Lực cầu nào đã quét gọn 4,5 triệu cổ phiếu AAA?
|
Mã cổ phiếu AAA đang gây sự chú ý đặc biệt trên thị trường. | Thị trường chứng khoán mấy hôm nay đang xôn xao về việc một nhóm nhà đầu tư "tung hứng" cổ phiếu của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (mã: AAA đang niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội-HNX), khiến giá cổ phiếu này rơi tự do từ mức 91.600 đồng/cổ phiếu xuống còn 59.000 đồng/cổ phiếu trong 7 phiên liên tiếp, gây tổn thất lớn cho một số công ty chứng khoán.
Cụ thể, các nhà đầu tư này đã dùng các biện pháp kỹ thuật đẩy giá AAA tăng lên trên 100% trong thời gian rất ngắn, tiếp đến họ sử dụng dịch vụ margin (giao dịch ký quỹ) tại các công ty chứng khoán có tỷ lệ ký quỹ cao để mua lại khối lượng lớn cổ phiếu này với các mức giá gần đỉnh, rồi bỏ cọc luôn tại các tài khoản này. Giao dịch này đã khiến một số công ty chứng khoán phải ôm một lượng lớn, khoảng hơn 3 triệu cổ phiếu AAA với mức giá khu vực đỉnh và chỉ còn cách duy nhất là giải chấp cổ phiếu.
Câu chuyện trên chưa hết nóng, thì trong phiên giao dịch ngày hôm nay 28/9, sự kiện cổ phiếu AAA phá vỡ mọi kỷ lục về thanh khoản trên thị trường chứng khoán với 4,54 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trong phiên (tương đương 45,8% cổ phần công ty) tạo ra sự chú ý đặc biệt của các thành viên trên thị trường.
Câu hỏi đặt ra, trong khi tâm lý lo lắng và thận trọng bao phủ lên nhiều nhà đầu tư đang nắm trong tay cổ phiếu AAA thì lực cầu gần 250 tỷ đồng quét gọn 4,54 triệu cổ phiếu này với mức giá tiếp tục nện sàn (54.900 đồng/cổ phiếu) được bắt nguồn từ đâu và những ai đủ can đảm làm việc này?
Theo một đại diện môi giới tại một công ty chứng khoán, vào khoảng 9h15 phút thị trường đã khớp gần 3,5 triệu cổ phiếu AAA, trong đó có hơn 70 lệnh bán và có tới 1.990 lệnh mua. Với diễn biến này, thì rõ ràng người bán là những tổ chức và người mua sẽ nghiêng về các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
“Song, nếu là hiện tượng nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đáy, thì tới ngày T+4 (cổ phiếu về đến tài khoản) không có lực đỡ của các tổ chức thì rủi ro không thể chốt lời là rất cao,” vị đại diện nhận định.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán khác tại Hà Nội cũng đưa ra phân tích, có thể các công ty chứng khoán đang bị mắc hàng đã tiến hành "mua tay nọ, bán tay kia" tạo bẫy thanh khoản với giới đầu tư lướt sóng nhằm mục đích giải phóng bớt số cổ phiếu họ đang nắm giữ.
Tuy nhiên vị giám đốc này cho biết: “Tôi cũng băn khoăn và đang tìm hiểu nếu như khối lượng cổ phiếu AAA tại các công ty chứng khoán đang nắm khoảng 3,5 triệu đơn vị, vậy số lượng hơn 1 triệu cổ phiếu còn lại cũng bị đem bán giá sàn trong phiên bắt nguồn từ đâu?”
Hiện tại, đang có quá nhiều sự thắc mắc và sự hồ nghi về diễn biến giao dịch không được bình thường của mã chứng khoán AAA trong phiên hôm nay và nhiều thành viên trên thị trường đang rất lo ngại hiện tượng trên có nguy cơ tạo ra tiền lệ xấu trên thị trường chứng khoán Việt Nam./.
Linh Chi
Vietnam +
|