Thứ Bảy, 25/09/2010 14:26

Nghịch lý thời gian chết khi chia tách cổ phiếu 

Việc chia tách cổ phiếu (stock split) ở Việt Nam được gọi với cái tên mỹ miều là cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu. Nhiều DN từng thực hiện thưởng cổ phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu như một thứ "mốt" nhằm thu hút NĐT. Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt tích cực thì hoạt động này kéo theo không ít hệ lụy, trở thành lực cản cho sự phát triển của TTCK.

Cổ phiếu thưởng hay phạt?

Anh Hiếu, một NĐT cho biết, anh có 10.000 cổ phiếu DHA của CTCP Đá Hóa An và không có ý định nắm giữ dài hạn. Do không để ý, anh không bán cổ phiếu này trước ngày 19/7/2010, là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 2:1. Do giá tham chiếu được điều chỉnh nên giá thị trường của DHA ngày 19/7 chỉ còn 30.600 đồng/CP, thay vì 46.700 đồng/CP trước đó một hôm. Như vậy, khoản đầu tư trị giá hơn 467 triệu đồng trong tài khoản thực tế của anh Hiếu bỗng dưng "bay hơi" mất 161 triệu đồng, nếu bán hết tài khoản chỉ thu về được 306 triệu đồng. Tất nhiên, 161 triệu đồng này không mất đi, mà đã được chuyển thành 5.000 cổ phiếu DHA sau này. Nếu thị trường tăng thì khoản cổ phiếu thưởng này mang lại lợi nhuận, nhưng thị trường mà xuống thì NĐT thiệt đủ đường. Trường hợp giá cổ phiếu giữ nguyên thì NĐT vẫn bị thiệt, bởi lý thuyết về tài chính chỉ ra rằng, khoản tiền 161 triệu đồng mất đi ngày hôm nay là lớn hơn khoản tiền 161 triệu đồng trong tương lai (ở đây là một vài tháng sau đó).

Tính đến ngày 21/9, giá cổ phiếu DHA chỉ còn 25.500 đồng/CP. Theo đó, khoản 161 triệu đồng nói trên của anh Hiếu chỉ còn 127,5 triệu đồng, tức giảm 20,8% giá trị. Anh Hiếu bức xúc, mặc dù biết giá cổ phiếu sẽ giảm, nhưng anh không thể nào "cắt lỗ" được, vì cổ phiếu chưa về tài khoản. Khoản cổ phiếu "treo" này cũng không thể cầm cố hay làm tài sản bảo lãnh để vay tiền nhằm đầu tư tiếp. Ngoài ra, anh không biết đến bao giờ mới có thể đặt lệnh bán nốt 5.000 cổ phiếu DHA. Ngày nào anh cũng kiểm tra tài khoản với một nỗi khắc khoải chờ đợi như "nắng hạn mong mưa".

Hơn 50.000 tỷ đồng đi về đâu?

Việc 161 triệu đồng nêu trên bỗng dưng bị "bay hơi" trong vài tháng không ảnh hưởng nhiều đến lượng tiền chảy trên TTCK. Nhưng tính số lượng hàng trăm ngàn NĐT như anh Hiếu kể trên thì sự tác động đến sức cầu của thị trường, đến tính thanh khoản của thị trường là rất lớn.

Theo thống kê của Báo ĐTCK, từ đầu năm tới nay đã có hơn 100 DN thực hiện việc chia tách cổ phiếu (bao gồm thưởng cổ phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu). Tổng số tiền bị rút ra khỏi thị trường từ hoạt động này lên đến hơn 50.000 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu chia tách có giá trị “bay hơi” lớn

Tính đến thời điểm hiện tại, có 39 cổ phiếu đã thực hiện chia tách nhưng chưa thực hiện lưu ký chứng khoán, dẫn tới một lượng tiền hơn 5.833 tỷ đồng tạm thời "biến mất". Trong khi đó, vẫn còn nhiều DN chờ đến ngày chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu.

Nếu tính hệ số vòng quay của tiền, một khoản tiền gần 6.000 tỷ đồng kể trên bị "treo" trong vài tháng có thể khiến thị trường bị mất đi một con số lớn hơn thế nhiều lần. Đây có thể đây là một trong những nguyên nhân làm thị trường "lình xình" trong thời gian qua.

Thời gian chết!

Việc chia tách cổ phiếu làm tăng số lượng cổ phiếu đang nắm giữ của cổ đông, nhưng không làm thay đổi giá trị vốn hóa, vì giá tham chiếu của cổ phiếu được điều chỉnh giảm tương ứng theo tỷ lệ chia tách. Các tỷ số phổ biến của việc phân chia là 2:1, 3:1, 3:2 (hiện được gọi là chia thưởng 50%, 40%, 30%). Nếu cổ phiếu tách ra bị lẻ thì NĐT sẽ nhận được tiền mặt thay cho số cổ phiếu lẻ đó.

Chỉ cần một phép tính đơn giản là chia theo tỷ lệ, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) có thể xác định ngay được số lượng cổ phiếu mới của cổ đông. Việc này đơn giản hơn nhiều so với các hoạt động chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông (chờ thời gian chuyển nhượng quyền mua, thời nộp tiền, lưu ký…).

Trong số gần 70 cổ phiếu đã chia tách và đưa cổ phiếu chia tách vào giao dịch từ đầu năm đến nay, thời gian trung bình để cổ phiếu về tài khoản là 73 ngày, nhanh nhất là 27 ngày (cổ phiếu CII) và chậm nhất là 172 ngày (cổ phiếu CSC). Đáng chú ý là trong số này chỉ có 6 DN thực hiện chốt quyền đồng thời chia tách cổ phiếu và phát hành thêm nên bị ảnh hưởng bởi thời gian nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần.

Rõ ràng, ở đây đang thiếu một quy định về thời gian DN phải lưu ký số lượng chứng khoán chia tách. Vì thế, trong hầu hết thông báo chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu hay trả cổ tức bằng cổ phiếu đều thiếu thông tin về ngày thực hiện niêm yết.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay chỉ có 5 DN dự đoán chính xác về ngày thực hiện niêm yết cổ phiếu chia tách. Còn lại hơn 30 DN dự đoán sai về ngày thực hiện, với sai số rất lớn. Cá biệt, ST8 dự kiến niêm yết ngày 18/5, nhưng đến ngày 19/8 mới niêm yết. Một số cổ phiếu khác cũng chậm khá nhiều so với dự kiến là SRC (70 ngày), HVG (68 ngày), AGR (57 ngày), CSM (56 ngày), DTL (55 ngày), FDC (50 ngày).

Được biết, VSD đã đưa vào triển khai hệ thống phần mềm lưu ký mới hiện đại từ ngày 31/5/2010, có thể quản lý đến từng tài khoản NĐT. Vậy tại sao việc chốt danh sách cổ đông, lưu ký chứng khoán mới vẫn phải mất đến hàng tháng trời?

Việc nhiều DN niêm yết quyết định thưởng cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu đang khiến không ít người lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Tuy nhiên, đây lại là nhu cầu chính đáng của các DN trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, để TTCK Việt Nam phát huy được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả, cơ quan quản lý cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ những bất cập nêu trên. Đặc biệt, cần nghiên cứu quy định để cổ phiếu thưởng, cổ phiếu trả cổ tức về tài khoản của NĐT ngay sau khi chốt quyền.

Việc chia tách cổ phiếu được gọi là cổ phiếu thưởng bị nhiều chuyên gia cho rằng không chính xác và đây cũng là nguyên nhân khiến ngành thuế áp mức thuế thu nhập cá nhân 5% với số cổ phiếu mới mà NĐT nhận được. Trong khi đó, vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu thực hiện chia tách bị điều chỉnh giảm tương ứng với tỷ lệ chia tách, NĐT do vậy không hề có khoản thu nhập thêm.

Hiện UBCK đang thực hiện sửa đổi Thông tư số 18/2007/TT-BTC hướng dẫn việc mua, bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng. Trong đó có tính đến việc mở rộng hơn và thay đổi khái niệm cổ phiếu thưởng thành chia tách cổ phiếu. Việc sửa đổi này là cần thiết, vì trên thế giới không có TTCK nào gọi chia tách cổ phiếu là "thưởng cổ phiếu".

Theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, UBCK, để tránh trường hợp các DN chậm trễ trong việc niêm yết cổ phiếu chia tách, dự thảo Thông tư 18 sẽ quy định thời gian tối đa cho việc niêm yết này là 45 ngày. Đồng thời, Dự thảo cũng quy định theo hướng buộc các DN phải công bố thông tin minh bạch hơn khi phát hành thêm cổ phiếu để chia thưởng và trả cổ tức..

Nguyễn Quang

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   “Cá cược” chứng khoán (25/09/2010)

>   Tăng cường kiểm soát để chặn "phù phép" chứng khoán (25/09/2010)

>   Dự cảm (24/09/2010)

>   UPCoM-Index trái chiều 2 sàn niêm yết (24/09/2010)

>   Chuyển biến lớn của cổ phiếu ngân hàng (24/09/2010)

>   Chứng khoán và mối lo lạm phát (24/09/2010)

>   Thu hẹp TTCK tự do: Những tranh luận trái chiều (24/09/2010)

>   Cẩn trọng với OGC (24/09/2010)

>   “Phù phép” trên sàn chứng khoán (24/09/2010)

>   Thị trường ngày 24/09 và góc nhìn từ CTCK (23/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật