Thứ Tư, 13/10/2010 16:36

Nhà đầu tư lướt sóng: Đi hay ở?

Nhiều nhà đầu tư lướt sóng đã bị thua lỗ trong đợt giảm điểm vừa qua. Liệu họ có rút khỏi thị trường? Sự biến động bất thường của thị trường mang đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội kiếm lời nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro.

Trải qua nhiều thăng trầm nhất là những nhà đầu tư lướt sóng. Tuy nhiên, sau bao lần bị sóng vùi dập, họ vẫn không cam tâm rời bỏ thị trường.

Không nỡ buông

Sau đợt thị trường giảm điểm sâu trong tháng 7.2010, anh Mai Hoàng Gia, nhà đầu tư tại Sàn HSC (TP.HCM) chẳng màng lên sàn vì “hễ nhắc đến chứng khoán là nhức đầu!”. Tháng 6 vừa qua, anh mua cổ phiếu DBC (Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu. Vài tuần sau, DBC bất ngờ giảm mạnh còn 30.000 đồng/cổ phiếu. Lo ngại cổ phiếu có thể giảm sâu hơn nữa, anh đã bán hết với giá sàn. Thương vụ này làm anh lỗ gần 40% vốn. Không cam tâm, anh Gia đang tính đến chuyện quay trở lại thị trường. Anh đang thăm dò một số cổ phiếu nhỏ và trung bình có khả năng tăng trưởng để đầu tư.

Còn anh Tống Văn Dũng, nhà đầu tư sàn tại Sàn VNDS (TP.HCM), sau vài tháng án binh bất động, đã quyết định chuyển từ chiến thuật “sóng ngắn” sang “sóng dài”. Anh nói: “Trước đây, mình lướt vài ba phiên hoặc 1 - 2 tuần, nhưng nay thì có thể một vài tháng. Chiến thuật này vừa an toàn, vừa có khả năng gặp sóng lớn nhiều hơn”.

Theo anh Tuyển, một nhà môi giới chứng khoán tại quận 1 (TP.HCM), có đến 90% nhà đầu tư lướt sóng anh từng hỗ trợ bị thua lỗ. Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lướt sóng bị sóng đè như mua bán theo cảm tính, phân tích nửa vời, cắt lỗ không đúng lúc. Đặc biệt là khi có sóng, họ chỉ theo nửa chừng nên lợi nhuận thấp. Chẳng hạn, vào tháng 2.2009, khi VN-Index thiết lập đáy 235 điểm (24.2), sóng lớn xuất hiện cho đến tháng 10, tháng 11, đẩy chỉ số lên hơn 600 điểm. Nếu theo tới cùng, nhà đầu tư lướt sóng có thể thu được mức lợi nhuận hơn 150%. Nhưng thực tế có mấy nhà đầu tư lướt sóng đủ kiên nhẫn để theo đến đỉnh?

Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-SBS), cho rằng, chuyện thua lỗ trên thị trường chứng khoán không chỉ xảy ra ở nhà đầu tư lướt sóng mà nhiều nhà đầu tư dài hạn cũng ít nhiều ngậm đắng khi thị trường biến động. “Điều quan trọng là từng bước nắm được quy luật của thị trường để đầu tư hiệu quả hơn. Đối với nhà đầu tư lướt sóng, để hạn chế rủi ro, số tiền đầu tư không nên quá lớn so với lượng tiền mình có”, ông nói.

Nhà đầu tư lướt sóng: Anh là ai?

Theo ông Cường, Sacombank-SBS, nhà đầu tư lướt sóng là yếu tố cần thiết cấu thành nên thị trường chứng khoán, vì họ là những người tạo ra thanh khoản thường xuyên cho cổ phiếu.

Ông khái quát nhà đầu tư lướt sóng thành 3 loại chính. Loại thứ nhất mua bán theo kỹ thuật, tức quan sát các chỉ số, biểu đồ và tín hiệu thị trường. Loại thứ 2 chỉ quan tâm đến sự xuất hiện của những con sóng. Hễ có sóng là họ nhảy vào. Cuối cùng là những người đầu tư theo “đỉnh”. Các nhà đầu tư này không quan tâm đến một cổ phiếu nhất định nào. Hễ thấy mã cổ phiếu nào có giá tăng trần 1 - 2 phiên là họ mua ngay. Trong trường hợp giá giảm trở lại, dù giảm sàn, họ cũng bán ra.

“Dù chiến lược đầu tư có khác nhau, nhưng nhà đầu tư lướt sóng ít nhiều cũng kiếm được lợi nhuận. Bên cạnh các thông tin chung được công bố, người nào có mối quan hệ rộng, nắm bắt thông tin nhanh, chính xác sẽ chiếm được ưu thế”, ông Cường nói.

Ở Việt Nam, 90% nhà đầu tư lướt sóng là nhà đầu tư cá nhân. Bởi thế, các giao dịch của họ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc tạo lập xu hướng thị trường. Khi xuất hiện thông tin tiêu cực, thanh khoản trên thị trường lập tức sụt giảm nghiêm trọng, hình thành xu hướng xấu cho những phiên sau. Ngược lại, mỗi lần có thông tin tốt thì thị trường lại bùng phát. Những lệnh mua ATO, ATC (mua bằng được ở giá mở cửa và giá đóng cửa) dồn dập đổ vào, bất kể giá trần.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Đặc điểm của nhà đầu tư lướt sóng hiện nay là thường bị cuốn vào những giao dịch trong ngắn hạn, trong khi chưa xác định rõ xu hướng thị trường. Họ phản ứng quá mức đối với thông tin vì khả năng định tính, định lượng thông tin không tốt, khiến bản chất thị trường chưa được phản ánh một cách thực sự”.

Tại Việt Nam, 2 từ “lướt sóng” thường dùng để chỉ các nhà đầu tư ngắn hạn. Tuy nhiên, theo ông Chí, Đại học Kinh tế TP.HCM, nên hiểu lướt sóng là những nhà đầu tư mua bán thường xuyên, những người kinh doanh cổ phiếu trong ngắn hạn.

Ông cho biết, giới đầu tư lướt sóng ở thị trường chứng khoán Mỹ rất đông, nhưng nhà đầu tư cá nhân không nhiều. Các công ty quản lý quỹ, công ty tài chính sẽ đảm nhận trách nhiệm kiếm tiền cho họ thông qua chứng chỉ quỹ hoặc hình thức ủy thác đầu tư. Chiến lược của các tổ chức này là giảm giá vốn trên danh mục đầu tư bằng cách gia tăng lợi nhuận liên tục. Nghĩa là chỉ cần thấy có lãi là họ giao dịch ngay. Bởi vậy, việc nhà đầu tư trong nước nhìn khối ngoại để giao dịch chỉ dẫn đến những quyết định sai lầm và họ chính là người phải gánh chịu tổn thất.

Hơn nữa, có thể thấy, khối lượng và giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, dù mua ròng hay bán ròng, cũng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ so với toàn thị trường.

Kết quả nghiên cứu về “Tài chính hành vi” do ông Chí thực hiện cho thấy mỗi nhà đầu tư có từ 2 tài khoản trở lên. Chính việc phân chia tài khoản này dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư lướt sóng bán thành quả quá sớm trong khi chấp nhận lỗ lâu dài, nhất là khi thị trường chưa rõ xu hướng. Nhìn trong ngắn hạn, nhà đầu tư lướt sóng nào cũng ít nhiều có lãi, nhưng xét toàn cục thì ngược lại.

“Tuy nhiên, thị trường chứng khoán là một nơi hấp dẫn để kiếm tiền, nhà đầu tư lướt sóng sẽ không dễ dàng rời bỏ dù có thất bại đến bao nhiêu lần. Khi mức giá đủ mức kích thích lòng tham nhà đầu tư, thị trường sẽ sôi động trở lại”, ông Chí cho biết thêm.

Ngọc Dương

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Tiền chứng khoán chảy sang các kênh đầu tư khác (13/10/2010)

>   Ẩn số cổ phiếu ngành ngân hàng (13/10/2010)

>   Vùng trũng chứng khoán (13/10/2010)

>   OTC: Thanh khoản cạn kiệt (13/10/2010)

>   TTCK cần một 'cú hích' mạnh! (13/10/2010)

>   Sức mua cạn kiệt (13/10/2010)

>   Thị trường ngày 13/10 và góc nhìn từ CTCK (12/10/2010)

>   Tiến sĩ ‘Quất Mạnh Vào’ ngừng khuyên mua, bán cổ phiếu (12/10/2010)

>   Khổ vì nhận định... thị trường chứng khoán! (12/10/2010)

>   Thị trường ngày 12/10 và góc nhìn từ CTCK (11/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật