Thứ Năm, 09/09/2010 20:03

TTCK sẽ có nhiều biện pháp mới hỗ trợ

Ông Nguyễn Đoan Hùng phát biểu tại Hội thảo 
(Vietstock) – “Phương thức giao dịch ký quỹ mà nhà đầu tư chờ đợi đang được xem xét để áp dụng chính thức ở Việt Nam”. Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Đoan Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu” do Báo Đầu tư tổ chức, diễn ra tại TPHCM.

Trong bài tham luận của mình, ông nhấn mạnh về sự liên quan chặt chẽ giữa TTCK với nền kinh tế và cung cách quản lý thị trường, hướng TTCK trở thành nơi cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách về giao dịch và an toàn tài chính đối với công ty chứng khoán cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ví như việc triển khai các quy định về an toàn tài chính, áp dụng theo thông lệ quốc tế, đảm bảo các hoạt động an toàn tài chính của các công ty chứng khoán.

Ông cũng cho biết thêm, phương thức giao dịch ký quỹ mà nhà đầu tư chờ đợi đang được xem xét để áp dụng chính thức ở Việt Nam. Nguồn tiền sử dụng trên cơ sở nguồn vốn tự doanh, tự có của các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại. Cho đến nay thời hạn áp dụng hình thức giao dịch này vẫn chưa có quyết định cụ thể, song nếu áp dụng hình thức này sẽ đánh dấu một bước phát triển mới của thị trường. Việc áp dụng quy định này cũng góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường và “cuộc chơi” sẽ công bằng hơn cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, luật chứng khoán sửa đổi cũng dự định trình Quốc hội vào năm 2011 về các biện pháp giám sát và quản lý chặt chẽ các định chế trung gian như vốn; giấy phép hành nghề; quản trị  rủi ro; kiểm soát nội bộ vv...

Các diễn giả đang trao đổi tại Hội thảo

Thêm vào đó, việc thanh tra, giám sát và xử lý các vi phạm trên thị trường cũng sẽ được thực hiện một cách quyết liệt hơn. Các phương án cụ thể để xử lý đối với công ty khi mất khả năng thanh toán, phá sản, thiếu hụt vốn pháp định cũng sẽ sớm được ban hành. Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Nghị định mới thay cho Nghị định 136 với nội dung nhằm tăng cường tính nghiêm minh đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn nếu vi phạm. Theo đó, mức phạt đối với những trường hợp vi phạm sẽ được tăng lên, cụ thể mức phạt tối đa là 500 triệu thay cho 70 triệu như trước đây. Qua đó, hướng đến một thị trường minh bạch và rõ ràng hơn.

Hiện nay, nhiều người đánh giá tính minh bạch trên thị trường là chưa cao, sản phẩm giao dịch trên thị trường chưa phong phú, đặc biệt là cơ chế vận hành thị trường còn nhiều lỗ hổng, chế tài chưa nghiêm nên không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng kẻ hở này để trục lợi trên thị trường. Tuy nhiên, với những giải pháp được nêu trên, TTCK Việt Nam sẽ đánh dấu một bước phát triển mới sau 10 năm ra đời, trong thời gian không xa sẽ được hỗ trợ bởi nhiều biện pháp tích cực mới.

Trích bài tham luận “Triển vọng TTCK Việt Nam - Cơ hội sau khủng hoảng” do ông Nguyễn Đoan Hùng trình bày:

Một vài nét tổng quan về thị trường

Số lượng công ty niêm yết tăng khá nhanh, đưa tổng số công ty niêm yết trên 2 Sở GCKD là 580 (năm 2008 là 338 công ty), với tổng mức vốn hóa thị trường đạt 40% GDP, tăng hơn 2 lần so với mức vốn hóa thị trường năm 2008 (18% GDP vào 2008). Hoạt động của doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng tốt trong năm 2009 và đầu năm 2010, nếu như trong năm 2008 có trên 80% doanh nghiệp niêm yết thua lỗ, thì trong năm 2009 các doanh nghiệp đều có lãi và có mức tăng trưởng vượt kế hoạch chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng mức vốn huy động của doanh nghiệp qua TTCK trong năm 2009 đạt ngưỡng 33 ngàn tỷ đồng (mức huy động vốn trong năm 2008 là 29 ngàn tỷ đồng).

TTCK Việt Nam từng bước được cấu trúc theo hướng hợp lý. Trên cơ sở việc chuyển đổi các Trung tâm GDCK thành Sở GDCK hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, phát huy vai trò độc lập trong chỉ đạo điều hành và góp phần vào tự chủ tài chính. Thị trường từng bước được phân định lại dựa trên quy mô công ty niêm yết, theo đó, các doanh nghiệp niêm yết có quy mô dưới 80 tỷ đồng đang niêm yết tại Sở GDCK TPHCM được chuyển ra niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội và các doanh nghiệp niêm yết lớn sẽ tập trung niêm yết tại Sở GDCK TPHCM. Hệ thống giao dịch từng bước được hoàn thiện, với việc đưa hệ thống giao dịch trực tuyến tại HOSE vào tháng 2/2009 (thay cho nhập lệnh của đại diện tại sàn) và HNX vào tháng 2/2010 đã cho phép gia tăng nhanh khối lượng giao dịch và giảm thiểu rủi ro, sai sót trong qúa trình nhập lệnh tại sàn giao dịch.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài

Dưới tác động của khủng hoảng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam chững lại, từ cuối 2008 đến giữa năm 2009 dấu hiệu bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khá rõ rệt nhưng việc rút vốn không nhiều, phần lớn là do thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản..vv). Sang đầu năm 2010 dòng vốn nước ngoài vào TTCK không nhiều. Mặc dù dấu hiệu mua ròng trong Quý 2 và 3/2010 nhưng mức chênh lệch không lớn.

Việc suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 cho thấy ảnh hưởng của tình hình thế giới, đặc biệt là khó khăn của chính các tổ chức đầu tư nên việc bán ra của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng. Lượng bán ra tập trung vào trái phiếu Chính phủ và những cổ phiếu có tính thanh khoản cao. Mức độ rút vốn gắn liền với suy giảm của thị trường và so với tổng mức dự trữ ngoại tệ cũng không lớn (do đã rút một phần và do giá thị trường giảm). Ngoài ra, khả năng rút vốn cũng bị hạn chế vì vấn đề giá cả, tính thanh khoản, khả năng chuyển đổi USD. Hơn nữa, khoảng 2/3 danh mục do các quỹ nắm giữ nên sức ép thanh lý sẽ thấp hơn quỹ mở.

Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Hy vọng về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu càng trở nên rõ rệt hơn vào đầu năm 2010 với xu thế sụt giảm chậm đi của thị trường nhà đất ở Mỹ và Châu Âu, tình hình thất nghiệp khả quan hơn. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thấp đi kèm với chính sách nới lỏng tiền tệ và những gói kích thích kinh tế trên thế giới đã tạo ra tác động “kích thích” nhất định đến tâm lý người đầu tư và lợi nhuận của các công ty.

Trong sự hồi phục của TTCK Mỹ, Châu Âu hay các thị  trường mới nổi như Trung Quốc, một yếu tố căn bản làm yên lòng các nhà đầu tư là con số lợi nhuận công bố tốt hơn mong đợi. Đây là yếu tố khiến nhà đầu tư củng cố niềm tin vào hy vọng kinh tế hồi phục. Các gói hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng và các định chế khác phần nào chặn đứng làn sóng đổ vỡ của các ngân hàng, thậm chí còn giúp nhiều ngân hàng tận dụng lợi thế để kiếm lời nhanh.

TTCK quốc tế được đánh giá là đi trước các dấu hiệu hồi phục, bởi lẽ có thể nói khi thị trường chứng khoán suy thoái, nhà đầu tư bán tất cả những gì có thể bán được vì quá bi quan vào nền kinh tế, nhưng khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thì hiệu ứng phải mua ngay những gì “quá rẻ” trước khi người khác đổ xô vào thị trường. Nhiều nhà đầu cơ đón đầu khả năng phục hồi của nền kinh tế và đầu tư khá mạnh vào các cổ phiếu của các tập đoàn lớn để trông chờ vào sự hồi phục nhanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh các chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ sẽ tác động mạnh đến TTCK quốc gia. Chính phủ Trung Quốc làm vực dậy nền kinh tế và TTCK (các công ty niêm yết trên thị trường Bảng A của Thượng Hải tăng trưởng lợi nhuận khoảng 50% trong quý 2/2009, chưa tính tới các khoản đầu tư tài chính). Tuy nhiên, do có thông tin từ đầu tháng 8/2009 lo ngại TTCK Trung Quốc tăng trưởng ‘nóng”, Chính phủ nước này đang có động thái thắt chặt tín dụng nhằm tránh nguồn vốn trong nước bị phân phối kém hiệu quả đã làm cho TTCK Trung Quốc tụt dốc và các cổ phiếu bị “điều chỉnh” giảm khá nhanh.

Ở Việt Nam, bên cạnh gói kích thích kinh tế năm 2009 (khoảng 8 tỷ USD), các chính sách kinh tế thu hẹp vào đầu năm 2010 tạo ra một áp lực lên sức cầu “vốn” cho nền kinh tế. Yếu tố kiểm soát lạm phát và vấn đề ổn định các định chế tài chính tiền tệ thông qua kiểm soát chặt các hệ số an toàn tài chính gây khó khăn nhất định cho tăng cung vốn nền kinh tế, và làm hạn chế dòng chảy vốn vào TTCK và TT BĐS.

Nhận diện thị trường

Suy thoái kinh tế thế giới đang có dấu hiệu kết thúc sớm hơn so với dự đoán của các chuyên gia phân tích. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến TTCK thế giới và Việt Nam. Những dấu hiệu cho thấy kinh tế sớm thoát khỏi suy thoái trên các dấu hiệu sau:

• Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều bất ngờ tăng trưởng GDP dương. Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, Bank of America-Merrlill; Goldman Sachs; Credit Suisse… đều có những đánh giá lạc quan về sự hồi phục của nền kinh tế.

• Xuất khẩu, yếu tố quan trọng đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu phục hồi sớm hơn so với dự báo ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức.

• Thị trường nhà đất của phần lớn các quốc gia có dấu hiệu phục hồi;

• Thị trường việc làm cũng đang được cải thiện, mặc dù vẫn còn khó khăn trong 2010;

• Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây về yếu kém của hệ thống ngân sách các quốc gia châu Âu (Hy Lạp) và yếu kém của hệ thống các ngân hàng thương mại (Tây Ban Nha) đang dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiếp theo từ Châu Âu (khủng hoảng kép) làm nhiều quốc gia lo ngại. Nhiều yếu tố kinh tế gần đây của kinh tế Mỹ cho thấy mức độ tăng trưởng chậm lại, gia tăng thất nghiệp không thể hồi phục nhanh đang làm cho TTCK toàn cầu suy giảm nhanh, gây tác động nhất định đến TTCK các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Nhận diện những tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với TTCK Việt Nam trên các khía cạnh:

• Thông qua tác động đến kinh tế vĩ mô để gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán;

• Giá trị tài sản và giá cổ phiếu trên thế giới giảm đi nhanh chóng cũng làm cho tính hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam giảm đi;

• Các tổ chức tài chính quốc tế đang phải co cụm, điều chỉnh danh mục đầu tư, hạn chế đầu tư để kiểm soát rủi ro, đặc biệt các tổ chức có vấn đề khó khăn về tài chính sẽ phải bán ra để củng cố lại;

• Diễn biến suy giảm mạnh trên thị truờng tài chính quốc tế tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Để từ đó cơ quan quản lý có các chính sách phát triển thị trường hợp lý trong bối cảnh kinh tế từng bước hồi phục.

Giải pháp phát triển ổn định, bền vững

Trước những diễn biến còn nhiều khó khăn trong năm 2010, mục tiêu trước mắt là tập trung ổn định TTCK, qua đó từng bước triển khai các mục tiêu dài hạn để tạo ra sự cải cách đổi mới làm tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo. Cụ thể: (i) Tăng cường chất lượng kiểm toán, công bố thông tin và tuân thủ quản trị công ty trong các công ty niêm yết, công ty đại chúng ; (ii) Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, xử phạt, bảo vệ nhà đầu tư ; (iii) Xử lý tốt các công ty niêm yết, công ty chứng khoán thua lỗ: hợp nhất, giải thể, phá sản tránh tác động xấu đến thị trường, lành mạnh hoá các tổ chức kinh doanh chứng khoán ; (iv) Ổn định hoạt động thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

Phương diện vĩ mô

Thị trường chứng khoán là tấm gương và chịu ảnh hưởng mạnh của kinh tế vĩ mô, vì vậy các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô ảnh hưởng lớn đến TTCK trong thời gian tới.

1. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt với biên độ tỷ giá thích hợp để tránh tác động tâm lý lên vấn đề tỷ giá. Chính sách lãi suất thích hợp nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng khả năng cho xuất khẩu.

2. Khuyến khích xuất khẩu thông qua các biện pháp về thuế, giảm thiểu thủ tục hành chính, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ tín dụng, ưu đãi lãi suất để tạo đầu ra cho doanh nghiệp và thu hút ngoại tệ.

3. Tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp: tăng cường xúc tiến đầu tư, giảm thiểu thủ tục hành chính trong việc giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp, triển khai các chương trình đào tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp.

Đối với thị trường chứng khoán

1. Thực hiện tái cấu trúc TTCK theo hướng phân định tổ chức TTCK niêm yết, thị trường OTC và thị trường công cụ nợ, thị trường công cụ phái sinh. Từng bước hoàn thiện thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) theo hướng thị trường OTC để từng bước thu hẹp thị trường tự do.

2. Hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách thông qua việc sửa đổi Nghị định 14/CP; sửa đổi bổ sung Nghị định 36/CP và xây dựng các Thông tư hướng dẫn về giao dịch; Thông tư hướng dẫn về các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Xem xét sửa đổi Luât Chứng khoán để trình Quốc hội vào năm 2011. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 nhằm cụ thể hóa Quyết định 128/2007/ QĐ-TTg về Đề án phát triển thị trường vốn đến 2011 và tầm nhìn đến 2020.

3. Tiếp tục thực hiện cổ phần hoá để đảm bảo chương trình cải cách, đổi mới doanh nghiệp, tạo hàng chất lượng cao cho thị trường chứng khoán và thu hút vốn đầu tư. Cần chuyển sang áp dụng theo phương thức thoả thuận cho đối tác chiến lược, hoặc đấu giá giữa các đối tác chiến lược, đồng thời giảm bớt tỷ lệ bán ra bên ngoài. Một mặt chuyển đổi được hình thức sở hữu, từ đó góp phần cải thiện quản trị công ty, mặt khác không gây thiệt hại cho nhà nước, đồng thời thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (góp vốn mua cổ phần được coi là đầu tư trực tiếp phải nắm giữ 2-3 năm).

4. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ các định chế trung gian (vốn; giấy phép hành nghề; quản trị  rủi ro; kiểm soát nội bộ..vv). Xây dựng các phương án xử lý đối với công ty khi mất khả năng thanh toán, phá sản, xử lý vấn đề thiếu hụt vốn pháp định.

5. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và  xử lý các vi phạm trên thị trường về  các hành vi vi phạm công bố thông tin; chào bán chứng khoán ra công chúng không xin phép; thao túng giá chứng khoán, các vi phạm của công ty chứng khoán trên thị trường..vv.

6. Nâng cao khả năng tài chính cho các ngân hàng và tăng thêm luồng vốn ngoại tệ thông qua việc cho phép ngân hàng bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài với tỷ lệ dưới 5% không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước, đồng thời nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng lên trên mức 30% hiện nay để tăng tính hấp dẫn khi luồng vốn đầu tư đang giảm sút.

7. Tăng cường vai trò của Hiệp hội kinh doanh chứng khoán, Hội kiểm toán viên hành nghề, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, Câu lạc bộ công ty niêm yết, Câu lạc bộ công ty quản lý quỹ đầu tư về: Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các thành viên thông qua việc xây dựng, phổ biến và giám sát các quy tắc về đạo đức hành nghề; Phối hợp với cơ quan quản lý thực hiện giám sát chất lượng công bố thông tin của các thành viên; Phối hợp với các thành viên để xây dựng, ban hành và giám sát các các quy trình nội bộ về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, các quy trình nghiệp vụ.

Xuân Anh

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 47,94 điểm (09/09/2010)

>   PVA, VE1, HJS, SRA tăng liên tục không theo xu hướng (09/09/2010)

>   Đánh cược với Thông tư 13 (09/09/2010)

>   Tìm điểm sáng cuối năm cho chứng khoán (09/09/2010)

>   Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam? (09/09/2010)

>   Lựa chọn cổ phiếu chiến thắng thị trường (09/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 47,71 điểm (08/09/2010)

>   Thị trường ngày 09/09 và góc nhìn từ CTCK (08/09/2010)

>   Cẩn thận khi thị trường có nhiều điều chỉnh (08/09/2010)

>   Tháng 9 là cơ hội (08/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật