Thứ Bảy, 25/09/2010 07:14

Tăng cường kiểm soát để chặn "phù phép" chứng khoán

Công tác kiểm soát cần được thực hiện nghiêm ngặt hơn bởi nếu không phát hiện kịp thời thì khung hình phạt có cao đến mấy cũng chẳng ý nghĩa gì

* “Phù phép” trên sàn chứng khoán

Theo giới chuyên môn, thời gian qua, hiện tượng thao túng giá chứng khoán dễ xảy ra một phần là do quy mô của các công ty đại chúng của VN còn quá nhỏ. Nhưng quan trọng nhất là các biện pháp quản lý còn nhiều kẽ hở, xử lý các sai phạm chưa nghiêm, chưa thật sự đủ sức răn đe.

Quá nhẹ tay

TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Tin học ứng dụng, cho rằng thị trường còn quá ít thông tin, từ thông tin vĩ mô đến vi mô, đặc biệt là thiếu những kênh phân tích thông tin chính thống, bài bản và đáng tin cậy. Đây là mảnh đất màu mỡ cho tin đồn xuất hiện và lan tỏa nhanh.

Thạc sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư tài chính Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận xét: Theo quy định phải hơn 100 cổ đông mới được tính là công ty đại chúng, song thực tế nhiều công ty thuần túy là công ty tư nhân nhưng đã được các công ty chứng khoán tư vấn phát hành ra đại chúng bằng cách chỉ phát hành cho CBCNV và phần lớn là người thân trong gia đình của HĐQT nắm gần hết lượng cổ phiếu. Chính vì vậy, khi lên sàn, lượng cổ phiếu trôi nổi bán ra ngoài rất ít, tạo điều kiện cho một nhóm nhà đầu tư thao túng.

Nhiều nhà đầu tư bức xúc rằng trong khi thị trường luôn bị thao túng thì công tác quản lý lại chưa nghiêm, thậm chí khung xử lý còn quá nhẹ tay. Vài tuần trước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt bà Nguyễn Thanh Hải và ông Nguyễn Hữu Chí vì có hành vi thao túng thị trường. Theo đó, từ ngày 16-4 đến ngày 30-6, bà Hải đã sử dụng tài khoản của mình và 3 tài khoản khác đứng tên người có liên quan, thông đồng với ông Chí thực hiện mua bán cổ phiếu HCC của Công ty CP Bê tông Hòa Cầm - Intimex (sàn Hà Nội) với khối lượng khá lớn so với khối lượng giao dịch toàn thị trường trong một thời gian dài. Ngoài ra, hai người này còn thỏa thuận giao dịch chéo giữa các tài khoản trong nhóm nhằm tạo cung-cầu giả. Diễn biến giá của HCC trong thời gian có những giao dịch bất thường này có lúc đã tăng từ 27.500 đồng/cổ phiếu lên 52.000 đồng/cổ phiếu (tăng gần 100%)... Hành vi trên lẽ ra phải xử lý rất nặng song quy định mức xử phạt cao nhất cho mỗi cá nhân chỉ 50 triệu đồng.

Trước đó, một trường hợp vi phạm khác cũng gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đó là việc chào mua công khai cổ phiếu của Công ty CP Vật tư và Vận tải xi măng (VTV) của bà Nguyễn Kim Phượng. Một mặt, bà Phượng chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu (ngay sau khi bà chào mua thì giá cổ phiếu VTV lập tức tăng mạnh) nhưng thực tế, bà Phượng không mua mà lại âm thầm bán ra trên 550.000 cổ phiếu VTV với giá cao để thu lợi. Ngoài ra, bà Phượng còn cùng 3 cá nhân khác có hành vi thông đồng, thao túng giá cổ phiếu VTV. Cộng cả 2 hành vi này, bà Phượng chỉ bị phạt 170 triệu đồng (đã tột khung) trong khi bà có thể kiếm lời từ vụ này hàng tỉ đồng...

Tăng mức phạt chưa đủ

Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán thay thế Nghị định 36/2007/NĐ-CP trước đây vốn còn nhiều bất cập đã có hiệu lực từ ngày 20-9. Nội dung của nghị định có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý nhất là hầu như tất cả mức phạt đã được tăng lên gấp đôi và mức phạt cao nhất lên đến 500 triệu đồng...  Dự kiến, cuối tháng 9-2010, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung của Luật Chứng khoán cũng sẽ được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức, sau đó sẽ  trình Quốc hội thảo luận và có thể thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.

Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, ông Huỳnh Anh Tuấn, cho rằng Nghị định 85 đánh mạnh vào các giao dịch nội gián, thao túng của các “đội lái”. Ngoài ra, với quy định thời hiệu xử phạt tới 2 năm kể từ ngày vi phạm và quá thời hạn trên dù không bị xử phạt nhưng vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho ngành chức năng trong việc xử lý.

Tuy nhiên, TS Đinh Thế Hiển cho rằng ngoài việc xử phạt cao còn cần phải mạnh tay hơn với các vi phạm tái diễn; đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về việc tịch thu số tiền kiếm được từ hành vi giao dịch chứng khoán bất chính...

Nhiều chuyên gia chứng khoán còn cho rằng ngoài việc tăng mức xử phạt, công tác kiểm soát cần được thực hiện nghiêm ngặt hơn bởi nếu không phát hiện kịp thời, xử đúng người, đúng tội thì khung hình phạt dù có tăng cao đến mấy cũng chẳng ý nghĩa gì. Trên thị trường chứng khoán của nhiều nước, những cổ phiếu nào xuất hiện chênh lệch giá đột biến sẽ bị kiểm tra ngay tất cả các giao dịch, ai mua, ai bán...

Trong khi tại VN, thường chỉ dừng lại ở mức yêu cầu công ty đó giải trình vì sao cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp. Và nội dung giải trình thường là: “Giá tăng là do cung - cầu thị trường”. Ngoài ra, các ngành chức năng cần đưa ra thị trường nhiều hàng hóa chất lượng, nhiều hình thức giao dịch. Có thể cho mua trước, bán trước chứng khoán cũng như các hình thức tương tự. Bởi hiện tại, chúng ta đang giảm thiểu rủi ro cho thị trường bằng cách đưa ra quy định này, quy định khác nhưng vô tình lại làm triệt tiêu tính chất phong phú của thị trường...

Vafi đề xuất nâng tiêu chuẩn niêm yết

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi), vừa ký văn bản đề xuất các giải pháp thúc đẩy đầu tư giá trị. Theo đó, các giải pháp thì đặt ra cho các công ty niêm yết, công ty chứng khoán nhưng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần ban hành một số giải pháp để tạo lập môi trường đầu tư giá trị. Cụ thể, đối với công ty chứng khoán, Vafi đề nghị nên thận trọng trong việc xuất bản các báo cáo phân tích, đánh giá giá trị doanh nghiệp.

Bởi theo Vafi, có rất nhiều báo cáo phân tích sơ sài, thiếu cơ sở và chủ quan, chưa nói đến vấn đề xung đột lợi ích của người viết báo cáo...

Theo Vafi, hiện nay có một số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả, thậm chí có nguy cơ bị giải thể, phá sản nhưng cổ phiếu vẫn bị làm giá mạnh. Hậu quả là tạo nên giá trị ảo và luôn gây thua lỗ cho những nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Vafi yêu cầu nâng tiêu chuẩn niêm yết của sàn HoSE, sàn HNX nhằm thanh lọc những loại hàng hóa kém chất lượng, xây dựng sàn HoSE đáp ứng các chuẩn mực quốc tế để tạo lập một sân chơi an toàn hơn cho các nhà đầu tư; nhất là cần phải giảm thiểu nhiều rủi ro trong kinh doanh chứng khoán cho các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm; giảm thiểu đáng kể tình trạng làm giá cổ phiếu như hiện nay...

Bộ Tài chính nên giao cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xúc tiến xây dựng đề án thành lập công ty định mức tín nhiệm thông qua việc xây dựng khuôn khổ pháp lý và thu hút các tập đoàn có tên tuổi trên thế giới đầu tư vào VN...

Sơn Nhung

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Dự cảm (24/09/2010)

>   UPCoM-Index trái chiều 2 sàn niêm yết (24/09/2010)

>   Chuyển biến lớn của cổ phiếu ngân hàng (24/09/2010)

>   Chứng khoán và mối lo lạm phát (24/09/2010)

>   Thu hẹp TTCK tự do: Những tranh luận trái chiều (24/09/2010)

>   Cẩn trọng với OGC (24/09/2010)

>   “Phù phép” trên sàn chứng khoán (24/09/2010)

>   Thị trường ngày 24/09 và góc nhìn từ CTCK (23/09/2010)

>   Giá đã gánh hết tin xấu? (23/09/2010)

>   UPCoM-Index quay lại mốc 47 điểm (23/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật