Thứ Năm, 09/09/2010 08:02

Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

ĐTCK xin trích giới thiệu tham luận của ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK đánh giá bối cảnh kinh tế thế giới và nhận diện tác động của dòng tiền trên TTCK quốc tế đến Việt Nam.

Bài tham luận sẽ được ông Hùng trình bày tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam, cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu" do Báo Đầu tư phối hợp với Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tổ chức vào sáng 9/9/1010 tại TP. HCM.

Bối cảnh kinh tế thế giới 2008 - 2010

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm cho kinh tế các nước rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng, hệ thống tài chính bị phá huỷ, hoạt động tín dụng thanh toán của hệ thống ngân hàng liên tục mất cân đối, sản xuất đình trệ, thị trường xuất nhập khẩu bị thu hẹp đã gây nên sụt giảm mạnh hoạt động của TTCK. Một số nước đã phải dùng các biện pháp hành chính mạnh như tạm thời đóng cửa, cảnh báo sớm, hạn chế hoặc cấm một số giao dịch như bán khống, sản phẩm phái sinh, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử phạt, nhưng tất cả những nỗ lực trên cũng không ngăn nổi sự sụt giảm liên tục của TTCK.

Để đối phó với suy thoái do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây nên, cùng hành động với Chính phủ Mỹ, Chính phủ các nước EU, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã có những hành động giải cứu sự suy thoái của thị trường, thông qua việc đưa ra các chính sách cả gói hỗ trợ cho các ngân hàng, bảo hiểm gặp khó khăn về khả năng thanh toán bằng cách mua lại cổ phần, cho vay và mua lại các khoản chứng khoán bất động sản, tài trợ vốn cho các ngân hàng; cung cấp vốn mua lại chứng khoán đang mất thanh khoản, cho vay kích cầu tiêu dùng. Một số tập đoàn lớn đã mua lại, sáp nhập các ngân hàng gặp khó khăn; ngân hàng trung ương các nước đồng loạt cắt giảm lãi suất cơ bản. Một số chính phủ đã tuyên bố đảm bảo tiền gửi nhằm cam kết giữ an toàn tài sản của người gửi tiền, còn IMF đã cấp các khoản vay cho một số nước gặp khó khăn về tài chính…

Diễn biến TTCK Việt Nam

Với các chính sách điều chỉnh hợp lý từ Chính phủ và các cơ quan hữu quan, TTCK Việt Nam được giữ vững, dần đi vào ổn định và từng bước phát triển phù hợp với sự ổn định kinh tế vĩ mô. Các chỉ tiêu TTCK phản ánh mức tăng trưởng hợp lý với diễn biến nền kinh tế Việt Nam  và gắn liền với sự tăng trưởng của thị trường vốn quốc tế. Cụ thể, số lượng công ty niêm yết tăng khá nhanh, đưa tổng số cổ phiếu niêm yết trên 2 SGDCK là 580 công ty (năm 2008 là 338 công ty), với tổng  mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 40% GDP. Hoạt động của doanh nghiệp niêm yết có mức tăng trưởng tốt trong năm 2009 và đầu năm 2010, nếu như trong năm 2008 có trên 80% doanh nghiệp niêm yết thua lỗ, thì trong năm 2009 các doanh nghiệp đều có lãi và có mức tăng trưởng vượt kế hoạch chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng mức vốn huy động của doanh nghiệp qua TTCK trong năm 2009 đạt 33 nghìn tỷ đồng (mức huy động vốn trong năm 2008 là 29 nghìn tỷ đồng).

Tính đến cuối năm 2009, đã có 105 công ty chứng khoán được thành lập và tham gia làm thành viên của các SGDCK. Nếu như trong năm 2008, hầu hết các công ty chứng khoán đều thua lỗ, nhiều công ty đứng bên bờ vực phá sản thì đến nay, đã có trên 80% công ty chứng khoán có lãi và có mức tăng trưởng khá cao, bù đắp được các khoản thua lỗ trong năm 2008. Số lượng tài khoản nhà đầu tư gia tăng mạnh, hiện đạt trên 966.500 tài khoản.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, dưới tác động của khủng hoảng, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào TTCK Việt Nam chững lại, từ cuối 2008 đến giữa năm 2009, dấu hiệu bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài khá rõ rệt, nhưng việc rút vốn không nhiều, mà phần lớn thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư (cổ phiếu; trái phiếu; bất động sản...). Sang đầu năm 2010 dòng vốn nước ngoài vào TTCK không nhiều. Mặc dù dấu hiệu mua ròng trong quý II và quý III/2010, nhưng mức chênh lệch không lớn.

Dòng tiền trên TTCK quốc tế có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Hy vọng về sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu càng trở nên rõ rệt hơn vào đầu năm 2010 với xu thế sụt giảm chậm đi của thị trường nhà đất ở Mỹ và châu Âu, đồng thời với thông tin tình hình thất nghiệp giảm bớt. Ngoài ra, với mặt bằng lãi suất thấp đi kèm với chính sách nới lỏng tiền tệ và những gói kích thích kinh tế trên thế giới đã tạo ra tác động "kích thích" nhất định tâm lý người đầu tư và lợi nhuận của các công ty.

Trong sự hồi phục của TTCK Mỹ, châu Âu hay các thị trường mới nổi như Trung Quốc, một yếu tố căn bản làm yên lòng các nhà đầu tư là con số lợi nhuận công bố đều tốt hơn mong đợi. Đây là yếu tố khiến nhà đầu tư củng cố niềm tin vào hy vọng kinh tế hồi phục. Các gói hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng và các định chế khác phần nào chặn đứng làn sóng đổ vỡ của các ngân hàng, thậm chí còn giúp nhiều ngân hàng tận dụng lợi thế để kiếm lời nhanh.

TTCK quốc tế được đánh giá là đi trước các dấu hiệu hồi phục, bởi lẽ có thể nói khi TTCK suy thoái, nhà đầu tư có thể bán tất cả những gì có thể bán được vì quá bi quan vào nền kinh tế, nhưng khi thị trường có dấu hiệu hồi phục thì thường xảy ra hiệu ứng phải mua ngay những gì "quá rẻ" trước khi người khác đổ xô vào thị trường. Nhiều nhà đầu cơ đón đầu khả năng phục hồi của nền kinh tế và đầu tư khá mạnh vào các cổ phiếu của các tập đoàn lớn để trông chờ vào sự hồi phục nhanh của nền kinh tế.

Suy thoái kinh tế thế giới có dấu hiệu kết thúc sớm hơn so với dự đoán của các chuyên gia. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh đến TTCK thế giới và Việt Nam. Những dấu hiệu cho thấy kinh tế sớm thoát khỏi suy thoái là:

- Các nền kinh tế lớn trên thế giới đều bất ngờ tăng trưởng GDP dương. Các tổ chức quốc tế có uy tín như IMF, Bank of America-Merrill; Goldman Sachs; Credit Suisse… đều có những đánh giá lạc quan về sự hồi phục của nền kinh tế.

- Xuất khẩu, yếu tố quan trọng đánh giá sự phục hồi của nền kinh tế cũng đang có dấu hiệu phục hồi sớm hơn so với dự báo ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức.

- Thị trường nhà đất của phần lớn các quốc gia có dấu hiệu phục hồi.

- Thị trường việc làm cũng đang được cải thiện, mặc dù vẫn còn khó khăn.

Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây về yếu kém của hệ thống ngân sách các quốc gia châu Âu (Hy Lạp) và yếu kém của hệ thống các ngân hàng thương mại (Tây Ban Nha) đang dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tiếp theo từ châu Âu (khủng hoảng kép). Nhiều yếu tố kinh tế gần đây của kinh tế Mỹ cho thấy mức độ tăng trưởng chậm lại, gia tăng thất nghiệp không thể hồi phục nhanh đang làm cho TTCK toàn cầu suy giảm nhanh, gây tác động nhất định đến TTCK các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trước những diễn biến còn nhiều phức tạp và khó khăn trong năm 2010, mục tiêu trước mắt của TTCK Việt Nam là tập trung phát triển ổn định, qua đó từng bước triển khai các mục tiêu dài hạn để tạo ra sự cải cách đổi mới, làm tiền đề cho sự phát triển của những năm tiếp theo.

Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Lựa chọn cổ phiếu chiến thắng thị trường (09/09/2010)

>   UPCoM-Index giảm còn 47,71 điểm (08/09/2010)

>   Thị trường ngày 09/09 và góc nhìn từ CTCK (08/09/2010)

>   Cẩn thận khi thị trường có nhiều điều chỉnh (08/09/2010)

>   Tháng 9 là cơ hội (08/09/2010)

>   DHT: "Giảm sàn liên tục là do DVD làm giá" (08/09/2010)

>   Cơ hội hay cái bẫy? (08/09/2010)

>   TTCK có còn bữa trưa nào miễn phí? (08/09/2010)

>   Nạn thao túng cổ phiếu (08/09/2010)

>   Thị trường phớt lờ tin chính thống (08/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật