Giá đã gánh hết tin xấu?
Thị trường đi xuống phản ánh sự bất an của các nhà đầu tư chưa chấm dứt sau một chuỗi dài bấp bênh của Vn-Index. Biểu đồ đi lên đã thực sự có điểm tựa khi những chỉ số tốt của thị trường đã rõ ràng hơn?
Bi quan tin xấu, phớt lờ tin tốt
Khắp nơi trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta đưa ra các tin xấu giải thích cho sự đi xuống của thị trường. Các tin này có thể kể đến như: tình hình nợ công của Việt Nam đang ở mức cao; giá vàng tăng lên cao nhất trong vòng một năm, USD đang ở ngưỡng cao nhất; khả năng tiếp tục phá giá của đồng nội tệ; tình hình lạm phát tháng Chín đang quay trở lại (CPI dự báo 0,9 - 1%)...
Bên cạnh đó là ảnh hưởng tiêu cực của Thông tư 13 bất chấp những nỗ lực từ phía Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cùng rà soát sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế. Báo cáo của HSBC cũng tỏ ý “chê” giá chứng khoán Việt Nam còn hơi cao.
Thậm chí, có thông tin đưa ra quá xa so với sự thật như “lãi suất qua đêm đã vượt trên 8%/năm sau khoảng ba tháng ổn định phổ biến dưới 7%/năm”, trong khi trên thực tế, lãi suất bình quân chính thức chỉ là 6,93%/năm. Xem ra từ thông tin đến hành động đều ủng hộ cho một đợt suy giảm mạnh của thị trường.
Tuy nhiên, có vẻ tâm lý bi quan làm một số nhà đầu tư (NĐT) lờ đi bức tranh hồi phục của nền kinh tế đang ngày càng rõ nét. GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,7%/năm, cao hơn kế hoạch đề ra (6,5%/năm). Lạm phát tháng Chín nếu có cao thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát và dự kiến lạm phát cả năm vẫn là một con số.
Việc thực hiện Thông tư 13 là một bước đi quan trọng, với ý nghĩa lớn là giảm rủi ro của hệ thống Ngân hàng Việt Nam, đồng thời từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Vì thế, nếu có khó khăn trước mắt thì cũng chỉ là tạm thời để chuẩn bị cho một xu thế tăng trưởng bền vững.
Ngoài ra còn có các thông tin tích cực như: nhập siêu tháng Tám giảm; giá trị sản xuất công nghiệp tám tháng đầu năm tăng 13,7% so với cùng kỳ 2009; Việt Nam tiến thêm 16 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu...
Tin xấu đã phản ánh hết vào giá
Quay trở lại với diễn biến giao dịch trong 5 phiên vừa qua, kể từ phiên giảm điểm “bất thường” thứ Sáu, ngày 10/9. Lưu ý trong phiên này, mọi việc đang diễn ra bình thường, VN-Index trong phiên có lúc lên mức cao nhất (464,23 điểm). Tuy nhiên, vào lúc gần 10g, lực bán ồ ạt xuất hiện đã đẩy chỉ số giảm mạnh hơn 12 điểm và tiến sát ngưỡng hỗ trợ 450 điểm.
Nguyên nhân của phiên giảm điểm mạnh một lần nữa lại đổ lỗi cho việc Thông tư 13 không chỉnh sửa và không lùi thời hạn. Có vẻ như “phe đánh xuống” đã khá chủ động, lợi dụng tâm lý đang hưng phấn của NĐT để đưa ra các tin xấu đẩy thị trường giảm mạnh, làm cho các NĐT “yếu bóng vía” sẽ phải bán ra trong các phiên tiếp theo.
Mặc dù vậy, quan sát bảng cung - cầu toàn thị trường những phiên ngay sau đó, mọi người đều có thể nhận thấy tổng khối lượng đặt mua đã dần cân bằng, tiến tới cao và cao hơn hẳn tổng khối lượng đặt bán.
Điều này cũng tương tự đối với tương quan số lệnh đặt mua và số lệnh đặt bán. Một điểm đáng lưu ý là lực đặt mua rất khéo léo, chỉ đặt ở mức giá thấp dưới giá tham chiếu, nên chỉ số VN-Index không có dao động mạnh, chỉ tăng/giảm vài điểm trong phiên.
Ngoài ra, quan sát giao dịch cũng cho thấy, các blue chip như: BVH, OGC, EIB, ITA, HAG, SSI đã là trụ đỡ chính giúp cho VN-Index không thể giảm sâu và vững vàng trước vùng hỗ trợ 442 - 445 điểm.
Và điều gì đến sẽ phải đến trong phiên giao dịch thứ Sáu, ngày 17/9, đúng một tuần sau phiên giảm điểm “bất thường” tuần trước. Chỉ số VN-Index đã tăng 8,06 điểm, lên mức 457,58 điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều NĐT đang bi quan, ngóng chờ chỉ số VN-Index về đáy thấp hơn đáy 423 điểm lập ngày 25/8/2010.
Như vậy, sẽ không quá nếu nói rằng NĐT không nên quá bi quan về thị trường, hãy xem xét và đánh giá lại những mặt tích cực trong hiện tại và tương lai. Bởi vì, hầu hết các tin xấu hiện nay đã được phản ánh vào giá và 423 điểm nhiều khả năng đã trở thành đáy của một sóng tăng mới trong tháng Chín - Mười nhằm đón đầu kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp.
Với đợt điều chỉnh vừa qua, đồ thị kỹ thuật đã tạo ra mô hình đẹp: đáy sau cao hơn đáy trước, càng khẳng định xu hướng tăng điểm của VN-Index.
Đặng Lan Hương (CTCK Âu Việt)
DOANH NHÂN SÀI GÒN
|