” như trước nữa. Nhưng đầu tuần qua, HAP công bố đến nay đã đạt 57,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 91% kế hoạch năm. Với mức giá 1.3-1.4, P/E của HAP hiện chỉ khoảng 3,5 lần, phần nào đó cũng có thể gọi là rẻ, nhưng cũng không thể khẳng định HAP sẽ không thể giảm giá nữa.

Chính vì vậy, động tác công bố KQKD của HAP có thể giúp CP này tạo được đáy. Nhưng cũng có nhiều NĐT lo ngại rằng nếu HAP tiếp tục giảm thì không biết công ty có “dám” và có còn tin tốt để công bố nữa hay không.

Khoáng sản Bình Dương (KSB) cũng vừa công bố lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 97,55 tỷ đồng, đã vượt kế hoạch cả năm. KSB là một trong không nhiều CP đã thể hiện khả năng trụ giá tốt trong thời gian qua.

Bảo hiểm Dầu khí (PVI) còn mạnh dạn ước tính luôn KQKD cả năm 2010 với 4.269 tỷ đồng doanh thu và 340 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2011. PVI còn cho biết đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 1.597 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng và phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Nếu không có kế hoạch phát hành, liệu PVI có lẹ làng công bố KQKD như vậy hay không?

Phan Nguyễn

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Công ty chứng khoán: Bế tắc tự doanh (Kỳ 2) (12/11/2010)

>   Công ty chứng khoán: Bế tắc tự doanh (11/11/2010)

>   DVD giảm sàn 5 phiên liên tiếp vì tin đồn “lung tung” (11/11/2010)

>   Dân chứng khoán thêm rầu rĩ vì giá vàng (11/11/2010)

>   Thị trường chứng khoán chờ một dấu hiệu rõ ràng (11/11/2010)

>   Lãi suất tăng, chứng khoán giảm trong ngắn hạn (11/11/2010)

>   "Thị trường chờ đợi các chính sách cụ thể và nhất quán" (11/11/2010)

>   Chứng khoán: Góc nhìn cơ bản và kỹ thuật (11/11/2010)

>   Thị trường ngày 11/11 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (10/11/2010)

>   OTC: Nhà đầu tư lo trả nợ (10/11/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật