Thứ Năm, 23/09/2010 15:19

Những dấu hiệu lạc quan

Gần 1 tuần giao dịch thận trọng, đến phiên cuối tuần (17.9), thị trường chứng khoán bất ngờ tăng mạnh. Trước diễn biến này, phần lớn nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi. Ông Vũ Thanh Tùng, đại diện một quỹ đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội, cho rằng: “Nếu thừa nhận nền tảng của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào sức khỏe của kinh tế vĩ mô thì lúc này, nên đánh giá khó khăn sẽ đi theo hướng nào, thay vì lo ngại về chúng. Khi xác định được hướng đi của kinh tế vĩ mô trong quý IV/2010 và năm 2011, nhà đầu tư sẽ quyết định có nên giải ngân lúc này hay không”.

Bức tranh vĩ mô: Nhiều gam màu sáng

Ông Tùng cho rằng, kinh tế Việt Nam nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đang phục hồi khá tốt, nếu xét đến tình hình ảm đạm cách đây 1 năm. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công bố mức tăng trưởng dương. Đối với Việt Nam, nếu như năm 2009, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ở mức 5,3% thì năm nay mục tiêu 6,5% hoàn toàn có thể đạt được.

Cách đây 2 tháng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái kép do những vấn đề như nợ công ngày càng trầm trọng của châu Âu, một số chỉ số vĩ mô quý II/2010 của Mỹ bất ngờ thấp hơn quý I, mối lo ngại về bong bóng nhà đất tại Trung Quốc, kinh tế Nhật rơi vào giảm phát… Thế nhưng, hiện nay, nền kinh tế thế giới đang cho thấy những dấu hiệu lạc quan như kinh tế châu Âu khởi sắc nhanh hơn dự báo, doanh số bán lẻ của Mỹ đạt mức cao nhất trong tháng 8, niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp hồi phục.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lúc này đã có thể nói rằng, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu là chắc chắn. Nguy cơ suy thoái kép đã lùi xa, bởi kinh nghiệm chống khủng hoảng của chính phủ các nước đã được nâng lên, sự hợp tác chống khủng hoảng xuyên quốc gia cũng được thể hiện rõ qua hành động của khu vực châu Âu nói riêng và thế giới nói chung trong đợt suy thoái vừa qua.

Nhóm chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa làm một cuộc nghiên cứu kiểm tra các yếu tố có thể gây ra cú sốc cho thị trường tài chính như tỉ giá cứng, mất cân đối nợ ngắn hạn/dự trữ ngoại hối, sự hoảng loạn của người gửi tiền… Kết quả của cuộc kiểm tra này cho thấy hầu như không có khả năng thị trường tài chính sẽ chịu đựng các cú sốc trong ngắn hay trung hạn, bởi các quy định quản lý thị trường tài chính vẫn đảm bảo được tính an toàn cho hệ thống.

Xét về yếu tố tỉ giá cứng, nếu một quốc gia tạo sự chênh lệch quá lớn giữa giá nhà nước và giá thị trường thì sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ tỉ giá. Cuộc khủng hoảng Thái Lan năm 1997 có nguyên nhân là vấn đề tỉ giá cứng. Trong khi giá thị trường là 40 baht/USD thì giá nhà nước quy định vẫn ở mức 25 baht/USD. Do chính sách điều hành tỉ giá của Việt Nam linh hoạt nên ít có khả năng xảy ra đầu cơ tỉ giá.

Về nguy cơ mất cân đối nợ ngắn hạn/dự trữ ngoại hối, hiện nay, tỉ lệ nợ ngắn hạn của Việt Nam ở mức khá an toàn 3 - 4 tỉ USD. Bên cạnh đó, thâm hụt thương mại của Việt Nam đang được cải thiện. Năm 2009, mức thâm hụt là 8,8 tỉ USD. Năm nay dự kiến còn 4 tỉ USD. Năm 2011, con số này có thể chỉ còn 1 tỉ USD.

Như vậy, với triển vọng sáng sủa của kinh tế vĩ mô (thế giới và trong nước) cùng với các yếu tố có thể gây ra cú sốc lớn cho hệ thống tài chính được loại bỏ, điều này đồng nghĩa thị trường chứng khoán sẽ không có tác động tiêu cực nào quá lớn để tiếp tục giảm sâu.

Nút thắt Thông tư 13

Ông Nghĩa cho rằng, không chỉ các nhà đầu tư chứng khoán mà cả nền kinh tế đang lúng túng với Thông tư 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc nâng tỉ lệ an toàn vốn và tỉ lệ dự phòng các khoản vay có độ rủi ro cao. Trước hết là quy định nguồn vốn huy động dùng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội… Đây là nguồn vốn có tính ổn định cao và chiếm tỉ lệ khá lớn, từ 15 - 20% trong tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng. Khi trừ đi khoản vốn này, cộng với tỉ lệ 20% nguồn vốn huy động không được sử dụng để cho vay nhằm đảm bảo khả năng thanh toán thì tỉ lệ cho vay/vốn lưu động của các ngân hàng sẽ ở mức thấp. Trong trường hợp tỉ lệ này quá thấp, hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng sẽ bị hạn chế.

Thứ 2 là nâng hệ số các khoản cho vay rủi ro như chứng khoán lên 250%. Theo ông Nghĩa, điều này là chưa cần thiết, bởi khi thị trường chứng khoán tăng nóng như năm 2007 (VN-Index đạt hơn 1.000 điểm) mà hệ số rủi ro chỉ ở mức 150%. Hiện nay, VN-Index đã giảm về dưới 500 điểm thì không có lý do gì để nâng hệ số này lên. Hơn nữa, theo chuẩn Basel III của thế giới, khoản vay có rủi ro cao nhất thì hệ số rủi ro cũng chỉ là 150%.

Ông Nghĩa cho rằng, hệ số rủi ro các khoản cho vay chứng khoán chỉ nên áp dụng ở mức 150%. Thậm chí, trong danh mục cho vay này, còn phải phân biệt rủi ro của từng khoản. Chẳng hạn, cho vay mua trái phiếu có độ rủi ro khác với cho vay mua cổ phiếu.

Với diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ hiện nay, Thông tư 13 có được sửa đổi không? Nhiều khả năng là có, nhưng sửa đổi như thế nào còn phải chờ sau ngày 20.9 khi có báo cáo đầy đủ của toàn hệ thống ngân hàng mới có thể quyết định.

“Nếu Thông tư 13 không sửa đổi những điểm đang gây nút thắt tiền tệ, hậu quả sẽ khó lường. Chẳng hạn, để đối phó với quy định không được sử dụng tiền gửi kỳ hạn của các tổ chức kinh tế, các ngân hàng thương mại có thể sẽ thỏa thuận với khách hàng để biến thành tiền gửi không kỳ hạn. Như thế, thị trường tín dụng sẽ bị méo mó, đó là vốn dài hạn bị chuyển thành vốn ngắn hạn, vốn ngắn hạn lại được dùng để cho vay dài hạn. Khi bất ngờ có tác động bất lợi từ bên ngoài, thị trường vốn sẽ dễ bị sốc”, ông Nghĩa cảnh báo.

Thanh Lâm

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   TTCK sụt giảm: Vẫn có thể kiếm lời với sản phẩm option (23/09/2010)

>   "Tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục là ẩn số tác động đến TTCK " (23/09/2010)

>   Lạm phát sẽ gây áp lực với thị trường (23/09/2010)

>   Thị trường ngày 23/09 và góc nhìn từ CTCK (23/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp (22/09/2010)

>   OTC: Đa dạng cổ phiếu rao mua - bán (22/09/2010)

>   Lạm phát đe dọa chứng khoán (22/09/2010)

>   Cổ phiếu “ma” (22/09/2010)

>   Nên kéo dài thêm thời gian giao dịch (22/09/2010)

>   Thận trọng cổ phiếu Thép (22/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật