Cổ phiếu vận tải biển: Lực bất tòng tâm
Dù có nhiều cố gắng đầu tư, nhưng so với các đội tàu nước ngoài, các doanh nghiệp vận tải biển (DN VTB) trong nước vẫn chưa đủ khả năng cạnh tranh và gần như thua trên sân nhà. Đặc biệt, các DN VTB trong nước còn gánh thêm bất lợi về tỷ giá, khiến mọi nỗ lực vượt qua chính mình càng thêm khó khăn.
Hụt hơi trên sân nhà
Theo thống kê của Tổng cục Hàng hải Việt Nam, cả nước hiện có tổng cộng 1.654 tàu với 6,2 triệu DWT, trong đó khoảng 450 tàu tham gia các tuyến hải hành quốc tế. Xét về tổng trọng tải, đội tàu mang quốc tịch Việt Nam đứng thứ 60/152 trên thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Gần đây, nhờ nỗ lực đầu tư của các DN VTB, độ tuổi trung bình của đội tàu Việt Nam được cải thiện đáng kể - khoảng 12,9 năm, đứng thứ 2 sau Singapore trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, hiệu quả dường như chưa tương xứng với những nỗ lực đầu tư. Các DN VTB Việt Nam vẫn tỏ ra hụt hơi trên chính sân nhà khi thị phần vận tải hàng xuất nhập khẩu trong nước chỉ chiếm chưa đầy 15%, không thay đổi nhiều so với 10 năm trước.
Hiện 85% sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của cả nước (hơn 250 triệu tấn) vẫn được đảm nhận bởi các DN VTB nước ngoài. Trên các tuyến quốc tế, khả năng cạnh tranh tìm kiếm nguồn hàng của các DN VTB Việt Nam cũng rất hạn chế. Hàng hóa vận chuyển chủ yếu của các DN VTB là các loại nông sản, hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu thô.
Chủ yếu DN VTB trong nước hoạt động trên các tuyến trong Đông Nam Á, từ châu Á sang Nam Mỹ hoặc châu Phi. Một số DN VTB đang cố gắng mở thêm tuyến mới đi các khu vực xa hơn như Australia, Bắc Mỹ.
2009 là một năm khó khăn đối với ngành VTB về nguồn hàng và giá cước. Ngoài ra, vấn đề tỷ giá tiếp tục làm mọi việc trở nên xấu hơn đối với các DN VTB Việt Nam vốn có tỷ lệ nợ vay ngoại tệ cao. Chi phí lãi vay và chi phí chênh lệch tỷ giá là gánh nặng không nhỏ đối với một số DN. Do vậy, có những DN dù hoạt động vận tải ổn định nhưng tỷ suất lợi nhuận ròng lại rất thấp.
Gánh nặng tỷ giá
Hiện nay, các DN VTB vẫn đang hoạt động khó khăn, nguồn thu từ hoạt động chính chỉ đủ bù đắp các chi phí cố định, tài chính; phần thặng dư tạo ra cũng khá khiêm tốn. Do đó, kết quả kinh doanh quý II của một số DN VTB biến động mạnh so với quý I.
Theo thống kê của CTCK Rồng Việt, trong 18 DN VTB niêm yết, có 4 DN lỗ trong quý II, 7 DN có lợi nhuận sau thuế quý II sụt giảm so với quý I. Cũng có một số DN có mức tăng trưởng khá so với quý I như GMD, PVT, VSC, VST. Thế nhưng, nhìn chung, mức độ hiệu quả hoạt động của các DN vẫn chưa cao, thể hiện qua chỉ số ROE và ROA chung của ngành trong 6 tháng đầu năm 2010 chỉ khoảng 1% và 4%.
Đứng trước thách thức này, phần lớn các DN bắt đầu đẩy nhanh quá trình thanh lý tàu cũ để đem lại nguồn thu, đồng thời giải quyết bài toán lợi nhuận trong bối cảnh khó khăn. Các khoản thu nhập này mang tính đột biến rất cao nhưng sẽ khiến cơ cấu thu nhập của các DN không thật sự lành mạnh và bền vững. Một số DN có thu nhập từ thanh lý tàu trong trong năm nay là VST, VNA, VIP, VOS, VSP.
Thực tế, thách thức lớn nhất đối với các DN VTB trong nước hiện nay chính là vấn đề tỷ giá. Bên cạnh chi phí lãi vay, 2 lần điều chỉnh tỷ giá USD/VNĐ vào tháng 2 và tháng 8 đã gây ra ảnh hưởng không tốt đến kết quả kinh doanh của các DN.
Thông thường, khoản chi phí này được quy định sẽ hạch toán vào cuối năm và được phân bổ trong 5 năm nếu việc phân bổ hoàn toàn trong năm nay khiến DN lỗ. Nếu không có gì thay đổi về hướng dẫn thay đổi cách hạch toán, tác động của những đợt điều chỉnh tỷ giá sẽ nặng nề đối với hầu hết các DN bên cạnh gánh nặng từ chi phí lãi vay.
Điều này khiến việc dự báo kết quả kinh doanh cuối năm của các DN trở nên khó khăn do phụ thuộc vào cách thức hạch toán chủ quan của ban lãnh đạo. Trong bối cảnh khó khăn này, DN VTB nào có chiến lược đầu tư tàu đúng thời điểm sẽ có nhiều lợi thế hơn các DN khác về chi phí lãi vay cũng như khấu hao tài sản. Thống kê cho thấy, VNA hiện là DN có suất đầu tư tốt nhất là 500USD/DWT, kế đến VST 570USD/DWT.
Trương Hải
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|