Thứ Sáu, 15/10/2010 23:14

Hóa giải thông điệp “rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông”

Thủ tướng Chính phủ trong chỉ thị mới đây lưu ý Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông nhằm giảm bớt áp lực tăng giá dịp cuối năm.

* Rút tiền nhanh khỏi lưu thông: “Hãy xem là bình thường”

Nhiều nhà đầu tư lo ngại TTCK sẽ chịu tác động tiêu cực, tuy nhiên phân tích thật kỹ sẽ thấy những mặt tích cực của động thái này, từ đó mang lại sự ổn định tâm lý cho các chủ thể tham gia thị trường.

Từ đầu năm 2010, nhiều chuyên gia kinh tế dù rất thận trọng nhưng cũng đã kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, đến hết quý III, sự phục hồi kinh tế dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, tạo nên sự cản trở khá lớn cho tiến trình phục hồi của nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam đang phải gián tiếp đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và không khoan nhượng để giành thị trường xuất khẩu của rất nhiều quốc gia, đặc biệt là từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, khi mà các quốc gia này liên tục đưa ra tín hiệu mong muốn làm cho đồng USD, JPY và Nhân dân tệ yếu đi.

Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tương đối nhiều từ đầu năm (9 tháng đầu năm là 6,46%, riêng tháng 9 tăng 1,31%) đã tạo ra không ít lo ngại về mức sống khó khăn hơn cho người dân. Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các chính sách, cơ chế giảm bớt áp lực tăng giá là cần thiết trong lúc này, nhằm bình ổn tâm lý cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài ra, chỉ đạo trên còn có tác dụng hạn chế tối đa làn sóng đầu cơ đổ xô vào vàng, đất đai có thể xảy ra do tâm lý lo ngại về lạm phát của người dân. Đặc biệt là ở giai đoạn này, khi nền kinh tế Việt Nam đang rất cần vốn đầu tư trực tiếp cho các hoạt động sản xuất, nhất là sản xuất cho xuất khẩu. Vì vậy, việc ngăn ngừa tình trạng đầu cơ vào các tài sản không mang lại giá trị thặng dư trực tiếp cho nền kinh tế là việc làm rất cần thiết.

Việc định hướng cho các ngân hàng thương mại rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông vào cuối năm, cộng với các chính sách đều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo các cân đối vĩ mô…, là quan trọng để giữ vững môi trường kinh doanh cho tất cả các thành phần kinh tế, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện cam kết về sự ổn định kinh tế của Việt Nam đối với các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

Qua đánh giá tổng thể thì Chỉ thị số 1875/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả, thị trường những tháng cuối năm 2010 sẽ không tác động tiêu cực đến TTCK. Vì hiện tại, dòng tiền trong nước đổ vào TTCK cũng đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng dựa trên sự hấp dẫn hiện tại của thị trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã và đang nỗ lực rất lớn nhằm thu hút nguồn vốn vào ngân hàng để duy trì và đảm bảo đúng theo tỷ lệ an toàn vốn mà Thông tư 13/2010/TT-NHNN đã quy định.

Dễ thấy rằng, động thái hút tiền ra khỏi lưu thông của các ngân hàng thương mại đã được phản ánh vào sự suy giảm của TTCK trong suốt 2 tháng qua, nên thông tin trên không những không tác động tiêu cực đến TTCK, mà ngược lại, ở một khía cạnh khác sẽ mang lại sự ổn định tâm lý cho các chủ thể tham gia thị trường khi nhận thấy sự quyết liệt kiểm soát lạm phát của Chính phủ.

Theo kinh nghiệm nhiều năm từng làm việc trong ngành ngân hàng, người viết cho rằng, tình hình thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm sẽ không có nhiều biến động, mặc dù thị trường tiền tệ ở một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản nhiều khả năng sẽ có những biến động khó lường trong giai đoạn này.

Thực tế những năm qua đã chứng minh là các ngân hàng thương mại Việt Nam luôn đảm bảo tốt sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với nhau theo định hướng và giám sát chặt chẽ, liên tục của Ngân hàng Nhà nước. Điều đó tránh cho thị trường tiền tệ trong năm nay có những biến động bất ngờ, tác động xấu đến TTCK.

Tuy nhiên, khó có thể kỳ vọng lãi suất ngân hàng sẽ giảm trong ngắn hạn và dòng tiền trong nước dồi dào đổ vào TTCK. Bởi lẽ, nhu cầu vốn trực tiếp cho các hoạt động kinh tế vẫn khá lớn, nhằm hoàn tất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, cũng như thỏa mãn các nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm.

Việc lãi suất khó giảm nhanh và dòng tiền vào thị trường vẫn chưa mạnh trong ngắn hạn đồng nghĩa với việc TTCK chưa có những cú hích cần thiết để có thể bật dậy mạnh mẽ sau giai đoạn thị trường đi ngang vừa qua. Hiện tại, TTCK Việt Nam chỉ có thể kỳ vọng vào dòng tiền ngắn hạn từ các nhà đầu tư nước ngoài chảy vào trong giai đoạn này khi họ đã chốt lời từ các giao dịch mua bán hàng hoá, đặc biệt là vàng, cũng như thời điểm hiện tại có khá nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp mạnh của Việt Nam đang niêm yết có chỉ số tài chính hấp dẫn.

Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK VIS

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Tín hiệu lạc quan từ lệnh mua của “người trong cuộc” (15/10/2010)

>   HNX: Không được phép mua bán cùng phiên (15/10/2010)

>   Thị trường chứng khoán: Đắn đo cầm tiền (15/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm tuần thứ 4 liên tiếp (15/10/2010)

>   Cần nhiều kịch bản để ứng phó với thị trường (15/10/2010)

>   Yêu cầu LTC giải trình việc giảm sàn 5 phiên liên tiếp (15/10/2010)

>   Thanh khoản giảm do thông tin thiếu minh bạch (15/10/2010)

>   Cổ phiếu Ngành gỗ: Khó kỳ vọng đột biến (15/10/2010)

>   Thị trường ngày 15/10 và góc nhìn từ CTCK (14/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (14/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật