Thông tư 13 sửa đổi : “Nới” tín dụng
Việc điều chỉnh Thông tư 13 theo hướng nới lỏng được kỳ vọng sẽ phần nào khơi thông dòng vốn, từ đó, tạo động lực cho các chỉ số chứng khoán tăng điểm trong thời gian tới.
Thực tế, Thông tư 19 nhằm điều chỉnh Thông tư 13 đã góp phần làm mềm mại hoá các quy định về cấp tín dụng. Điểm nổi bật nhất phải kể đến chính là nguồn tín dụng cho vay tại các ngân hàng. Cụ thể là những vấn đề liên quan đến tỷ lệ khả năng chi trả, định nghĩa về nguồn vốn huy động được nới lỏng hơn trước.
Những thay đổi đáng kể
Điểm đáng kể nhất trong Thông tư 19 là những vấn đề liên quan đến tỷ lệ khả năng chi trả, định nghĩa về nguồn vốn huy động là nới lỏng hơn trước. Đây được đánh giá là thông tin tích cực đối với ngân hàng, giúp ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng và hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay. Bên cạnh đó, việc nới lỏng nguồn vốn tín dụng sẽ hỗ trợ tiến trình giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ (lãi suất huy động 10%/năm và cho vay 12%/năm).
Việc cấp tín dụng vẫn giữ nguyên ở tỷ lệ 80% đối với các ngân hàng, và 85% đối với các tổ chức tài chính. Điểm mới được thể hiện ở việc cho phép tính tỷ lệ tín dụng trên cả tiền gửi có kỳ hạn của kho bạc và 25% tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế (trừ tổ chức tín dụng), và tiền vay trên thị trường liên ngân hàng đối với các khoản vay 3 tháng trở lên. Theo đại diện của Cty CK PSI, thay đổi quan trọng nhất trong Thông tư 19 là cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng 25% tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế để cho vay. Đây thật sự là một thông tin tương đối quan trọng, với 4 NHTMQD và các NHTMCP khác thì tổng cộng con số có thể sử dụng để cho vay thêm lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Một con số khá quan trọng và sẽ làm giảm căng thẳng tín dụng, hạ lãi suất. “Trong ngắn và trung hạn thì chính sách tiền tệ đã được nới lỏng và thị trường chứng khoán đã có cơ hội để tăng điểm” - PSI nhận định.
Một điểm thay đổi đáng kể nữa là việc các định lại cách tính tỷ lệ tổng tài sản “có” khả năng thanh toán ngay trên tổng tài sản “nợ” được xác định vào cuối ngày. Tuy tỷ lệ này vẫn giữ nguyên 15% nhưng theo thông tư sửa đổi, tổng tài sản sẽ được tính bao gồm toàn bộ số dư tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn, giá trị sổ sách của vàng gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn đến hạn thanh toán mà ngân hàng gửi tại tổ chức tín dụng khác (trừ ngân hàng chính sách). Như vậy, với việc tổng tài sản của DN được xác định tăng lên giúp nâng tỷ lệ về khả năng chi trả cũng tăng lên.
Vẫn khó tăng mạnh
Nhìn chung, những thay đổi thể hiện trong Thông tư 19 đã giúp cho các tổ chức tín dụng tăng khả năng sử dụng nguồn vốn huy động được. Và, quan trọng hơn là giải toả vấn đề tâm lý, như một nhà đầu tư chứng khoán nhận định là, NHNN đã có những thông điệp hợp lý, lắng nghe các phản hồi của nền kinh tế trong việc ra những quyết sách của mình. Nói cách khác, Thông tư 19 đã hướng tới sự phát triển bền vững, dài hơi chứ không phải “chữa cháy” cho những mục tiêu trước mắt.
Tuy nhiên, với những nội dung trong Thông tư 19, nhà đầu tư khó có thể kỳ vọng một sự “đột phá” trên thị trường. Những thay đổi này không nằm ngoài dự đoán, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, những thay đổi này chưa đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư nên TTCK vẫn hết sức thận trọng trong những phiên giao dịch sau công bố thông tư. Một số điểm như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hay hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản... không được nhắc đến trong thông tư sửa đổi, như vậy, có thể ngầm hiểu là những điểm này vẫn được áp dụng như các điều khoản quy định tại Thông tư 13. Như vậy, Thông tư 19 vẫn bó hẹp tín dụng đối với chứng khoán và bất động sản khi giữ nguyên quy định hệ số trích lập rủi ro khi cho vay chứng khoán, bất động sản vẫn duy trì mức 250%, khiến cho dòng tiền vào các đối tượng này vẫn bị hạn chế.
Nhìn chung, thông tư sửa đổi dù vẫn hạn chế dòng tiền trực tiếp đầu tư vào chứng khoán, nhưng đã mở ra khả năng tiếp cận vốn cho các DN kinh doanh, giúp nâng cao năng lực sản xuất. Về lâu dài, hiệu quả sản xuất của DN tăng lên cũng sẽ có những tác động tích cực và bền vững đến thị trường, từ đó, thu hút thêm các dòng vốn vẫn đang lưỡng lự giữa các kênh đầu tư, cũng như dòng vốn tự có của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi trong cơ cấu danh mục đầu tư cổ phiếu. Những DN trước đây bị hạn chế do khó khăn trong tiếp cận vốn có thể sẽ bật lên.
Mặc dù cung tiền trong thời gian tới vẫn là yếu tố cản trở thị trường, nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, các chỉ số sẽ khó tiếp tục giảm sâu. Trong khi đó, tin xấu có vẻ như đã “cạn” và nhiều tin tốt vẫn đang được chờ đợi. PSI cho rằng, 2 tin tốt tác động tích cực đến thị trường vừa qua là GDP quý 3 tăng khá, cả 3 quý đạt 6,52% và Thông tư 19 đã được ban hành sửa đổi Thông tư 13. Tín hiệu gia tăng lượng mua vào gần đây của nhà đầu tư nước ngoài là khá quan trọng và là lực đỡ cho thị trường. Chỉ số VN-Index vẫn đang biến động trong một kênh dao dộng hẹp với ngưỡng cản phiá trên ở khoảng 458-460 điểm và hỗ trợ phiá dưới ở khoảng 445 điểm. Thị trường đang hướng đến kết quả kinh doanh quý 3 và quý 4 - thường là quý mua bán khá năng động của năm. Các nhà đầu tư vẫn nên từ từ mua vào cổ phiếu trong giai đoạn ở mức giá thấp như hiện nay.
Phạm Lan
diễn đàn doanh nghiệp
|