Có hay không “cú hích vĩ mô”?
Thị trường tuần qua có vẻ chịu cú sốc CPI khá tốt khi mức giảm điểm không nhiều và khối lượng giao dịch thấp. Ba yếu tố được chờ đợi có thể sẽ ngã ngũ trong tuần này bao gồm: Phán quyết cuối cùng về thông tư 13; chính sách tiền tệ cho tháng 10 và sự quay trở lại của dòng vốn ngoại.
Thông tư 13: Đủ thứ tin đồn
Những ngày nghỉ cuối tuần chắc chắn các ra-đa nhạy tin của giới đầu tư vẫn phải căng sức làm việc. Vài ý kiến chuyên gia tiếp tục được trích dẫn không biết mệt, phân tích khả năng điều chỉnh hay chắc chắn sẽ phải điều chỉnh để gỡ khó cho một số NH lớn. Theo suy luận luôn đi trước của thị trường thì ngày 1.10 phải quyết có áp dụng thông tư 13 hay không, trong khi ngày 20.9 các NH đã có báo cáo. Như vậy đến lúc này (26.9) có lẽ “bản nháp” sửa đổi hay quyết định đã nằm ở đâu đó. Nếu không thì phải có các văn bản góp ý, phản biện được lắng nghe.
“Mặc dù có thể thị trường đã phản ánh hết tác động của thông thư 13 nhưng chắc chắn những xáo trộn tâm lý vẫn sẽ xảy ra khi NĐT biết được quyết định cuối cùng. Tuần này thực sự là tuần nhạy cảm để quan sát các phản ứng trên hai thái cực của NĐT” - ông Hùng, phó phòng phân tích một CTCK nhận xét.
Lập luận này được dựa trên căn cứ tâm lý. Đối với người mong muốn sửa đổi thông tư 13, họ sẽ thất vọng nếu văn bản này được giữ nguyên hay chỉ sửa đổi không đáng kể. Nỗi lo ngại sẽ khiến họ bán ra. Ngược lại, với những người cho rằng thông tư 13 không còn tác động gì nhiều nữa, hoặc không sửa đổi nhiều tức là đa số ngân hàng đủ điều kiện, họ sẽ phản ứng khi phía tiêu cực tháo chạy. “Kinh nghiệm thị trường dạy tôi rằng, tốt nhất là không nên để cảm xúc chi phối trong những thời điểm tin tức nhạy cảm được đưa ra mà quyết định vội vã. Cần phải quan sát phản ứng của các bên và đi theo bên mạnh hơn” - ông này nói.
Trên các diễn đàn, NĐT hai hôm nay sôi sổi bàn tán về số phận của Thông tư 13. Thậm chí khá nhiều tin đồn được tung ra với khả năng sửa đổi đã “chốt” và chỉ còn chờ ban hành. Sau hơn 2 tuần rơi vào quên lãng, câu chuyện thông tư 13 lại được hâm nóng vào thời điểm này chứng tỏ mối lo ngại của giới đầu tư vẫn chưa nguôi. “Câu chuyện về thông tư 13 vẫn được nhắc lại trên các diễn đàn nhưng chúng tôi cho rằng câu chuyện này đã không còn mới. Nếu vẫn thực hiện, nó sẽ không tác động nhiều tới thị trường. Trong trường hợp sửa hoặc hoãn thực hiện, có thể có một số hiệu ứng tích cực về mặt tâm lý với NĐT”, bộ phận phân tích của CTCK Vincom nhận xét.
Giảm kỳ vọng hạ lãi suất
Thông tin về lãi suất cơ bản cũng sẽ được công bố trong tuần này. Tuy nhiên, với mức tăng CPI tháng 9 tới 1,31%, không nhiều NĐT còn trông đợi một sự đột biến nào nữa. Điều thú vị là có vẻ diễn biến tăng của CPI không tác động nhiều vì tin này thậm chí được lan truyền trước cả thời điểm công bố. Điểm khác là số liệu chính thức có vẻ cao hơn các ước đoán. CTCK ACB cho rằng, CPI 9 tháng đầu năm 2010 tăng 6,46% so với cuối năm ngoái, khá gần với mục tiêu lạm phát cả năm kiềm chế ở mức 7 - 8%, và làm tăng áp lực cho các tháng cuối năm còn lại, mục tiêu giảm lãi suất xem ra khó thực hiện được.
Tuy nhiên khá nhiều phân tích khác cũng cho rằng việc lộ tin sớm cũng như được mổ xẻ quá nhiều từ trước khiến câu chuyện CPI đã được phản ánh vào giá trong các phiên giảm điểm. “Thông tin về CPI được các NĐT lan truyền vài ngày trước đây và tin đồn một lần nữa lại chính xác. Như vậy có thể thấy rằng CPI đã bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm. Đây không phải là điều gì đáng mới mẻ do yếu tố chu kỳ của chỉ số này. Điểm tiêu cực là CPI tăng mạnh hơn so với cùng kỳ hằng năm. Việc CPI tăng sẽ khiến lãi suất huy động khó giảm qua đó giảm lãi suất cho vay như mong muốn của chính phủ do kỳ vọng lạm phát tăng cao” - CTCK Vincom phân tích.
Khối ngoại "buông súng"?
Thực tế không thể phủ nhận là những phiên tuần qua, NĐTNN mua vào đột biến đã tạo cảm hứng cho thanh khoản. Đặc biệt nhờ lực đỡ ở một số CP lớn, thị trường được giữ nhiệt khá tốt. Tại sàn HoSE hai tuần qua, đã có những phiên khối ngoại mua vào chiếm từ 12-18% thị phần và đóng góp 16-20% giá trị khớp lệnh. Ngày 24.9, lần đầu tiên sau 16 phiên liên tục mua ròng, khối này đã bán ròng 37,5 tỉ đồng qua khớp lệnh tại HoSE.
Nói chung một phiên bán ròng cũng không có ý nghĩa nhiều, nhất là sau khi khối ngoại đã có tới 28/29 tuần mua ròng liên tục kể từ đầu tháng 3.2010 đến nay. Về tổng thể dòng vốn ngoại vẫn đang vào dương trên cả hai sàn. Với tỉ giá đang có lợi cộng với giá CK ở mức thấp, rất có thể dòng vốn ngoại sẽ vẫn tìm kiếm cơ hội trên TTCK. Các chuyên gia dự báo sẽ xuất hiện dòng vốn vay ủy thác đầu tư chảy vào Việt Nam tìm kiếm là lợi nhuận, nhất là chênh lệch giữa lãi suất trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2010 và triển vọng 2011” hồi đầu tuần, số liệu của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết đã có khoảng 2 tỉ USD chảy vào Việt Nam để kiếm chênh lệch lãi suất.
Hoàng Nguyên
lao động
|