Chứng khoán có thể sẽ đi ngang
|
Nhiều khả năng thị trường sẽ đi ngang và có thể quanh vùng mục tiêu 515 điểm từ nay đến cuối năm 2010 | “Mặc dù đã lấp ló những tín hiệu tích cực, song kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ảm đạm, tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
.Ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận định như trên tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô và cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, do câu lạc bô Nhà báo chứng khoán phối hợp công ty chứng khoán Sacombank tổ chức sáng nay 29.9.2010, tại Hà Nội.
Những yếu tố rủi ro, theo ông Thành bao gồm: lạm phát có khả năng tăng hơn dự báo; nợ công tăng cao; ổn định hệ thống tài chính thấp. Đặc biệt, 2 rủi ro lớn nhất là tăng trưởng nóng – gắn với thành tích và điều hành tỷ giá, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế quá khó khăn.
Do vậy, theo ông Thành, mục tiêu hàng đầu với Việt Nam hiện nay là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Muốn vậy, chính sách tiền tệ vẫn phải tiếp tục được thắt chặt. Tuy nhiên, để nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp không bị “bóp nghẹt”, cần có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận vốn dễ hơn.
Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ, năm 2010, cộng đồng doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn năm 2009, bởi không còn gói kích cầu trong khi hàng loạt chi phí đầu vào tăng (điện, nước, lãi suất, tỷ giá…); thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu thu hẹp… “Để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, chúng ta phải giảm nhanh lãi suất tín dụng. Muốn vậy, bằng mọi cách, phải kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Giám đốc khối phân tích công ty chứng khoán Thăng Long, ông Phạm Thế Anh đóng góp ý kiến: để giảm lãi suất thị trường, Ngân hàng Nhà nước cần mua lại trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, đồng thời phải hạn chế phát hành trái phiếu chính phủ. “Đến nay, thâm hụt ngân sách của chúng ta vào khoảng 45.000 tỉ đồng, trong khi chúng ta đã phát hành 51.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ ra thị trường, đây cũng là điều kiện để chúng ta hạn chế phát hành”, ông Anh nói.
Nhận định về thị trường chứng khoán cuối năm, các ý kiến cho rằng, mặc dù thời điểm khó khăn nhất đã đi qua, song những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực hỗ trợ cho sự bứt phá của thị trường chưa rõ ràng. Do vậy, nhiều khả năng thị trường sẽ đi ngang và có thể quanh vùng mục tiêu 515 điểm.
Thảo Nguyễn
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|