Chứng khoán thoát Thông tư 13
Nguồn vốn các ngân hàng sẽ bơm vào thị trường chứng khoán giảm không nhiều như các quy định của Thông tư 13
Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh Thông tư 13 cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng 25% số tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế để cho vay, thị trường chứng khoán đã có phản ứng tích cực.
Giải tỏa tâm lý
Phiên giao dịch ngày 28-9, thị trường chứng khoán đã xác định rõ xu hướng tăng điểm ngay từ đầu phiên. theo đó, VN-Index đợt một tăng 1,87 điểm, đạt 452,07 điểm. Sang đợt hai, thị trường có sự giằng co nhưng VN-Index cũng nhích dần lên 453,48 điểm (tăng 3,28 điểm).
Đóng cửa giao dịch, VN-Index đạt 455,13 điểm, tăng 4,93 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,24 điểm (tương đương 0,18%) lên 130,17 điểm. Phần lớn các nhà đầu tư cho biết tâm lý của họ được giải tỏa sau một thời gian khá dài chờ đợi cơ quan quản lý tiền tệ chỉnh sửa Thông tư 13.
Theo ông Lê Đạt Chí, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, gần như thị trường đã biết trước nội dung chỉnh sửa của Thông tư 13 nên không tạo bất ngờ. Bởi trước khi Thông tư 13 được thay thế bằng Thông tư 19 thì Chính phủ cũng đã công bố thông tin khá lạc quan GDP 9 tháng đầu năm của cả nước đạt 6,52%, nhưng thị trường vẫn không có sự đột biến.
Tuy nhiên, các quy định mới của Thông tư 19 có lợi cho các tổ chức tín dụng nên số tiền các ngân hàng sẽ bơm vào thị trường chứng khoán giảm không nhiều như các quy định của Thông tư 13.
Bất thường ổ phiếu AAA
Trong phiên giao dịch ngày 28-9, giá cổ phiếu AAA (Công ty CP Nhựa và Môi trường xanh An Phát - niêm yết trên sàn Hà Nội) tiếp tục giảm giá phiên thứ 8 liên tiếp, trong đó giảm sàn đến 6 phiên. Cổ phiếu AAA đã rớt một mạch từ 91.600 đồng/cổ phiếu xuống còn 54.900 đồng/cổ phiếu. Điều bất thường là phiên này khối lượng giao dịch của AAA tăng đột biến so với nhiều phiên trước đó, đạt trên 4,5 triệu cổ phiếu, bằng 1/2 tổng khối lượng niêm yết. Quan trọng hơn là tin đồn về sự làm giá tinh vi của cổ phiếu AAA đã lan ra từ tuần trước trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
P.Đình | Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư cho biết họ rất thận trọng khi mua - bán cổ phiếu. Điều này thể hiện khá rõ khi khối lượng giao dịch tại sàn TPHCM chỉ đạt 38,4 triệu đơn vị, tương đương 1.040 tỉ đồng.
Thị trường khó giảm sâu
Ông Ngô Thanh Phát, Trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS), cho rằng thị trường không hưng phấn quá đà bởi nhà đầu tư chưa đặt trọn niềm tin vào nền kinh tế.
Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất là lạm phát còn ở mức cao, nhập siêu vẫn chưa giảm, đặc biệt là lãi suất ngân hàng chưa thể giảm thêm trong ngắn hạn. Theo ông Phát, khi lãi suất vay vốn còn cao thì nhà đầu tư chưa tin tưởng sẽ có dòng tiền mới đổ vào cổ phiếu. Mặt khác, từ nay đến cuối năm 2010, rất nhiều doanh nghiệp lên sàn, nhiều công ty phát hành thêm cổ phiếu nên nguồn cung cổ phiếu sẽ tràn ngập thị trường, trong khi dòng tiền mạnh vẫn chưa xuất hiện.
Ông Lê Văn Thanh Long, chuyên gia cấp cao của Công ty Chứng khoán SME, cho rằng tuy giá cổ phiếu tăng không đáng kể sau khi Thông tư 13 được chỉnh sửa nhưng chứng khoán khó có thể giảm sâu. VN-Index sẽ dao động quanh mức 440 - 465 điểm, sau đó sẽ tăng dần lên.
Điều quan trọng là nhà đầu tư phải biết chọn lựa cổ phiếu tốt, không nên “dựa” vào “đội lái”. Bởi đối tượng này gần như đã chùng tay trước biện pháp tăng mức xử phạt vi phạm giao dịch của Ủy ban Chứng khoán, đồng thời nhiều thông tin liên quan đến một số cổ phiếu bị làm giá đã được nhiều người lưu ý.
Sơn Nhung
NGƯỜI LAO ĐỘNG
|