Thứ Năm, 23/09/2010 09:45

TTCK sụt giảm: Vẫn có thể kiếm lời với sản phẩm option

Thị trường chứng khoán hiện vẫn đang ở vào giai đoạn khó khăn khi tín hiệu phục hội vẫn chưa rõ ràng

Giữa tháng 8 năm nay, có nhiều tin đồn liên quan tới việc Công ty Chứng khoán V. cho khách hàng mượn chứng khoán để bán khống lúc thị trường sụt giảm. Thực tế, công ty này đã nhanh nhạy đưa ra sản phẩm mới – quyền chọn (option), trong đó quyền chọn bán cho phép khách hàng có thể kiếm lãi khi thị trường giảm.

TTCK Việt Nam và sản phẩm phái sinh

10 năm phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến nhiều sự thay đổi nhưng số lượng công cụ đầu tư (phái sinh, đòn bẩy) dành cho nhà đầu tư vẫn còn quá ít ỏi, gặp nhiều rào cản pháp lý trong việc áp dụng. Năm 2009, thị trường Việt Nam tăng trưởng nóng 270% nhờ công cụ đòn bẩy tài chính (hỗ trợ vốn của các CTCK) xuất phát từ việc nguồn tín dụng ngân hàng khá dồi dào. Năm nay, một công cụ khác xuất hiện khiến thị trường rất quan tâm là quyền chọn mua/bán, giúp cho nhà đầu tư có thể phòng vệ rủi ro và sinh lời ngay cả khi thị trường sụt giảm mạnh. Thêm một lần nữa, sự ra đời của các công cụ đầu tư trên TTCK khiến các cơ quan quản lý chức năng tiếp tục chậm chân hơn một bước so với xu thế phát triển chung. Khi dòng tiền chảy vào TTCK bị hạn chế, chỉ số chứng khoán khó tăng điểm thì việc bán khống hàng loạt bluechip là nguyên nhân dìm giá cổ phiếu xuống. Sự trồi sụt liên tục của thị trường trong thời gian gần đây dấy lên những lo ngại hoàn toàn có cơ sở về việc bán khống được ngụy trang dưới hình thức quyền chọn.

Thỏa thuận giá thực hiện?

Về cách phân loại, có hai loại quyền chọn cơ bản: kiểu Mỹ và kiểu châu Âu. Quyền chọn CTCK V áp dụng là kiểu Mỹ, có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian đáo hạn (khác với quyền chọn châu Âu chỉ được thực hiện vào thời điểm đáo hạn). Không phải tất cả các cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán đều có quyền chọn kèm theo mà chủ yếu các cổ phiếu nằm trong danh mục tự doanh của CTCK V. Yếu tố đảm bảo cho sức hấp dẫn của quyền chọn phải là danh mục cổ phiếu có tính thanh khoản, có “sóng”, yếu tố cơ bản tốt thì càng hấp dẫn (PVX, VCG, VND, QCG ..). Đồng thời, hoạt động tự doanh của CTCK được cải thiện nhờ việc bán quyền chọn cho khách hàng, thực chất là hưởng lợi nhuận biên giữa giá thực hiện và giá giao dịch.

Những sản phẩm phái sinh như option là cần thiết nhưng phải có chế tài bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ

Theo Hợp đồng hợp tác đầu tư quyền chọn (HĐHTĐT) mà công ty V đưa ra, giá thực hiện (X) là giá thỏa thuận có biên độ từ giá trần tới giá sàn của phiên giao dịch liền kề sau ngày ký hợp đồng mua quyền chọn. Trên thực tế, giá thực hiện (X) do chính CTCK này chào giá, thay đổi liên tục theo diễn biến thị trường ngay trong phiên. Và hiển nhiên, mức giá thực hiện X luôn cao hơn giá giao dịch hiện tại đối với quyền chọn mua và thấp hơn giá thị trường hiện tại đối với quyền chọn bán! Sự tính toán kỹ lưỡng của CTCK V luôn đảm bảo lợi ích cao nhất cho pháp nhân này khi họ hoàn toàn chủ động đặt giá trong biên độ dao động lên đến 14% của sàn HNX. Do vậy, khách hàng vẫn là đối tượng chịu thiệt nhiều hơn trong việc mua quyền chọn khi không “nắm đằng chuôi” vì CTCK tự đặt ra giá thực hiện trong biên độ rộng như vậy. Một điểm bất hợp lý khác trong HĐHTĐT ghi rõ, bên B (nhân viên của CTCK) hưởng chênh lệch giữa giá giao dịch và giá thực hiện nếu giá giao dịch (ST)  thấp hơn giá thực hiện (X) (đối với quyền chọn mua và ngược lại đối với quyền chọn bán). Câu hỏi được đặt ra là sản phẩm này có bị biến tướng thành sản phẩm cá cược?

Thực hiện option

Tại ngày thực hiện quyền chọn khách hàng có thể chọn một trong hai cách: bán chứng khoán cho bên thứ ba (hưởng chênh lệch giữa giá thực hiện và giá giao dịch thực tế), hoặc thực hiện quyền. Ví dụ: nhà đầu tư mua quyền chọn bán Po để thực hiện bán chứng khoán PVX với mức giá 24.000 đồng/cp vào ngày T. Nếu tại thời điểm thực hiện quyền giá giao dịch của PVX là 22.000 đồng/cp, nhà đầu tư có thể nhận mức lợi nhuận 2.000đ/cp (chưa trừ đi phí giao dịch, giá option) nếu bán cho bên thứ ba. Nếu thực hiện quyền chọn bán, nhà đầu tư sẽ bán được cổ phiếu PVX với mức giá 24.000đ/cp.

Quyền chọn (option)

Quyền chọn là sản phẩm phái sinh cho nhà đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro khi giá chứng khoán biến động ngoài mong muốn.

Giá quyền chọn mua/bán là Co , Po thực hiện mua cổ phiếu ABC với giá X ở thời điểm đáo hạn T. Tại thời điểm T, giá cổ phiếu ABC là St.

- Với quyền chọn mua Co (call option):

* Nếu St > X, thì nhà đầu tư có lãi = St - X - Co

* Nếu St £ X, coi như nhà đầu tư chịu khoản lỗ tối đa là Co

- Với quyền chọn bán Po (put option) thì hoàn toàn ngược lại :

* Nếu St Ž X, nhà đầu tư chịu khoản lỗ tối đa là Po

* Nếu St < X, nhà đầu tư hưởng lợi nhuận  = X- St - Po

Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng giá quyền chọn mà CTCK này đưa ra khá đắt, phổ biến bằng 7% giá trị chứng khoán hợp tác mua/bán trong 1 tháng và 12% trong vòng 3 tháng (tùy theo danh mục chứng khoán áp dụng). Với nhà đầu tư ngắn hạn, sử dụng công cụ quyền chọn này gần như không có lãi nếu trong thời hạn giao dịch t+3 mà cổ phiếu không tăng vượt quá 10% (2 phiên trần với sàn HOSE). Nhà đầu tư trung hạn (1 - 3 tháng) thì cần phải đánh giá chuẩn về thị trường để bắt đúng sóng mới có thể sinh lời nhờ mua quyền chọn này (phù hợp nhất khi thị trường giảm sâu). Cộng thêm biên độ trần - sàn của giá thực hiện quyền, CTCK đã “cân, đong, đếm” cấu trúc của sản phẩm này để nhà đầu tư không dễ gì gặt hái được lợi nhuận. Thêm vào đó, nếu thực hiện quyền đối với chứng khoán có hiệu ứng pha loãng (chia, tách, cổ phiếu thưởng, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm), nhà đầu tư buộc phải thực hiện quyền mua với điều khoản ràng buộc trong hợp đồng (bên CTCK sẽ chuyển tiền trước để thực hiện, sau đó nhà đầu tư sẽ hoàn trả số tiền đó cho CTCK).

Phòng ngừa rủi ro cho CTCK

Sự ra mắt của sản phẩm quyền chọn làm dịu bớt cơn khát của nhà đầu tư khi thị trường giảm điểm và trở thành tiêu điểm của năm nay khi nguồn vốn tín dụng bị bó hẹp. Bản chất của option là khả năng phòng ngừa rủi ro (hedge) cho nhà đầu tư, nhưng vô hình trung sản phẩm này trở thành món hàng sinh lời hiệu quả cho CTCK với phí dịch vụ cao (môi giới option, môi giới giao dịch chứng khoán, chênh lệch giá). Trong đó, giá quyền chọn được hợp thức hóa trên HĐHTĐT thành 2 loại phí: phí môi giới quyền chọn (1%) và phí cam kết chia sẻ rủi ro cho CTCK (6%). Không những vậy, danh mục tự doanh của CTCK hưởng “lợi đơn lợi kép” vì gạt phần lớn rủi ro sang phía người mua option vì mỗi chứng khoán trong danh mục có hai mức giá chênh lệch nhau: giá thực hiện call option và put option. CTCK sử dụng chứng khoán trong danh mục có sẵn, tự đưa ra giá thực hiện trong biên độ rộng, chào giá quyền chọn (khách hàng buộc phải thực hiện quyền mua phát hành thêm nếu chứng khoán có hiệu ứng pha loãng). Cho dù TTCK Việt Nam được dự báo bước vào giai đoạn khó khăn tại thời điểm cuối năm, CTCK này nhiều khả năng vẫn ăn nên làm ra nhờ mức độ hot của sản phẩm cấu trúc này.

Thiết nghĩ, cùng với sự phát triển của TTCK, những sản phẩm phái sinh như option là cần thiết, nhưng phải có sự quản lý và giám sát của cơ quan chức năng như UBCKNN, để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường.

Lê Trương

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   "Tỷ giá và lạm phát sẽ tiếp tục là ẩn số tác động đến TTCK " (23/09/2010)

>   Lạm phát sẽ gây áp lực với thị trường (23/09/2010)

>   Thị trường ngày 23/09 và góc nhìn từ CTCK (23/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp (22/09/2010)

>   OTC: Đa dạng cổ phiếu rao mua - bán (22/09/2010)

>   Lạm phát đe dọa chứng khoán (22/09/2010)

>   Cổ phiếu “ma” (22/09/2010)

>   Nên kéo dài thêm thời gian giao dịch (22/09/2010)

>   Thận trọng cổ phiếu Thép (22/09/2010)

>   Thị trường ngày 22/09 và góc nhìn từ CTCK (21/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật