Thứ Hai, 27/09/2010 22:59

Bể kèo AAA

AAA (CTCP Nhựa và Môi trường xanh an phát) niêm yết 9,9 triệu CP tại HNX và chính thức giao dịch vào ngày 15-7-2010, đóng cửa với giá bình quân 5.0, giảm xuống gần 4.0 vào ngày 12-8 và sau đó là một đợt sóng cực khủng lên 9.2 vào giữa tháng 9. KLGD của AAA trong những ngày tăng giá cũng đạt mức cao, từ 400.000-800.000 đơn vị/phiên. Cũng như nhiều CP nóng khác, sau khi tạo đỉnh, AAA liên tục giảm giá, chỉ trong 6 phiên đã giảm từ mức 9.0 xuống còn hơn 6.0 kèm theo KLGD thất thường.

* AAA: Hiện tượng bất thường và nghi vấn mang tên margin

Chiêu mới

Việc lên xuống bất bình thường của AAA đã làm dấy lên tin đồn, bắt đầu vào sáng ngày 24-9, cụ thể như sau: Một nhóm cổ đông lớn đã mở 2 tài khoản số …37217 và …37218 tại CTCK P. và đưa vào 2 tài khoản này 3,5 triệu CP.

Bằng nhiều cách thức khác nhau như mua tay trái bán tay phải, hoặc treo lệnh mua giá trần, nhóm cổ đông này đã bỏ tiền ra đẩy AAA từ mức 4.0-5.0 lên 8.0-9.0 bằng nhiều chiêu đáng ngờ. Chẳng hạn đầu tiên là việc vợ của Phó TGĐ đăng ký mua 10.000 CP, nhưng cuối cùng chỉ mua 300 CP với lý do “hạn chế về tài chính”.

Nếu thực sự “hạn chế về tài chính”, tại sao lại dám công bố mua 10.000 CP? Sau khi mua xong 300 CP, bà này lại đăng ký bán ra 300 CP. Đây là những việc làm thoạt nhìn là hết sức vô thưởng vô phạt, nhưng cũng vì vậy mà nhiều người đặt câu hỏi tại sao cổ đông này lại có thể rỗi hơi làm những chuyện như vậy.

Tiếp đến là việc AAA công bố mua 300.200 CP và bán 326.500 CP. Đỉnh điểm của sự việc này là bà Nguyễn Thị Tiện - một cổ đông lớn - đăng ký bán 400.000 CP, nhưng cuối cùng lại không bán vì “điều kiện thị trường không thuận lợi”.

Nhưng trong quãng thời gian bà này đăng ký bán từ ngày 5-8 đến 6-9, AAA đã tăng giá từ gần 5.0 lên hơn 8.0. CP lên giá, không bán vì “không thuận lợi” có lẽ giải trình kiểu này là một sự xem thường NĐT và cả các cơ quan quản lý.

Song song với động thái đánh lên, nhóm cổ đông nói trên lại tiến hành mở tài khoản tại các CTCK gồm V., T., S. và D., với điều kiện được sử dụng đòn bẩy lớn. Khi AAA bước vào vùng giá 8.0-9.0, những cổ đông lớn này bắt đầu xả hàng và những tài khoản “chân gỗ” đặt tại 4 CTCK vừa nêu tên tiến hành mua vào với đòn bẩy tài chính tỷ lệ lớn.

Sau khi 2 tài khoản tại CTCK P. bán ra được 2,8 triệu CP, nhóm cổ đông của AAA lập tức rút ra số tiền mình vừa bán được. Tất nhiên, những tài khoản "chân gỗ" tại các CTCK kia cũng rơi vào tình trạng vô chủ. Lấy mức giá nhóm cổ đông này bán ra 2,8 triệu CP là 8.5, tổng số tiền thu về xấp xỉ 240 tỷ đồng.

Trong khi đó, nếu sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ trung bình 1:1, những tài khoản “chân gỗ” sẽ chỉ bỏ ra khoảng 120 tỷ đồng để mua vào. Vì số lượng CP lưu hành của AAA chỉ là 9,9 triệu đơn vị nên số tiền bỏ ra đánh lên cũng không phải quá lớn tại CTCK P. Hệ quả là hàng loạt CTCK bị kẹp hàng AAA với mức giá cao và buộc phải giải chấp, nhưng ngặt nỗi bán ra CP càng giảm và CTCK càng lỗ nặng.

Những nghi vấn

Một chi tiết rất đáng lưu ý là vào ngày AAA tăng gần đến đỉnh, xuất hiện một bản báo cáo của CTCK P. phân tích CP này, trong đó có đánh giá  như sau: “Chúng  tôi  giữ  hạng  Underweight  cho  AAA  với  giá  mục  tiêu  86.300 đồng, tương ứng với hệ số P/E 15.4 (x) EPS 2010”.

Theo giải thích trong báo cáo, Underweight (UW) là thấp hơn thị trường nội địa dưới 10%”. Đọc xong, trừ những ai được giải thích cặn kẽ, còn lại rất khó hiểu những đánh giá trên là như thế nào. Nhưng căn cứ vào tình tiết này, nhiều người có quyền nghi ngờ CTCK P. có dính líu gì đó đến nhóm cổ đông nói trên.

Rõ ràng một số CTCK bị kẹp hàng AAA, nếu đúng sự thật thì những CTCK này chỉ là “nạn nhân”, thủ phạm là những kẻ đã lập ra tài khoản “chân gỗ” để mua qua bán lại nhằm trục lợi. Ai cũng biết rằng khi cho sử dụng đòn bẩy, ít hay nhiều CTCK đều phải kiểm tra để xác định rủi ro từ phía CP và khách hàng.

Bên cạnh đó, các CTCK - nhất là những CTCK lớn với những lợi thế thông tin riêng của mình - cũng có thể xác minh được những dấu hiệu bất thường của CP. Như vậy có sự thông đồng giữa các chủ tài khoản này với người cấp đòn bẩy hay không? Nếu vụ việc này có thật, việc xác minh không hề khó. Chỉ cần kiểm tra cụ thể tài khoản và các giao dịch đối với AAA tại các CTCK là có thể tìm ra một cách dễ dàng.

Nhưng liệu các CTCK có dám công khai là mình đã bị “lừa” hay không lại là chuyện khác. Không ai muốn phơi cái dại của mình ra cho thiên hạ thấy.

Thái Ca

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Các tin tức khác

>   CP bất động sản bắt đầu phân hóa (27/09/2010)

>   SRB không minh bạch (27/09/2010)

>   Đầu tư phái sinh, treo đến bao giờ? (27/09/2010)

>   Thị trường ngày 28/09 và góc nhìn từ CTCK (27/09/2010)

>   UPCoM-Index lùi khỏi mốc 47 điểm (27/09/2010)

>   Có hay không “cú hích vĩ mô”? (27/09/2010)

>   Làm giá và những chiêu thức kinh điển (27/09/2010)

>   Đầu tư giá trị, bao giờ lên ngôi? (27/09/2010)

>   AAA: Hiện tượng bất thường và nghi vấn mang tên margin (27/09/2010)

>   Cơ hội thâu tóm doanh nghiệp (27/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật