Thứ Sáu, 15/10/2010 16:08

Cần nhiều kịch bản để ứng phó với thị trường

(Vietstock) - Sáng 15/10, Đại học Kinh tế TPHCM phối hợp cùng Vietstock và Công ty Quản lý Quỹ An Phúc tổ chức hội thảo “Phân tích kỹ thuật trong quản lý danh mục đầu tư” nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư tương lai có cái nhìn sâu rộng hơn về phân tích kỹ thuật.  

Ông Lê Đạt Chí - Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM
Hội thảo có sự góp mặt của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa tài chính doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Bích Nguyệt - Phó trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM; ông Lê Đạt Chí - Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM; ông Trần Khắc Minh - Nhà tư vấn tài chính độc lập, ông Trương Nguyễn Thế Bảo - Giám đốc Phân tích kỹ thuật Công ty Quản lý Quỹ An Phúc và ông Lương Biện Nhân Quyền - Trưởng bộ phận Phân tích – Khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Mê Kông.

Mở đầu hội thảo, bà Phan Thị Bích Nguyệt chia sẻ, phân tích kỹ thuật có thể phản ánh một cách hợp lý thực tế quá trình xử lý thông tin bất cân xứng trên thị trường. Phân tích kỹ thuật đặc biệt quan trọng với việc dự đoán thị trường trong khoảng thời gian ngắn hơn là phân tích cơ bản hay dòng tiền. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tâm lý cũng là một yếu tố quyết định giá trong thị trường tài chính. Sự không đồng nhất này đã tạo điều kiện cho phân tích kỹ thuật tồn tại và phát triển.

Trong khi đó, ông Lê Đạt Chí nhấn mạnh, chiến lược đầu tư đúng quan trọng hơn dự báo đúng, vì ai cũng có thể sai khi dự báo thị trường. Biết phân bổ nguồn lực hợp lý và bảo vệ khỏi thua lỗ lớn khi dự báo sai thị trường chính là 2 quy tắc đầu tư đúng.

Ông Chí lưu ý, nhà đầu tư hãy bắt đầu phân tích kỹ thuật trong khung thời gian dài trước khi đi vào những xu hướng ngắn hạn. Tại Việt Nam, do các cản trở về T+ nên việc phân tích trong một khung thời gian dài trước khi phân tích kỹ thuật trong khung thời gian ngắn hơn là rất quan trọng.

Ông Trần Khắc Minh đưa ra một số khuyến nghị khi ứng dụng phân tích kỹ thuật vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, phân tích kỹ thuật cần lưu ý đến việc phân tích khách quan, linh hoạt và có đúng có sai. Đồng thời, ông cho rằng không phải bất cứ loại cổ phiếu nào cũng dùng phân tích kỹ thuật và khi phân tích cần quan sát tâm lý chung của các nhà đầu tư tham gia.

Theo ông Minh, hiện nay, phần lớn phân tích về thị trường chứng khoán thường máy móc hoặc không đủ khách quan nên nhà đầu tư thiếu hẳn những tư vấn tốt nhất để tham gia thị trường. Vì thế nhà đầu tư khi phân tích kỹ thuật nên có nhiều kịch bản để có những ứng phó kịp thời.

Đồng quan điểm trên, ông Trương Nguyễn Thế Bảo cho rằng nhà đầu tư chỉ nên sử dụng phân tích kỹ thuật để “ứng xử” với thị trường sao cho hợp lý hơn là dùng để dự đoán thị trường.

Ông Bảo cũng cho biết, hiện Công ty Quản lý Quỹ An Phúc An Phúc định hướng danh mục trong 6 tháng cuối năm dựa trên nhóm ngành và phân tích cơ bản từng công ty. Phân tích kỹ thuật áp dụng các indicator và phân tích tâm lý đám đông tại từng thời điểm để trade giảm giá vốn với cổ phiếu và nhóm ngành đã lựa chọn.

Ngoài ra, An Phúc cũng đang sử dụng mô hình Canslim (kết hợp giữa các yếu tố cơ bản và kỹ thuật) để phân tích về bản chất cổ phiếu và ứng dụng trong việc xác định thời điểm mua bán và quản lý doanh mục đầu tư.

Chia sẻ về ứng dụng phân tích kỹ thuật để đầu tư, ông Lương Biện Nhân Quyền cho biết đầu tư vào cổ phiếu có mức vốn hóa lớn sẽ có tính thanh khoản cao và an toàn hơn. Theo mô hình top down và bottom up, ông lọc ra 4 ngành chính có thể đầu tư an toàn là bảo hiểm phi nhân thọ, thức uống, phần mềm và sản xuất dầu khí.

Thanh Nụ

Các tin tức khác

>   Yêu cầu LTC giải trình việc giảm sàn 5 phiên liên tiếp (15/10/2010)

>   Thanh khoản giảm do thông tin thiếu minh bạch (15/10/2010)

>   Cổ phiếu Ngành gỗ: Khó kỳ vọng đột biến (15/10/2010)

>   Thị trường ngày 15/10 và góc nhìn từ CTCK (14/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (14/10/2010)

>   Kỳ vọng từ sức cầu của khối ngoại (14/10/2010)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 4 liên tiếp (13/10/2010)

>   Thị trường ngày 14/10 và góc nhìn từ CTCK (13/10/2010)

>   “Đuội” như cổ phiếu chứng khoán! (13/10/2010)

>   Nhà đầu tư lướt sóng: Đi hay ở? (13/10/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật