Thứ Hai, 27/09/2010 09:06

Đầu tư giá trị, bao giờ lên ngôi?

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư (NĐT) có thể sẵn sàng mua hàng trăm triệu cổ phiểu chỉ dựa trên những thông tin rất thiếu căn cứ.

Việc thị trường suy giảm sâu trong tháng 8 khiến nhiều NĐT bài bản hy vọng trường phái đầu tư giá trị sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, để trường phái đầu tư giá trị trở thành phổ cập, cần nhiều cố gắng hơn nữa từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp và NĐT.

Thiếu “đất sống”

Theo Warren Buffett, nhà đầu tư giá trị nổi tiếng thế giới, khi đầu tư chúng ta không mua cổ phiếu mà mua quyền sở hữu công ty, và được hưởng những gì công ty đó đem lại trong tương lai. Chính vì vậy, NĐT cần hiểu rõ về ngành kinh doanh, năng lực của doanh nghiệp (DN) đầu tư. Khi xác định được giá trị DN, NĐT mới có thể tính được gía trị cổ phiểu đang được đánh giá cao hay thấp so với giá trị thực để chọn thời điểm thích hợp mua vào, rồi nắm giữ nó lâu dài để gặt hái kết quả thông qua luồng cổ tức cùng với sự tăng giá của cổ phiếu qua thời gian.

Sáu tháng đầu năm 2010, việc cổ phiếu bluechip bị “ghẻ lạnh” trong bối cảnh hàng loạt cổ phiếu hiếm và nhỏ lên ngôi cho thấy con đường đầu tư giá trị ở Việt Nam gần như không có đất sống. Tuy nhiên, việc thị trường đang ở mức 450 điểm, giảm 10% so với đầu năm khiến cho việc đầu tư theo trường phái tăng trưởng hay phân tích kỹ thuật đều khó áp dụng. Đặc biệt, khi VN Index rơi xuống 420 điểm khiến cho P/E (tỷ suất lợi nhuận/ giá cổ phiếu) của toàn thị trường về mức 10 lần và nhiều cổ phiếu chỉ ở mức 3, 4  lần khiến hàng loạt công ty chứng khoán khuyến nghị NĐT quay trở lại với trường phái đầu tư giá trị. Nhưng theo nhiều chuyên gia, bất cập vẫn tồn tại trên thị trường và rất khó cho các NĐT trường phái cơ bản có thể phát huy hiệu quả.

Giải pháp nào?

Cần đưa ra những chính sách khuyến khích NĐT đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khóan. Để làm được điều này, UBCKNN cần có nhiều công cụ để giám sát thị trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi bóp méo thị trường như bán khống, hiện tượng T+ (bán trước khi cổ phiếu về tài khoản), hiện tượng margin qúa cao khiến bị buộc giải chấp khi thị trường đi xuống. Việc công khai danh sách tự doanh của các CTCK cũng cho phép NĐT nhìn nhận được sự trung thực trong phân tích của các CTCK về thị trường nói chung và từng cổ phiếu nói riêng. Ngoài ra, các CTCK cần nâng cao chất lượng của đội ngũ môi giới, hạn chế tư vấn mua bán cổ phiếu theo tin đồn.

Một nguyên nhân khác là sự thiếu minh bạch thông tin trên thị trường chứng khóan Việt Nam. Cơn sốt cổ phiếu penny trong sáu tháng đầu năm cho thấy các thông tin của các doanh nghiệp niêm yết không rõ ràng, minh bạch là một trong những lý do khiến trường phái giá trị khó phát huy tác dụng.  Hiệp hội NĐT tài chính (Vafi) mới đây đã đề xuất các DN cần tự nguyện thực hiện việc công bố thông tin chuyên sâu đến NĐT, tạo điều kiện cho NĐT hiểu rõ tình hình hoạt động của DN, cũng như hiểu chi tiết về cấu thành tài sản của DN. Cụ thể, hằng tháng, DN nên cố gắng công bố thông tin vắn tắt về tình hình sản xuất, kinh doanh; phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn, thông tin về việc triển khai các dự án. DN cũng cần tiến đến thực hiện soát xét báo cáo tài chính theo quý, nhằm trau dồi cập nhập kiến thức cho bộ phận kế toán, đồng thời tạo lập niềm tin cho NĐT, tránh khoảng cách chênh lệch về số liệu tài chính giữa báo cáo kiểm toán và báo cáo tài chính do DN lập, đồng thời rút ngắn thời gian lập báo cáo kiểm toán cuối năm.

Đối với việc định giá lại tài sản, Vafi đề xuất định kỳ từ 3 đến 5 năm, DN niêm yết nên có một báo cáo định giá DN, bao hàm việc định giá chi tiết các loại tài sản vô hình, hữu hình, tài sản lưu động... gần giống với báo cáo định giá tài sản của DN thực hiện cổ phần hoá do các tổ chức tài chính trung gian có uy tín tiến hành. Việc kiểm kê đánh giá tài sản một cách chuyên nghiệp không những giúp cho quản trị tài chính DN tốt hơn mà còn giúp cho tất cả các NĐT hiểu sâu sắc về từng loại tài sản cấu thành nên giá trị DN, từ đó có cách đánh giá về tài sản theo giá sổ sách, theo giá trị thực tế thị trường.

Một  yếu tố khác cũng cần đề cập là việc số lượng NĐT cá nhân ngày càng nhiều trên thị trường chứng khóan Việt Nam. Trong đó có khá nhiều NĐT không chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết căn bản về tài chính, kinh tế. Việc mua bán theo tư vấn và “xui bảo” của người khác  khiến họ rất dễ mất bình tĩnh khi thị trường đi xuống hoặc chủ quan khi thị trường tăng điểm. Những NĐT này thường thiệt hại nhiều nhất trên thị trường chứng khoán. Việc tăng cường các lớp đào tạo, mở rộng các  hình thức tư vấn đầu tư, các hình thức đầu tư như qua quỹ ủy thác, quỹ đầu tư có thể là giải pháp cho vấn đề này.

Nguyễn Linh

NHÂN DÂN

Các tin tức khác

>   AAA: Hiện tượng bất thường và nghi vấn mang tên margin (27/09/2010)

>   Cơ hội thâu tóm doanh nghiệp (27/09/2010)

>   OTC: Khóa hàng (27/09/2010)

>   Thị trường ngày 27/09 và góc nhìn từ CTCK (26/09/2010)

>   Cổ phiếu biến động mạnh tuần 20-24/09 (25/09/2010)

>   OGC chiếm 45% giá trị mua ròng của khối ngoại (25/09/2010)

>   Nghịch lý thời gian chết khi chia tách cổ phiếu  (25/09/2010)

>   “Cá cược” chứng khoán (25/09/2010)

>   Tăng cường kiểm soát để chặn "phù phép" chứng khoán (25/09/2010)

>   Dự cảm (24/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật