Thứ Tư, 22/09/2010 06:45

Lạm phát đe dọa chứng khoán

Lạm phát tăng cao trở lại, thị trường tiền tệ và tín dụng căng thẳng, nhà đầu tư thêm bi quan, làm cho chứng khoán có nguy cơ ảm đạm lâu dài

Những thông tin ban đầu về chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI – thường gọi là lạm phát) tại hai TP lớn nhất nước trong tháng 9 tăng mạnh, làm cho giới đầu tư e ngại.

Vì vậy, trong phiên giao dịch ngày 21-9, nhiều nhà đầu tư chán nản đã bán ra nên cổ phiếu trên hai sàn giảm khá sâu: VN-Index bị mất 0,99% và HNX-Index mất 1,31%.

Tuy nhiên, tại một số mã blue-chips, do nhà đầu tư lớn chuyển giao lẫn nhau số lượng cổ phiếu lớn thông qua giao dịch khớp lệnh nên giá trị giao dịch toàn thị trường vẫn lớn hơn so với phiên trước.

Vì tỉ giá USD tăng?

Sau 5 tháng kiềm chế lạm phát thành công ở mức thấp (bình quân chỉ tăng khoảng 0,3%/tháng), đến tháng 9-2010, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng lại tăng mạnh. Tại TPHCM, lạm phát tăng trong tháng 9 là 0,97% và Hà Nội là 0,96%, cao gấp 3 lần so với những tháng liền trước. Còn mức tăng cả nước phải chờ thêm vài ngày nữa mới được Tổng cục Thống kê công bố.

Tuy nhiên, dựa trên chỉ số CPI của hai TP lớn có thể khẳng định mức tăng lạm phát cả nước trong tháng này xấp xỉ ở mức 1%. Nguyên nhân lạm phát tăng cao được nhiều chuyên gia xác định là do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỉ giá USD thêm 2,09% cách nay hơn một tháng, làm cho nhiều doanh nghiệp lấy đó làm cái cớ điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm.

Các mặt hàng dính líu đến nhập khẩu như: thép, phân bón, thuốc trừ sâu, công nghệ... được điều chỉnh giá ngay lập tức, còn những mặt hàng như gạo, thực phẩm, học cụ... tăng mạnh lại do nhu cầu xuất khẩu và thời vụ.

Vì lạm phát tháng 9 tăng cao trở lại sẽ đe dọa sự tăng trưởng chứng khoán nên trong phiên giao dịch ngày 21-9, nhiều nhà đầu tư lớn bán tháo cổ phiếu trên sàn TPHCM để ôm tiền. Vào đợt khớp lệnh cuối cùng (15 phút), tại các mã: BVH, DPM, HPG, KBC, OGC, VIC, VIP, PVF..., một số tổ chức ồ ạt bán giá ATC (giá ưu tiên mua - bán) với số lượng rất lớn, làm cho nhiều mã trong số này mất giá mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng, một nhà đầu tư có mặt trên sàn SSI, nhận xét: Sự xuất hiện của lệnh bán đợt cuối trên sàn TPHCM là không bình thường. Nhiều nhà đầu tư muốn thoát ra khỏi thị trường khi thấy lạm phát tăng cao trở lại nhưng cũng có nhiều người đón nhận để mua vào. Tận dụng cơ hội, một số “đội lái” ra sức kích giá, đè giá, làm cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mất phương hướng.

Dòng tiền có thể tiếp tục bị bóp chặt

Mặc dù Chính phủ chủ trương kéo lãi suất tín dụng xuống thấp để kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng mấy tháng qua đã không thực hiện được điều đó. Doanh nghiệp vay tiền ngân hàng vẫn phải chịu lãi suất cao, trong khi môi trường kinh doanh lại khó khăn nên nhiều đơn vị làm ăn bị lỗ hoặc giảm lợi nhuận so với trước.

Trong hoàn cảnh đó, lạm phát lại đang nhen nhóm nguy cơ tăng cao trở lại sẽ làm cho Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tín dụng. Nếu thế, dòng tiền đổ vào thị trường sẽ tiếp tục bị bóp chặt. Những doanh nghiệp biết làm ăn rất khó vay thêm vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, người đầu tư chứng khoán và bất động sản khó vay thêm tiền để mua hàng hóa.

Những hy vọng về việc Thông tư 13 sẽ được sửa đổi, chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh thông thoáng hơn để kích thích tăng trưởng tín dụng đang trở nên mờ nhạt dần trong giới đầu tư.

Lãi suất tín dụng sau một thời gian bị “cầm chân”, trong tuần qua lại có dấu hiệu nhích lên cả nội tệ và ngoại tệ. Điều đó chứng tỏ thị trường tiền tệ đang xuất hiện những dấu hiệu căng thẳng mới. Trong khi đó, giá vàng và USD tiếp tục biến động phức tạp càng làm cho giới đầu tư thêm bi quan và như vậy thị trường chứng khoán lại đứng trước nguy cơ ảm đạm lâu dài.

Trần Phú Minh

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu “ma” (22/09/2010)

>   Nên kéo dài thêm thời gian giao dịch (22/09/2010)

>   Thận trọng cổ phiếu Thép (22/09/2010)

>   Thị trường ngày 22/09 và góc nhìn từ CTCK (21/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (21/09/2010)

>   "Làm giá" cổ phiếu DHT: DHT bảo có, DVD nói không! (21/09/2010)

>   Chứng khoán bao giờ khởi sắc? (21/09/2010)

>   Thị trường ngày 21/09 và góc nhìn từ CTCK (20/09/2010)

>   Thị trường chứng khoán cần “liều thuốc” tâm lý (20/09/2010)

>   Triển vọng ngành những tháng cuối năm 2010 (20/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật