Thứ Sáu, 15/10/2010 06:16

Cổ phiếu Ngành gỗ: Khó kỳ vọng đột biến

Mặc dù ngành gỗ trong những năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên trong thời gian tới các DN ngành gỗ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi vướng phải các rào cản thương mại từ hai thị trường lớn là Mỹ và EU.

Ngành chế biến gỗ VN có tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm trong vòng 5 năm qua. Giá trị xuất nhập khẩu tăng từ 546 triệu USD năm 2000 lên 2,4 tỷ USD vào năm 2007 và 2,8 tỷ USD vào năm 2008.

Khó khăn vẫn ở phía trước

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tiên của tháng 9, kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 126,71 triệu USD, tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ tháng 8. Như vậy tính chung từ 8 tháng đầu năm và nửa đầu tháng 9 năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của VN đạt hơn 2,2 tỷ đồng. So với mục tiêu kế hoạch của cả năm nay là 3 tỷ đồng thì đã hoàn thành được 73,3%. Để đạt mục tiêu đề ra, thì trong 3 tháng cuối năm còn lại, mỗi tháng đều phải xuất khẩu được hơn 200 triệu USD. Điều này là hoàn toàn có thể và khả thi bởi đây là giai đoạn tăng cường xuất khẩu của các DN cùng với việc các đơn hàng cũng đã được kí kết từ trước đó.

Tuy sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều có khả năng hoàn thành và có thể vượt kế hoạch song các DN chế biến và xuất khẩu gỗ VN trong năm 2010 này và năm 2012 tới đây sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi vướng phải các rào cản thương mại từ thị trường Mỹ và Châu Âu. Cụ thể là đạo luật Lacey (có hiệu lực từ 1/4/2010) cấm buôn bán lâm sản bất hợp pháp, trong đó có gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Hoa Kỳ, bắt buộc DN phải nộp tờ khai, chứng từ rõ ràng về tên, loại gỗ, quốc gia khai thác gỗ, cách khai thác..., tức là phải có chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) của Hội đồng quản lý rừng bền vững thế giới.

Đến tháng 1/2012, đạo luật Flegt của EU cũng sẽ có hiệu lực. Đặc điểm chung của cả Flegt và Lacey đều đòi hỏi nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình của lâm sản. Tất cả các khâu từ khai thác cho đến thành phẩm một cách minh bạch để nhà chức trách Mỹ và EU có thể truy xét nguồn gốc nguyên liệu.

Với hai quy định mới này, các DN đều phải có một quy trình sản xuất chặt chẽ từ khâu nguyên liệu, chế biến đến kiểm định chất lượng để đạt các tiêu chuẩn quốc tế quy định. Tuy nhiên cái khó ở đây chính là hầu hết các DN VN vẫn chưa sẵn sàng, bởi vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía các cơ quan chức năng. Bộ tiêu chí chứng chỉ rừng đến nay Nhà nước ta đã xây dựng xong nhưng còn phải chờ các tổ chức quốc tế thẩm định để công nhận.

Mặc dù xuất khẩu nhiều sản phẩm gỗ song ngành gỗ hiện tại vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn gỗ nhập khẩu. Hiện tại sản lượng gỗ trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Việc phụ thuộc nguyên liệu ở nước ngoài sẽ gây lúng túng và mất chủ động cho các DN. Thứ nhất, bởi vì với quy định mới thì không biết công ty nào có thể bán gỗ cho VN với đầy đủ các giấy phép như vậy. Trước đây nhập khẩu gỗ chỉ cần quan tâm đến chứng chỉ rừng FSC nhưng giờ ngoài FSC ra còn cần nhiều chứng chỉ khác nữa. Tiếp theo là rủi ro về nguồn cung nguyên liệu có thể không đều và các DN cũng sẽ phải bị động về xu hướng tăng giá của nguyên liệu.

Khó khăn tiếp theo là sức cạnh tranh của các DN gỗ VN còn kém so với các nước khác như Myanmar, Malaysia và Indonesia... vì các nước này có đủ nguồn gỗ không cần nhập khẩu nên đỡ tốn kém, giá thành hạ hơn. Như vậy có thể thấy ngành gỗ đang và sẽ phải tiếp tục đối mặt với khá nhiều thách thức trong thời gian tới.

Đánh giá DN gỗ trên sàn

Hiện tại, đang có 3 DN hoạt động trong việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm đồ gỗ niêm yết trên hai sàn giao dịch. Do ảnh hưởng chung của cả ngành, nên kết quả hoạt động kinh doanh của các DN này cũng không có nhiều đột biến.

TTF (Gỗ Trường Thành) - 9 tháng đạt 60 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

Sản phẩm trực tiếp của TTF là các sản phẩm gỗ mỹ nghệ nội, ngoại thất được tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu. Trong đó, doanh số xuất khẩu trong năm 2009 đạt hơn 1.300 tỷ (chiếm 70% tổng doanh thu). Thế mạnh của TTF so với các DN trong ngành khác là có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và đáp ứng đủ các chứng chỉ FSC và COC nên việc các rào cản khắt khe sắp tới của Mỹ và Châu Âu sẽ là cơ hội phát triển cho TTF khi các công ty trong ngành gặp khó khăn.

TTF cho biết tính đến cuối tháng 9/2010, doanh thu của Cty đạt 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 60 tỷ đồng. Cty đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2010 là 1.910 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 101 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng TTF đã hoàn thành được 73% kế hoạch về doanh thu và 59% kế hoạch về lợi nhuận. Theo nghị quyết đại hội cổ đông, thì EPS dự kiến cuối năm của TTF sẽ đạt 3.418 VND/CP.

GDT – Gỗ Đức Thành

Trong tháng 8, GDT đạt 13,86 tỷ đồng doanh thu và 2,04 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Lũy kế 8 tháng đầu năm, GDT đạt doanh thu thuần 115,68 tỷ đồng và 22,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đạt tương ứng 55% và 71% kế hoạch năm.

Năm 2010, GDT đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 31,68 tỷ đồng, chưa kể khoản lãi dự kiến 24 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng đất tại KCN Mỹ Phước II Bình Dương.

Những năm tới GDT đặt mục tiêu phát triển thị trường nội địa làm đối trọng với thị trường xuất khẩu. Vừa qua, GDT đã nhận thêm nhiều đơn hàng của các siêu thị, nhà phân phối lớn tại Châu Âu thay cho nhà cung ứng cũ tại Thái Lan. Hiện tại, GDT là Cty sản xuất đồ gỗ chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước nên việc tỷ giá biến động không ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh.

DLG – CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai

Đức Long Gia Lai đã xác lập được một vị trí đáng kể trong ngành sản xuất và chế biến gỗ vì tiền thân Xí nghiệp tư doanh Đức Long đã có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành. Đức Long Gia Lai là DN có sức cạnh tranh và hoạt động khá hiệu quả trong ngành gỗ tại Gia Lai.

Trong lần điều chỉnh lợi nhuận tháng 6, năm 2010, DLG đặt mục tiêu đạt 1.050 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng. EPS dự kiến của công ty đạt 5.155 VNĐ/CP. Lũy kế 6 tháng doanh thu thuần DLG đạt 644,4 tỷ đồng, còn LNST đạt 44,3 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2009, LNST của Cty tăng 8,4 lần.

Theo nhận định của HĐQT tập đoàn, thì DLG hoàn toàn có khả năng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2010, vì trong 6 tháng cuối năm, DLGL có thêm nhiều khoản thu từ các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực: Khai thác và chế biến các loại khoáng sản dùng cho vật liệu xây dựng và kim loại màu; đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông theo các hình thức BT, BOT; kinh doanh thuỷ điện; bến xe - bãi đỗ; kinh doanh bất động sản.

Lê Thành Công

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 15/10 và góc nhìn từ CTCK (14/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (14/10/2010)

>   Kỳ vọng từ sức cầu của khối ngoại (14/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp (13/10/2010)

>   Thị trường ngày 14/10 và góc nhìn từ CTCK (13/10/2010)

>   “Đuội” như cổ phiếu chứng khoán! (13/10/2010)

>   Nhà đầu tư lướt sóng: Đi hay ở? (13/10/2010)

>   Tiền chứng khoán chảy sang các kênh đầu tư khác (13/10/2010)

>   Ẩn số cổ phiếu ngành ngân hàng (13/10/2010)

>   Vùng trũng chứng khoán (13/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật