Thứ Tư, 29/09/2010 09:48

Sửa đổi thông tư 13: Thị trường phản ứng trong bối rối

Chiều muộn ngày 27.9, NHNN đã công bố thông thư 19, sửa đổi một số điểm của thông tư 13 quy định về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Gánh nặng tưởng như đã được gỡ bỏ, nhưng số đông nhà đầu tư vẫn bối rối trong phiên giao dịch ngày 28.9. Cả bên mua lẫn bên bán đều rất thận trọng khiến thanh khoản không có gì đột biến.

"Loạn" phân tích

Đêm ngày 27.9 có lẽ là một trong những đêm bận rộn nhất của đông đảo NĐT. Chỉ cần nhìn con số thống kê hàng chục ngàn lượt đọc các chủ đề thảo luận về các điểm sửa đổi của thông thư 13 cũng đủ thấy mối quan tâm lớn đến mức nào. Thông tư 19 được công bố chiều muộn ngày 27.9 khiến NĐT không tiếp cận được các phân tích chuyên sâu, thậm chí nhiều báo cáo của CTCK gửi khách hàng cũng không biết đã có thông tư mới. “Có CTCK gửi thông tin vào sáng hôm sau, nhưng cũng chỉ mang tính thông báo chứ không phân tích được cụ thể việc thay đổi có ý nghĩa như thế nào. Cá nhân tôi cũng chóng mặt với các bình luận hai chiều trên diễn đàn” - một NĐT tại CTCK Thăng Long cho biết.

Bản thân hàng chục chủ đề bình luận trên các diễn đàn CK cũng cho thấy NĐT phân chia làm hai thái cực khá rõ rệt: Một phía chỉ chú ý đến khả năng hoãn, lùi thời gian thi hành, giảm hệ số rủi ro với các khoản vay CK. Phía khác lại cho rằng những sửa đổi dù nhỏ những rất tích cực khi khơi thông dòng vốn của ngân hàng.

Một điểm chung là việc sửa đổi thông tư 13 không phải NĐT nào cũng nắm bắt được đầy đủ nội dung. Thông thư 19 chỉ tóm gọn trong 3 trang giấy và rất kỹ thuật với đặc thù văn bản quy phạm pháp luật. Nếu không có sự so sánh giữa hai văn bản, NĐT khó có thể tìm thấy các thay đổi về mặt con số lẫn câu chữ mang tính khác biệt lớn.

Bối cảnh loạn thông tin, bình luận đã phản ánh vào phiên giao dịch ngày 28.9 khi gần như cả bên mua và bên bán đều chờ đợi, nghe ngóng động thái của phía còn lại. Khối lượng chỉ tăng chưa đầy 6% so với phiên đầu tuần với 34,8 triệu đơn vị nhưng vẫn thấp hơn nhiều mức bình quân của tuần trước (41,8 triệu đơn vị/phiên). Một cuộc thăm dò "bỏ túi" với 9 NĐT tại 4 CTCK khác nhau đều nhận được câu trả lời giống nhau: Vẫn chưa hiểu lắm liệu thay đổi của thông tư 19 tích cực đến mức nào, tốt nhất là xem thị trường phản ứng ra sao rồi tính!

Thông tư 19: Sửa ít hay nhiều?

Suốt thời gian qua, điều mà giới đầu tư lo ngại liên quan đến thông tư 13 bao gồm: Quy định mới về tỉ lệ an toàn vốn cao hơn, áp hệ số rủi ro cao với các khoản vay bất động sản, CK sẽ hạn chế dòng tiền vào thị trường; quy định mới về tỉ lệ cấp tín dụng 80% - 85% so với nguồn vốn huy động, thắt thị trường liên ngân hàng khiến dòng vốn ứ đọng và lãi suất khó giảm.

Đối với lo ngại thứ nhất, NĐT sẽ thất vọng vì thông tư 19 không đề cập đến hệ số rủi ro của các khoản vay đầu tư CK, bất động sản. Thời điểm có hiệu lực của thông tư vẫn từ 1.10. Việc giới hạn tỉ lệ cấp tín dụng (cho vay) tỉ lệ vẫn giữ nguyên: 80% đối với ngân hàng và 85% đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Tuy nhiên, một số điểm sửa đổi rất kỹ thuật, thậm chí chỉ là câu chữ cũng đem lại khác biệt lớn. Hai điểm quan trọng liên quan đến khả năng cung tiền ra của ngân hàng được sửa đổi bao gồm: Cách xác định tỉ lệ về khả năng chi trả và tỉ lệ cấp tín dụng.

Đối với cách xác định tỉ lệ về khả năng chi trả, các ngân hàng mỗi ngày phải đảm bảo tỉ lệ tối thiểu 15% giữa tổng tài sản “có” thanh toán ngay và tổng tài sản “nợ” phải trả. Mặc dù thông tư 19 vẫn giữ nguyên tỉ lệ 15% như thông tư 13, nhưng đã nới lỏng trong cách tính tổng tài sản “có”. Điểm sửa đổi là: Ngân hàng được tính vào tài sản “có” toàn bộ số dư tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn đến hạn thanh toán mà ngân hàng gửi tại tổ chức tín dụng khác (trừ ngân hàng chính sách). Thông tư 13 không cho phép tính toàn bộ như vậy, mà phải trừ đi phần các tổ chức tín dụng khác gửi. Tóm lại, tổng tài sản “có” sẽ tăng lên, nghĩa là DN dễ dàng đảm bảo tỉ lệ tối thiếu 15% về khả năng chi trả hơn.

Đối với tỉ lệ cấp tín dụng, tỉ lệ 80% vốn huy động vẫn được giữ đối với ngân hàng và 85% với tổ chức tài chính phi ngân hàng, nhưng có 3 điểm sửa đổi quan trọng làm tăng tổng nguồn vốn huy động: Thứ nhất, cho phép tính cả tiền gửi có kỳ hạn của kho bạc (quy định cũ không cho). Thứ hai, bổ sung mới quy định cho tính thêm 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng). Thứ ba, cho tính cả tiền vay của tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên, tức là mở nhất định với thị trường liên ngân hàng.

Tóm lại, việc sửa đổi thông thư 13 chiều lòng cả đôi bên. Với người quan ngại rủi ro, quy định mới vẫn cẩn trọng với các khoản vay có độ rủi ro cao (giữ nguyên hệ số rủi ro, tỉ lệ an toàn tối thiểu). Với các kiến nghị của hiệp hội ngân hàng, khá nhiều điểm được sửa theo, trong đó đáng kể nhất là tính thêm tới 25% tiền gửi không kỳ hạn và tiền vay tổ chức tín dụng khác có kỳ hạn 3 tháng trở lên. Việc áp dụng thông tư 19 dù chặt chẽ về tỉ lệ đảm bảo an toàn hơn trước, nhưng cũng không “ép” quá mức nguồn vốn có thể cho vay.

Hoàng Nguyên

lao động

Các tin tức khác

>   OTC: Vẫn khó giao dịch (29/09/2010)

>   Chứng khoán thoát Thông tư 13 (29/09/2010)

>   Sửa Thông tư 13, tiền vào chứng khoán chưa hẳn đã dồi dào (28/09/2010)

>   Thị trường ngày 29/09 và góc nhìn từ CTCK (28/09/2010)

>   Lực cầu nào đã quét gọn 4,5 triệu cổ phiếu AAA? (28/09/2010)

>   UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (28/09/2010)

>   Bể kèo AAA (27/09/2010)

>   CP bất động sản bắt đầu phân hóa (27/09/2010)

>   SRB không minh bạch (27/09/2010)

>   Đầu tư phái sinh, treo đến bao giờ? (27/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật