Thứ Tư, 29/09/2010 15:52

Góc nhìn khác về báo cáo phân tích của CTCK

Điều dễ nhận thấy tên các trang thông tin điện tử mục nhận định thị trường của các CTCK là luôn nhận được nhiều phản hồi, chủ yếu theo hướng tiêu cực. Gần đây, nhiều NĐT cá nhân thực sự bối rối về trường hợp 3 CTCK khi phân tích về cổ phiếu VOS (CTCP Vận tái biển Việt Nam) đã đưa ra các khuyến nghị hoàn toàn tái ngược nhau - tạo ra sự hoài nghi trong hoạt động phân tích.

Trong một văn bản gửi các thành viên thị trường giữa tuần trước, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) nêu kiến nghị các CTCK nên nhận định thị trường một cách thận trọng và chuyên nghiệp hoá. Vậy tại sao báo cáo phân tích của các CTCK hay bị chỉ trích và sự phê phán này có thật sự công bằng?

Sự cần thiết của “bữa sáng miễn phí”

Điều gì khiến giá cổ phiếu HRC của Công ty Cũng su Hòa Bình nhanh chóng hạ nhiệt sau một thời gian tăng gần gấp đôi? Điều gì khiến một NĐT không chuyên có thể cùng một lúc nắm vững nhiều kiến thức chuyên ngành hẹp như một chuyên gia, trong nhiều lĩnh vực dàn trải: Vận tải biển, cao su tự nhiên, BĐS, ngân hàng, bán lẻ, dược phẩm, hóa chất..? Điều gì khiến các NĐT cá nhân không có cơ hội viếng thăm công ty nhưng vẫn có thể mường tượng được khối tài sản của DN đang sở hữu? Điều gì kiến một công chức bận rộn, chỉ với 15 phút mỗi sáng nhưng có thể nắm tổng quan các thông tin chính yếu cả trong nước lẫn quốc tế có thể tác động đến xu hướng TTCK? Các câu hỏi trên đều có chung một đáp án. Đó là nội dung phong phú được các CTCK cung cấp miễn phí cho NĐT trong các báo cáo phân tích và bản tin hàng ngày.

Kể từ khi SSI, CTCK trong nước tiên phong thực hiện một báo cáo phân tích chuyên sâu về TTCK và phổ biến rộng rãi (mang tên "Câu chuyện về sự tăng trưởng, vào tháng 5/2007), sau đó, nhiều CTCK đã học tập và đây là một bước phát triển tất yếu của thị trường: NĐT có nhu cầu về thông tin và CTCK phải tận cách đáp ứng nếu không muốn tụt hậu.

Hiện tại, báo cáo phân tích của các CTCK khá đa dạng với nhiều hình thức, định kỳ ngày, tuần, tháng, quý, hoặc năm... trong từng lĩnh vực, từng cổ phiếu. Công phu hơn cả là các báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô và nhận định dự báo sự biến động của các nhóm ngành. Đây là bước tiến lớn của thị trường so với cách đây vài năm.

Hiện tại, báo cáo phân tích thị trường được các CTCK coi như là một dịch vụ gia tăng thiết yếu. Chính qua những bản tin này, nhiều thông tin quý giá đã xuất hiện và góp phần làm lành mạnh hóa thị trường như việc mới đây. HRC phủ nhận tin đồn bị sáp nhập hay bán BĐS (lý do được đồn thổi ngoài thị trường khiến HRC tăng giá mạnh ngược xu hướng thị trường- Báo cáo của SSI). Hay gần đây, khi Thông tư 13 đang là “sao chiếu tạ” xuống TTCK thì CTCK HSC đã đưa ra một góc nhìn khác mang tính trấn an: Việc giữ thời gian thi hành (ngày 1/10)  cho thấy, các ngân hàng sẽ đáp ứng các yêu cầu - tín hiệu tích cực cho hệ thống tài chính trong nước... Qua báo cáo phân tích, một số CTCK lớn đã thể hiện vai trò điều tiết thị trường: Đưa ra các cảnh báo nếu các cổ phiếu tăng nóng và trấn an NĐT nếu thị trường quá bi quan.

Cuộc tranh luận ồn ào nhất là cuộc tranh luận trí tuệ nhất. Dĩ nhiên, báo cáo của các CTCK hiếm khi có góc nhìn cùng về một hướng và điều này hoàn toàn bình thường. Chất lượng báo cáo phân tích phụ thuộc kiến thức người viết, khả năng thu lượm và xử lý thông tin, dữ liệu, nên bao hàm các các yếu tố chủ quan, tạo ra các khác biệt trong nhận định. Bên cạnh đó, các CTCK cũng gặp các khó khăn khách quan (như rủi ro chính sách) khiến các nhận định dễ xảy ra ra sai lệch. Tuy nhiên, không nên vì sự "sai số" này để chỉ trích các CTCK. Chính sự khác biệt về nhận định này tạo ra môi trường tranh luận và phản biện đa chiều để NĐT chắt lọc thông tin. "Bữa sáng miễn phí" trước giờ giao dịch với nhiều quan điểm được đưa lên nhằm mổ xẻ và đánh giá thị trường thì luôn tốt hơn là không có.

Nên tạo hành lang cho việc phân tích

Hiện tại, có 105 CTCK đang hoạt động, hầu hết đều xuất bản các bản tin ngày nhưng số CTCK tạo dựng uy tín về chất lượng phân tích chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước các bước ngoặt, vấn đề lớn của thị trường, các CTCK hàng đầu luôn tiên phong đưa ra các nhận định có tính định hướng. Từ áp lực cạnh tranh, dần dần CTCK nhỏ hơn cũng hành động tương tự (chẳng nhẽ đối thủ cạnh tranh làm mà mình lại ngồi im?).

Chính vì điều này đã xuất hiện các khiếm khuyết: Khi xu hướng giảm rõ nét thì CTCK nhỏ đồng thanh "chém gió" thị trường sẽ tiếp tục giảm sâu. Nhận định này vô hình trung góp gió thành bão khiến tâm lý NĐT bi quan hơn, đẩy thị trường giảm nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là các lỗi chủ yếu mang tính chủ quan xuất phát từ hạn chế của năng lực cá nhân hơn là cố ý và về lâu dài, chính CTCK sẽ phải trả giá bằng uy tín.

Khi khắt khe với sản phẩm của các CTCK, nhiều thành viên thị trường quên mất họ đang tiếp cận với một dịch vụ hoàn toàn miễn phí, có quyền tiếp cận hoặc từ chối: Báo cáo các CTCK chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin hay đưa ra gợi ý (khuyến nghị), còn NĐT mới trực tiếp xử lý các thông tin và biến thành hành động cụ thể. Chỉ khi nào CTCK cố tình cung cấp các thông tin sai lệch, bóp méo sự kiện nhằm mục đích vụ lợi thì các thành viên thị trường mới có lý do "trách cứ"!

Hiện tại, sự cạnh tranh giữa các CTCK ngày càng khốc hệt. Mọi CTCK đều muốn cung cấp các dịch vụ gia tăng đa dạng nhất cho NĐT trong đó có báo cáo phân tích. Việc thị trường luôn hoài nghi về mâu thuẫn giữa CTCK (báo cáo phân tích của CTCK gắn với hoạt động tự doanh) và quyền lợi NĐT gợi ra một góc nhìn khác về khung pháp lý cho hoạt động này.

Nếu chuyên viên phân tích khi bình luận về một mã chứng khoán cụ thể, CTCK tự nguyện công bố các thông tin liên quan (sở hữu, các nghiệp vụ tư vấn liên quan...) thì NĐT sẽ có đủ thông tin hơn để ra các quyết định (CTCK hiện mới chỉ đưa ra các tuyên bố hết sức chung chung). Phải chăng, đã đến lúc cơ quan quản lý cần quan tâm, xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động phân tích?

Giang Thanh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   TTCK chưa nhiều dấu hiệu lạc quan (29/09/2010)

>   Khi thị trường không rõ xu hướng (29/09/2010)

>   Thị trường ngóng dòng tiền trở lại (29/09/2010)

>   Tin xấu đã hết “date” ? (29/09/2010)

>   Nút thắt 13 được tháo hờ (29/09/2010)

>   Sửa đổi thông tư 13: Thị trường phản ứng trong bối rối (29/09/2010)

>   OTC: Vẫn khó giao dịch (29/09/2010)

>   Chứng khoán thoát Thông tư 13 (29/09/2010)

>   Sửa Thông tư 13, tiền vào chứng khoán chưa hẳn đã dồi dào (28/09/2010)

>   Thị trường ngày 29/09 và góc nhìn từ CTCK (28/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật