Thứ Sáu, 01/10/2010 08:43

TTCK VN năm 2010: 3 vấn đề cần chú ý

Nhận diện những đổi thay của kinh tế vĩ mô và đưa ra đánh giá về diễn biến của TTCK trong những tháng còn lại của năm 2010, hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng Chính phủ VN sẽ có những động thái cụ thể để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô và cơ hội cho TTCK VN 2010” do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán và Ban biên tập kinh tế Thông tấn xã VN tổ chức ngày 29/9/2010, TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đã đưa ra ba vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay.

Ba vấn đề đáng quan tâm

Thứ nhất, chính phủ các nước đang cân nhắc các phương án rút lui chính sách kích thích hợp lý nhất. Mặc dù Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã có những tranh cãi xung quanh vấn đề này nhưng cả hai bên đều thống nhất là phải giảm thâm hụt ngân sách một nửa mức hiện tại. Biện pháp được các nước đặt ra là áp dụng “kỷ luật sắt” đối với ngân sách.

Vấn đề thứ hai đáng lưu tâm là thực trạng mất cân đối kinh tế đang diễn ra ở nhiều nước mặc dù nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kép đang sụt giảm với xác suất xảy ra ước tính ở mức dưới 20%. Tại phần lớn các nước ở khu vực Đông Á, tỷ lệ tiết kiệm lớn hơn đầu tư, nguồn tiền của khu vực này là “dồi dào”. Khu vực Đông Á đang gửi đi một thông điệp về sự thay đổi chiến lược, không chỉ kích cầu trong từng nước, mà là kích cầu khu vực và đăc biệt chú ý đến tầng lớp trung lưu của Trung Quốc.

Vấn đề thứ ba rất được giới làm chính sách các nước quan tâm hiện nay là việc sửa đổi các quy định liên quan đến hệ thống tài chính và cải tổ các định chế tài chính bao gồm G20 và IMF. Đó là việc sửa đổi các tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn mới Basel 3 sắp được thực thi. Các nước Đông Á rất hoan nghênh những quy định mới này nhưng cũng thừa nhận là không thể áp dụng ngay cho nước mình mà cần những bước đi thích hợp, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng nước, tránh dẫn đến bóp nghẹt sự hồi phục kinh tế.

Kinh tế vĩ mô của VN cũng có một vài diễn biến tương đồng với các nước. Tuy nhiên, theo ông Thành, mức độ quan tâm của giới đầu tư VN dành cho thị trường tiền tệ và TTCK là khá cao trong so sánh với khu vực sản xuất, kinh doanh khác.

Đón chờ tin tốt

Trong khi đó, có hai quan điểm khá khác biệt về thực trạng kinh tế VN. Quan điểm thứ nhất cho rằng kinh tế VN đã phát triển tốt hơn khi nhìn vào các chỉ số kinh tế về tốc độ tăng trưởng chung và sức tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Những người theo quan điểm này cũng đặt hy vọng rằng dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường và bảo vệ ý kiến “Chính phủ nên thắt chặt chính sách tiền tệ vì tăng trưởng đã ở mức cao và cần lấy tính ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng”.

“Cách nhìn nhận trên bị phản bác bởi quan điểm thứ hai cho rằng cần tính đến các rủi ro về vĩ mô, trong đó có rủi ro về tỷ giá là đáng chú ý” - ông Thành cho biết. Lạm phát tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái đã ở mức 8,9%. Theo ông Thành, khi lạm phát của VN ở trên 7%, việc nhất quán trong các chính sách vĩ mô là rất khó. Và khi chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính và tiền tệ không nhất quán sẽ khuyến khích đầu cơ tài chính. Rủi ro thứ hai là cán cân thanh toán quốc tế. Thâm hụt cán cân thương mại và thâm hụt cán cân vãng lai là rất cao. Đây là một áp lực lớn đối với chính sách tỷ giá.

Về tác động của Thông tư 13/2010 của NHNN đối với TTCK VN, ông Thành cho rằng, kể cả không thực hiện Thông tư 13, tăng trưởng tín dụng cũng không vượt quá 30% trong năm 2010. Trong khi đó, “nếu lòng tin của người dân vào thị trường tốt, dòng tiền sẽ tự động chảy vào TTCK. Dòng tiền vào chứng khoán không liên quan quá nhiều đến nguồn tín dụng” - ông Thành nhấn mạnh. Một yếu tố khác cản trở lực hút tiền vào TTCK là rủi ro về chính sách. Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng, các thông điệp chính sách phát ra đôi khi lẫn lộn và thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Vấn đề trước mắt đối với kinh tế VN trong giai đoạn hiện nay là tình trạng lạm phát cao trước áp lực tăng trưởng quá lớn.

Ông Lê Bá Hoàng Quang – Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Cty chứng khoán SacomBank đồng tình với những nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2010 và cho rằng với những con số đưa ra như vậy không đáng phải lo ngại. Tuy nhiên, TTCK VN từ nay đến cuối năm 2010 cũng sẽ chưa thể có những bùng phát mà chủ yếu là đi ngang.

Dự báo về TTCK những tháng còn lại của năm 2010, ông Quách Mạnh Hào – Phó Tổng giám đốc Cty chứng khoán Thăng Long, cho rằng, những thông tin tiêu cực có ảnh hưởng đến thị trường đã được phản ánh vào giá chứng khoán. “Chúng tôi chỉ hy vọng là Chính phủ sẽ có những giải pháp cần thiết để giảm lãi suất, thông qua hạn chế phát hành Trái phiếu Chính phủ sơ cấp, hoặc tăng mua trái phiếu kỳ hạn dài hơn. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây là một tin tốt cho chứng khoán” - ông Hào nói.

H.Minh

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Đóng băng tài khoản (01/10/2010)

>   Cổ phiếu vận tải biển: Lực bất tòng tâm (01/10/2010)

>   Thị trường ngày 01/10 và góc nhìn từ CTCK (30/09/2010)

>   Chứng khoán "uể oải" đợi cú hích từ chính sách vĩ mô (30/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (30/09/2010)

>   HĐQT An Phát bác bỏ tin đồn về cổ phiếu AAA (30/09/2010)

>   Thị trường ngày 30/09 và góc nhìn từ CTCK (30/09/2010)

>   UPCoM-Index thấp nhất 1 tháng qua (29/09/2010)

>   “Tâm lý NĐT đã tích cực hơn, nhưng nửa vời” (29/09/2010)

>   Trong không thông, ngoài dễ tụt đáy (29/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật