Thứ Năm, 30/09/2010 19:51

Chứng khoán "uể oải" đợi cú hích từ chính sách vĩ mô

“Tháng Mười, thị trường nhiều khả năng tiếp tục giằng co, dao động trong biên độ hẹp. Tuy nhiên, đà tăng nhẹ có thể xảy ra nếu có thông tin tốt từ các nhà điều hành chính sách,” đó là nhận định của một số chuyên gia về xu hướng thị trường sắp tới.

Kết thúc tháng Chín, VN-Index đóng cửa tại mốc 454 điểm, quay về sát điểm xuất phát của hồi đầu tháng (VN-Index đạt 455 điểm trong phiên 31/8), các động thái của thị trường đã đi ngược hoàn toàn với sự mong đợi trước đó của giới đầu tư, điều này khiến các nhà phân tích trở nên thận trọng hơn khi đưa ra ý kiến, nhận định về xu hướng thị trường trong tháng Mười.

Chiến trường của các nhà đầu tư tổ chức

Với những diễn biến giao dịch trên thị trường thời điểm cuối tháng Tám thì hầu hết các thành viên đều tỏ ra lạc quan hơn về xu thế tăng của VN-Index.

Bằng chứng, những phiên đầu tháng Chín, VN-Index nối tiếp đà tăng lên trên ngưỡng 460 điểm, cùng với đó là thanh khoản mỗi phiên đều đạt trên 50 triệu đơn vị. 

Thời điểm đó, các nhà đầu cơ lớn và các tổ chức tài chính đã nhanh chóng quên đi những ám ánh về giải chấp, nhiều người đã không ngần ngại sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao nhất có thể để tranh thủ vào hàng.

Song, VN-Index đã không thể đi đến ngưỡng cản kỹ thuật 480 điểm bởi áp lực chốt lời ngắn hạn. VN-Index trụ tại vùng 460 điểm trong bốn phiên (6/9 đến 9/9), sau đó mãnh lực dòng tiền đuối dần đẩy thị trường quay lại trạng thái lình xình.

Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước được nhiều thành viên thị trường cho là nguyên nhân chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thực chất nếu không có Thông tư 13 thì tăng trưởng tín dụng trong năm cũng chỉ ở ngưỡng 25%. Trong khi nhìn vào nguồn cung cho tín dụng thì chiếm tới 60% tới 70% là tiền gửi từ các hộ gia đình.

“Nếu lòng tin thị trường tốt, không phụ thuộc vào tín dụng, dòng tiền cũng dư mãnh lực đổ vào chứng khoán,” ông Thành nhấn mạnh.

Thực tế hơn, giám đốc phụ trách đầu tư tại một công ty chứng khoán tiết lộ, theo logic xu hướng thị trường phải tăng. Nhưng thời điểm đó, một nhóm đầu tư rất lớn trên thị trường đã tính sai xu thế của Dow Jones.

“Họ cho rằng Dow Jones sẽ không thể giữ được đà tăng, do vậy những người này đã chủ động chạy trước đồng thời kéo theo tâm lý chốt lời của đám đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đẩy dòng tiền trợ lực cho thị trường rơi vào thế yếu. Thị trường đang trở thành chiến trường của các nhà đầu tư tổ chức,” vị giám đốc trên nói.

Chờ đợi cú hích

“Nhà đầu tư đang rất nản, giao dịch cả tháng may thì hòa không thì lỗ. Tình hình này, không mấy ai nhiệt tình tham gia vào thị trường”, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương đưa ra quan điểm của cá nhân.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đình Như, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Việt Quốc cho rằng, các nhà đầu tư cá nhân đang mất đi niềm tin do thông tin vĩ mô một phần, còn lại chủ yếu là việc các cổ phiếu trên thị trường bị làm giá quá nhiều. Có những mã cổ phiếu trước khi lên sàn thì đưa ra các dự án rất hoành tráng, nhưng sau lại không thấy thực hiện gì cả.

Cộng thêm việc các công ty chứng khoán cho phép margin với tỷ lệ quá cao, chứng khoán giảm giá, nhiều nhà đầu tư không muốn cháy tài khoản thì phải cầm cố tài sản.

“Do vậy dòng tiền mới vẫn đang chờ đợi, nhân tố đang tạo ra thanh khoản cho thị trường là dòng tiền cũ đảo đi, đảo lại. Nếu trong tháng Mười không có thông tin hỗ trợ từ chính sách vĩ mô, thị trường chứng khoán còn tiếp tục xấu,  giao dịch sẽ tiếp tục uể oải, lình xình,” ông Như nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, tín hiệu tích cực là lãi suất trên thị trường có khả năng sẽ giảm, tuy nhiên phải chờ thông điệp từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, tháng này các công ty sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III qua đó phản chiếu kết quả kinh doanh cả năm của doanh nghiệp. Trên thị trường nhiều mã cổ phiếu cũng đang được giao dịch với mức giá thấp hơn giá trị thực.

Về phương diện phân tích kỹ thuật, ông Bình dự báo khả năng trong tháng VN-Index vẫn dao động trong biên độ hẹp từ 445 điểm đến 463 điểm.

“Nếu thực sự có cú hích từ chính sách vĩ mô thị trường sẽ có cơ hội tăng trưởng nhẹ, tuy nhiên vùng 460 – 480 điểm vẫn là ngưỡng cản mạnh, muốn thoát qua khỏi ngưỡng này, dòng tiền phải quy tụ được sự đồng thuận của thị trường,” ông Bình nhận định.

Ngoài những thông tin thị trường mong đợi, Ông Võ Trí Thành chỉ ra một điểm sáng cho bức tranh kinh tế những tháng cuối năm. Theo ông Thành, dòng tiền đầu tư đang hướng về Đông Á, tới đây Hội nghị G20, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á sẽ được tổ chức và nhiều khả năng những cam kết phối hợp hành động giữa các nước sẽ được đưa ra.

“Việt Nam sẽ được hưởng lợi về chính sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng, một cơ hội phát triển chưa từng có ở Việt Nam và vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ vận dụng nó như thế nào,” ông Thành lạc quan nói.

Qua đây, ông Thành cũng đưa ra quan điểm cá nhân, thị trường chứng khoán sẽ tiến triển khả quan hơn trong thời điểm cuối năm./.

Hạnh Nguyễn

VIETNAM+

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (30/09/2010)

>   HĐQT An Phát bác bỏ tin đồn về cổ phiếu AAA (30/09/2010)

>   Thị trường ngày 30/09 và góc nhìn từ CTCK (30/09/2010)

>   UPCoM-Index thấp nhất 1 tháng qua (29/09/2010)

>   “Tâm lý NĐT đã tích cực hơn, nhưng nửa vời” (29/09/2010)

>   Trong không thông, ngoài dễ tụt đáy (29/09/2010)

>   Chứng khoán có thể sẽ đi ngang (29/09/2010)

>   Góc nhìn khác về báo cáo phân tích của CTCK (29/09/2010)

>   TTCK chưa nhiều dấu hiệu lạc quan (29/09/2010)

>   Khi thị trường không rõ xu hướng (29/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật