Thứ Năm, 09/09/2010 08:32

Tìm điểm sáng cuối năm cho chứng khoán

Giao dịch ảm đạm hiện nay là kết quả của tâm lý lo ngại những rủi ro của kinh tế vĩ mô. Liệu còn cơ hội tăng trưởng cho TTCK trong năm nay?

Nhận diện những nhân tố “dìm” thị trường

“Van” tín dụng chảy vào TTCK bị thắt chặt lại do yêu cầu tăng tỷ lệ an toàn vốn từ 8% lên 9% quy định trong Thông tư 13 áp dụng cho các Ngân hàng Thương Mại Cổ phần (NHTM). Trong đó, quy định hệ số rủi ro cho các khoản cho vay đầu tư, cầm cố chứng khoán lên tới 250%, không cho các CTCK trực thuộc NHTM vay, không cho vay không có tài sản đảm bảo. Đó là những rào cản có tác động tiêu cực đến TTCK tại thời điểm này. Thêm vào đó, Tập đoàn Vinashin tái cấu trúc đã đẩy dư nợ tín dụng (cả gốc và lãi) của Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) lên hơn 2.076 tỷ đồng (trong đó nợ quá hạn là 1.300 tỷ đồng). Do đó, hiện tượng giảm sàn liên tục của cổ phiếu PVF (thuộc Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường) kéo chỉ số VNIndex đi xuống mạnh. Không những vậy, việc cơ cấu lại danh mục đầu tư của các NHTM để tuân thủ Thông tư 13 khiến cho áp lực cung tăng lên (chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng) như việc VCB đăng ký bán 5 triệu cổ phần EIB làm gia tăng lo ngại về hiệu ứng giảm giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Triển vọng cuối năm

Thị trường tiếp tục đi xuống phá vỡ những ngưỡng cản tâm lý quan trọng, gia tăng áp lực bán giải chấp các cổ phiếu penny, đồng thời xóa đi những dự báo lạc quan nhất tại thời điểm đầu năm về triển vọng TTCK có thể đạt mốc 600 - 650 điểm trong năm nay. Sự xuống dốc của thị trường như phản ứng dây chuyền khi các penny bị bán giải chấp vì rớt giá dưới 30%. Tiếp theo, danh mục đầu tư các bluechip buộc phải bán để trả nợ, bù đắp phần lỗ cho các cổ phiếu penny. Ngoài ra, tài sản cầm cố (chứng khoán) không phải là ngoại lệ khi nhà đầu tư phải nộp thêm tiền hoặc bán đi để trả nợ cũng làm tăng thêm áp lực cho thị trường. Điểm cân bằng của thị trường khi lượng bán giải chấp được hấp thụ hết dự báo rơi vào khoảng 400 điểm đáy ngắn hạn 420 điểm thiết lập ngày 25/8. Kịch bản tăng trưởng hợp lý nhất cho VNIndex có thể là 480 - 520 điểm trong giai đoạn cuối năm nay. Nhiều khả năng có những đợt sóng ngắn hạn hơn là dài hạn do vốn tín dụng ngân hàng chảy vào TTCK chưa được khơi thông.

Lựa chọn nhóm ngành đầu tư

Khi tín dụng bị thắt chặt, nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tài chính và bất động sản. Thị trường BĐS trầm lắng trong thời gian vừa qua gây nghi ngại về kết quả kinh doanh không khả quan vào cuối năm như những kỳ vọng ban đầu. Điều này lý giải sự giảm giá liên tiếp của nhóm cổ phiếu BĐS (TDH, BCI, ITC, VCG...). Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng (STB, EIB, SHB) đang giao dịch mức giá rất thấp 1x, thậm chí gần bằng giá trị sổ sách của các cổ phiếu “vua” một thời. Cho dù giá rẻ do giảm liên tiếp, nhưng nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng, dè chừng khi đầu tư vào nhóm ngành chịu nhiều ảnh hưởng do xác định thời gian nắm giữ dài hạn. Nhóm ngành nhiều triển vọng nhất hiện nay thuộc về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu (may mặc, gỗ xuất khẩu, cao su tự nhiên, thủy sản) do yếu tố mùa vụ quý III và IV, cộng thêm diễn biến tỷ giá USD/VND tăng theo chiều hướng có lợi cho sản phẩm xuất khẩu.

Mua hàng giải chấp

Đi kèm với việc sụt giảm mạnh của thị trường (-18.5%) từ (540 điểm xuống dưới 440 điểm), các CTCK buộc phải bán giải chấp khối lượng lớn các chứng khoán có sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao của khách hàng khi giá trị tài sản ròng giảm gần đến giá trị cho vay. Ví dụ như VHG, DIC, TNG, HLG, FDC... Cơ hội dành cho dòng tiền mới tham gia thị trường khi các cổ phiếu bị bán giải chấp có mức độ sụt giảm mạnh so với giá trị đỉnh ( -40% đến -50%) và hơn cả sụt giảm của chỉ số chung, đặc biệt cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt và có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Thực tế đã chứng minh, không thị trường nào hay cổ phiếu nào có thể tăng hay giảm được mãi. Nếu cổ phiếu tốt rơi vào tình trạng quá bán (oversold) thì sức bật lên của cổ phiếu đó càng mạnh mẽ hơn các cổ phiếu còn lại. Đây là cơ hội cho nhà đầu tư đến sau, biết chọn lọc cổ phiếu, giải ngân từ tốn, xác định nắm giữ trung hạn (nếu không thể chốt lời trong ngắn hạn).

Làn sóng mua cổ phiếu quỹ

Tâm lý của đại bộ phận nhà đầu tư trên thị trường vẫn trông mong vào việc sửa đổi và giãn thời gian áp dụng TT13 để các NHTM đủ thời gian chuẩn bị và tuân thủ

Làn sóng ồ ạt các công ty đăng ký mua cổ phiếu quỹ diễn ra như POM mua 9 triệu cổ phần, VSH mua 4 triệu cổ phần hay NTB 2 triệu cổ phần. Đây là tác động tích cực đến thị trường: giảm bớt nguồn cung cổ phiếu, làm đẹp các chỉ tiêu tài chính như EPS, ROE và đầu tư vào chính cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Đồng thời, nguyên nhân sâu xa là các cổ phiếu này trở nên khá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng của chúng. Kinh nghiệm mà các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) muốn học hỏi có thể xuất phát từ việc Ngân hàng Sacombank (STB) mua 18 triệu cổ phiếu quỹ với mức giá thấp kỷ lục trong năm 2008. Tháng 7/2009, STB đã bán thành công toàn bộ cổ phiếu quỹ trên với khoản tiền gấp 2,5 lần số tiền bỏ ra mua cổ phiếu quỹ. Bài toán chi phí cơ hội đặt ra cho các DNNY trong việc mua cổ phiếu quỹ cũng giúp nhà đầu tư nhìn nhận tích cực hơn về giá trị cổ phiếu khi thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn nhất.

Tâm lý e ngại nguồn cung

Hàng loạt DNNY vừa được UBCKNN cấp phép chào bán chứng khoán ra công chúng như Công ty Meco (MCG) chào bán 38 triệu cổ phiếu, Quốc Cường Gia Lai (QCG) phát hành 61 triệu cổ phiếu. Nguồn cung cổ phiếu tràn ngập (chưa kể cổ phiếu của các công ty sắp chào sàn) trong khi sức hấp thụ của thị trường có hạn vì dòng tiền chảy vào chứng khoán đang bị siết chặt. Do vậy, nhìn về trung hạn, thị trường chưa thể tăng trưởng một cách vững chắc trong điều kiện tín dụng ngân hàng bị hạn chế, không đủ gánh vác nguồn cung. Tuy nhiên, các cổ phiếu giảm về mức hấp dẫn khi công bố thông tin phát hành thêm hay giảm giá nhiều phiên sau khi niêm yết/chia tách như VCG, MCG, QCG, ITC vẫn là cơ hội đầu tư trung hạn. Ngoài ra, các cổ phiếu có mức trả cổ tức tương đối cao 12 - 15% như HUT (18%) đáng xem xét, mặc dù nhiều DNNY thu hút vốn đầu tư bằng chiêu trả cổ tức cao.

Chờ đợi cú hích chính sách

Thông tư 13 (TT13) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/10/2010 nhưng hiện đang phát sinh một số bất cập trong cách tính tỷ lệ an toàn vốn, huy động vốn cụ thể là khoản tiền gửi không kỳ hạn của của các tổ chức kinh tế không được tính vào nguồn vốn huy động. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát lại TT13 này khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng TT13 phải có lộ trình rõ ràng, đồng thời khó có thể giảm được mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn nữa. Tăng trưởng tín dụng tính đến giữa tháng 8 mới chỉ đạt 14%, vẫn còn có thể tăng trưởng nữa so với chỉ tiêu đặt ra cho năm nay là 25%. Do vậy, tâm lý của đại bộ phận nhà đầu tư trên thị trường vẫn trông mong vào việc sửa đổi và giãn thời gian áp dụng TT13 để các NHTM đủ thời gian chuẩn bị và tuân thủ. Không những thế, với chính sách tín dụng được nới lỏng, TTCK có thể sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức trung bình vào cuối năm, cho dù do hứng khởi về tâm lý là chủ yếu.

Anh Quân

DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP

Các tin tức khác

>   Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam? (09/09/2010)

>   Lựa chọn cổ phiếu chiến thắng thị trường (09/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 47,71 điểm (08/09/2010)

>   Thị trường ngày 09/09 và góc nhìn từ CTCK (08/09/2010)

>   Cẩn thận khi thị trường có nhiều điều chỉnh (08/09/2010)

>   Tháng 9 là cơ hội (08/09/2010)

>   DHT: "Giảm sàn liên tục là do DVD làm giá" (08/09/2010)

>   Cơ hội hay cái bẫy? (08/09/2010)

>   TTCK có còn bữa trưa nào miễn phí? (08/09/2010)

>   Nạn thao túng cổ phiếu (08/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật