Trong không thông, ngoài dễ tụt đáy
Minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp (DN) niêm yết đã được nhắc đến từ lâu, nhưng trên thực tế đây vẫn là chuyện bức xúc và khó giải quyết nhất trong thời gian qua. Nay, một lần nữa vấn đề minh bạch hóa thông tin lại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mổ xẻ và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới để lành mạnh hóa thị trường.
Hội thảo về “Những bước chuẩn bị IPO thành công cho doanh nghiệp” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng Tập đoàn Truyền thông Mileage (Singapore) và Hãng tin Bloomberg, được tổ chức vào ngày 23/9, một lần nữa lại nhắc đến việc cần thiết của minh bạch hóa thông tin.
Tại đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Phát hành thừa nhận: “Rất nhiều DN Việt Nam không có chiến lược cụ thể, dài hạn cho việc công bố thông tin trong quá trình phát hành.
Nhiều khi công bố đơn thuần nhằm mục đích đối phó hơn là nhu cầu tự thân. DN Việt Nam không hiểu rằng, minh bạch thông tin và khai thác phương tiện truyền thông hợp lý sẽ giúp tối đa hóa giá trị khi IPO, đồng thời là đòn bẩy hiệu quả cho sự phát triển kinh doanh”.
Ông Yap Boh Tiong, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Mileage cũng nói rằng, rõ ràng sẽ không có sự thay đổi nếu các DN chưa thấy hết được lợi ích cụ thể của sự minh bạch và khai thác phương tiện truyền thông hợp lý.
Theo ông, những lợi ích này có thể bao gồm sự quan tâm hàng đầu của giới đầu tư, DN nằm trong danh sách khuyến nghị của các nhà môi giới, nhà phân tích, các định chế tài chính sẽ muốn giao dịch, cổ đông sẽ gắn bó lâu dài và sẵn lòng hỗ trợ công ty...
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Srivatsan Sudersan, Giám đốc thị trường vốn khu vực Đông Nam Á và Nam Á của Bloomberg cũng nhấn mạnh, các DN sẽ có thêm danh tiếng và lợi nhuận khi chú trọng tăng cường quan hệ và tích cực thông tin tới nhà đầu tư.
Biết là vậy, nhưng đến nay, phần lớn các DN Việt Nam đều thờ ơ trước những cảnh báo trên khiến thị trường trong một năm qua gần như sụp đáy liên tục. Đây cũng chính là vấn đề đau đầu nhất đối với giới đầu tư hiện nay, kể cả tổ chức chuyên nghiệp, đó là đoán giá cổ phiếu DN sắp IPO.
Nhà đầu tư thiếu thông tin về DN hoặc không định giá chính xác DN dẫn đến tình trạng đẩy giá cổ phiếu lên cao là điều không hiếm trong các đợt đấu giá vừa qua. Và rồi, các nhà đầu tư đang đầu tư theo tính may rủi hay đang chấp nhận nó như một phần của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trước thực tế đó, một số chuyên gia nói rằng, mấu chốt của vấn đề không còn nằm ở chỗ DN nữa mà phải tạo ra được nhận thức chung cho DN và các công ty tư vấn, bảo lãnh phát hành về tầm quan trọng cũng như lợi ích lâu dài của sự minh bạch hóa cho bản thân DN.
Nói như thế vì trên thực tế, nhiều công ty thường coi nhẹ vấn đề tư vấn xây dựng một chiến lược thông tin cho DN xuyên suốt tất cả các khâu trước và sau IPO. Thiếu sót này là do hầu hết các công ty tư vấn chỉ có chuyên môn về lĩnh vực tài chính và hầu như không có kiến thức về xây dựng chiến lược công bố thông tin. do vậy, họ thường chỉ đơn thuần tư vấn doanh DN công bố thông tin theo đúng quy định mà thôi.
Ông Boh Tiong chia sẻ thêm rằng, kinh nghiệm của Singapore cho thấy việc mang đến cho khách hàng chiến lược truyền thông bài bản và có chiều sâu tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cho bản thân công ty tư vấn. Do vậy, các nhà tư vấn của Singapore thường có sự hợp tác rất chặt chẽ với công ty truyền thông để khai thác tốt khía cạnh này nhằm mang đến giá trị cao hơn cho khách hàng.
Nhiều chuyên gia phân tích, đến nay, vấn đề công bố thông tin của các DN vẫn chưa giải quyết triệt để do chưa có luật định về cơ chế rõ ràng về công bố thông tin của DN. Và hậu quả có thể dẫn tới không những nhà đầu tư chịu thiệt, mà kể cả các DN niêm yết khác, thậm chí cả thị trường chứng khoán cũng sẽ bị khó vực dậy.
Vì vậy, theo cách nói của luật sư Nguyễn Ngọc Bích, để tránh trường hợp gian lận, luật yêu cầu phải có người kiểm tra lại thông tin mà công ty cung cấp. Người có nhiệm vụ kiểm tra lại thông tin này là các công ty kiểm toán độc lập. Tuy vậy, trong trường hợp công ty vẫn cố tình vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách trung thực thì tùy theo mức độ mà xử lý.
Cụ thể công ty có hành vi gian dối sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, buộc chấp hành đúng quy định của pháp luật về công bố thông tin và bồi thường các thiệt hại (Điều 128 Luật Chứng khoán).
Vũ Anh
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|