Thị trường ngóng dòng tiền trở lại
Thị trường sẽ tiếp tục xu hướng “lình xình”, nếu dòng tiền rút khỏi thị trường chưa có dấu hiệu quay trở lại.
Từ đầu tháng 5 đến nay, VN-Index đã để mất khoảng 100 điểm, từ mốc khoảng 550 điểm xuống còn khoảng 450 điểm hiện nay.
Khối lượng giao dịch của thị trường ở thời điểm VN-Index còn trên mức 500 điểm khá cao, bình quân khoảng 60 - 70 triệu đơn vị trên sàn TP.HCM, với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.000 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên dao động trong khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng. Với khối lượng giao dịch như trên, trong thời điểm thị trường bắt đầu đi xuống hồi tháng 5, mỗi phiên lượng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán trên 3.000 tỷ đồng.
Theo một số nhà phân tích, đã có một lượng tiền không nhỏ được rút ra và chưa có dấu hiệu quay lại thị trường. Đây là yếu tố khiến thị trường ngày càng đuối sức.
Ông Ngô Minh Đức, một nhà đầu tư theo dõi thị trường khá thường xuyên cho rằng, việc dòng tiền bị hạn chế thời gian gần đây có phần xuất phát từ chính sự giảm điểm của thị trường. Theo đó, khi thị trường giảm điểm sâu, một số nhà đầu tư thậm chí đã bị khoá tài khoản, do giá chứng khoán giảm quá tỷ lệ theo hợp đồng cầm cố mà nhà đầu tư cam kết.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động giải chấp thực sự không phải là nguyên nhân của việc giảm điểm, cũng như hạn chế “đầu vào” của dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, nguyên nhân giảm điểm của thị trường gần đây, không chỉ là hoạt động giải chấp, bởi đợt này thị trường đã giảm trước khi các công ty thực hiện bán chứng khoán cầm cố.
Theo giải thích của một số nhà chuyên môn, thực chất dòng tiền sau khi rút khỏi thị trường vẫn nằm trong túi nhà đầu tư. Những nhà đầu tư này sau khi bán cổ phiếu, họ vẫn chờ cơ hội tốt để mua vào.
Trong khi đó, một nguồn tiền khác, vốn được coi là sức mạnh một thời của thị trường chứng khoán là dòng tiền từ đòn bẩy tài chính, thì hiện không được sử dụng nhiều. Theo phân tích của một lãnh đạo công ty chứng khoán, bối cảnh thị trường trong những thời điểm vừa qua đã khiến không ít nhà đầu tư “ngã ngựa” do sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã rút kinh nghiệm và không còn quá lạm dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư chứng khoán nữa.
Hơn nữa, thông thường, đòn bẩy tài chính chỉ được sử dụng nhiều trong những thời điểm thị trường tăng nóng, các nhà đầu tư cầm cố cổ phiếu để vay tiền, mua tiếp cổ phiếu, thường theo trường phái “đánh nhanh, rút gọn”. Do đó, họ thường chọn thời điểm thị trường đã thể hiện xu hướng tăng khá rõ rệt mới mạnh tay vay tiền để mua, tranh thủ “lướt sóng”.
Trong khi đó, bối cảnh thị trường đang thể hiện sức cầu yếu, hoàn toàn chưa có dấu hiệu tăng điểm, nên phần lớn nhà đầu tư chọn phương án phòng thủ. Đây là nguyên nhân khiến sức cầu khó được cải thiện và thị trường sẽ tiếp tục tình trạng “lình xình”.
Giới phân tích cũng cho rằng, nếu thực sự dòng tiền vẫn nằm trong túi các nhà đầu tư, thì đây chính là một lượng tiền có tính thanh khoản khá cao và nó có thể được đẩy vào khi thị trường có tín hiệu phục hồi.
Chí Tín
Đầu tư
|