Thứ Tư, 29/09/2010 16:12

Mô hình bảo hiểm nội bộ nên được giữ lại

Cần bổ sung quy định về việc hình thành cũng như hoạt động của các DN bảo hiểm của các tập đoàn kinh tế để đảm bảo lành mạnh hoá tài chính DN; trong thời gian DN chưa thoái hết vốn tại các công ty bảo hiểm thì cần có quy định không cho phép công ty bảo hiểm được bán sản phẩm cho công ty mẹ hoặc các thành viên cùng tập đoàn, tổng công ty…

Đó là một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm tại hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây. Về vấn đề này, ông Vũ Văn Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ĐTCK.

Có ý kiến cho rằng, nên cấm các công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho công ty mẹ cũng như các thành viên trong cùng công ty mẹ hay tập đoàn vì lo ngại vi phạm nguyên tắc phân tán rủi ro trong bảo hiểm. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

Ý kiến này theo tôi hiểu là việc cấm áp dụng mô hình công ty bảo hiểm nội bộ (thuật ngữ tiếng Anh là "Captive Insurer") trong các tập đoàn/tổng công ty của Việt Nam. Trước hết, tôi có thể khẳng định rằng, mô hình công ty bảo hiểm nội bộ đã có từ rất lâu và hiện tại vẫn đang được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu đều có công ty chuyên trách thu xếp bảo hiểm cho riêng mình như AIG, Allianz, HSBC, BP…, hay ngay cạnh chúng ta là Petronas, Huyndai, Samsung... và chẳng phải ngẫu nhiên họ làm như vậy. Khách quan thì với vai trò là một công ty thành viên, những công ty bảo hiểm nội bộ hiểu rõ hơn ai hết rủi ro đặc thù của công ty mẹ và những công ty thành viên khác gặp phải để có thể xây dựng và tư vấn quy trình quản lý rủi ro, giảm thiểu tổn thất và thu xếp các chương trình bảo hiểm phù hợp nhất. Việt Nam đang có quá trình hội nhập rất nhanh với thế giới và không lẽ chúng ta lại đi riêng một kiểu!

Còn việc cho rằng, mô hình công ty bảo hiểm nội bộ có thể vi phạm nguyên tắc phân tán rủi ro trong bảo hiểm là chưa chính xác, vì nguyên tắc này được thực hiện thông qua tái bảo hiểm - là nghiệp vụ mà bất kỳ công ty bảo hiểm nào cũng phải tuân thủ. Ngay trong các quy định của pháp luật cũng không cho phép công ty bảo hiểm giữ lại phí bảo hiểm trên mỗi dịch vụ quá 5% vốn chủ sở hữu của công ty để đảm bảo nguyên tắc này. Đối với những dự án công nghiệp lớn như hàng không, bưu chính, dầu khí…, việc thu xếp bảo hiểm đảm bảo an toàn cho những DN trong những lĩnh vực này thực chất là do các nhà tái bảo hiểm nước ngoài, vì các công ty bảo hiểm trong nước vẫn chưa đủ năng lực định ra các điều kiện điều khoản và phí bảo hiểm.

Đó là chưa kể, với nguyên tắc hoạt động hiệu quả và sinh lời, việc sử dụng công ty bảo hiểm nội bộ của tập đoàn cũng đồng nghĩa với việc các tập đoàn đã lấy lại một phần tiền đầu tư đáng ra phải trả cho các công ty khác và tái đầu tư tăng hiệu quả hoạt động của tập đoàn.

Như vậy, ý ông là mô hình bảo hiểm nội bộ nên được giữ lại?

Đúng vậy. Bảo hiểm phát triển muộn hơn ở châu Á và một thực tế rất rõ là nếu như không có sự trợ giúp đắc lực của các công ty mẹ thì làm sao có được những công ty bảo hiểm hùng mạnh như Tokyo Marine, Mitsui Sumitomo, Samsung, Energas… có thể làm chủ cuộc chơi và cạnh tranh sòng phẳng với các ông trùm bảo hiểm thế giới Âu - Mỹ. Ngay tại Việt Nam thì lần đầu tiên sau nhiều năm hội nhập mới có một công ty được xếp hạng quốc tế A.M.Best là PVI. Nhà nước cần tạo điều kiện để có thêm nhiều công ty được xếp hạng như vậy. Đương nhiên, môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ được lên điểm so với khu vực và trên thế giới. Tôi cho rằng, với văn hóa và con người châu Á, thì mô hình công ty bảo hiểm nội bộ lại càng phát huy được tính hiệu quả trong việc cạnh tranh để nâng tầm thương hiệu.

Không phủ nhận ý nghĩa từ việc nhiều DN bảo hiểm cùng tham gia thị trường sẽ làm tăng môi trường cạnh tranh, từ đó có thể mang nhiều lợi ích hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với các dự án/công trình có giá trị lớn, tính phức tạp cao về công nghệ như hàng không, viễn thông, dầu khí…, nơi vẫn bị chi phối bởi các nhà tái bảo hiểm thế giới, thì có phải sự nhập cuộc của nhiều DN bảo hiểm trong nước chưa chắc đã mang lại lợi ích cho khách hàng?

Điều này không sai và phải là những chuyên gia bảo hiểm nhiều kinh nghiệm mới hiểu rõ tại sao lại như vậy. Tôi xin giải thích ngắn gọn như thế này: Trong các lĩnh vực bảo hiểm đặc thù như hàng không hay năng lượng, số lượng nhà tái bảo hiểm trên thế giới đủ độ uy tín về năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm chuyên môn là rất hạn chế, trong khi giá trị bảo hiểm là rất lớn và tất cả đều phải tái bảo hiểm ra nước ngoài, phần giá trị được bảo hiểm trong nước chỉ là một con số rất nhỏ. Chính vì thế, khi càng ít công ty bảo hiểm trong nước tham gia thì càng có nhiều cơ hội tận dụng tối đa năng lực bảo hiểm của thị trường. Điều này có vẻ hơi khó hiểu với nhiều người, nhưng lại là kinh nghiệm quý báu của những chuyên gia giàu chuyên môn, những người hiểu rõ "luật chơi" của các nhà tái bảo hiểm hàng đầu thế giới. Những nhà tái bảo hiểm uy tín khi đã cam kết nhận tái bảo hiểm cho công ty nào trong nước đối với một dịch vụ cụ thể nào đó thì ngay cả khi công ty đó không cạnh tranh được dịch vụ, nhà tái bảo hiểm cũng sẽ không nhận tái bảo hiểm từ công ty khác. Như vậy, đương nhiên sẽ có nhiều dự án hay công trình tại Việt Nam sẽ không được thu xếp tái bảo hiểm an toàn tại các nhà tái bảo hiểm đủ uy tín.

Diệu Trang thực hiện.

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm xe cơ giới: Thấy gì từ những con số? (24/09/2010)

>   Bảo hiểm vi mô, khó nhiều bề! (23/09/2010)

>   Thị trường tái bảo hiểm bắt đầu sôi động (17/09/2010)

>   Bảo hiểm trực tuyến: Việt Nam không nằm ngoài xu hướng thế giới (15/09/2010)

>   Bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân: Nhà nước sẽ vào cuộc (15/09/2010)

>   Cần lắm bảo hiểm nông nghiệp (14/09/2010)

>   Mua bảo hiểm xe cơ giới gặp rủi ro: Chỉ biết kêu trời! (09/09/2010)

>   Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, tiềm năng bỏ ngỏ (08/09/2010)

>   Bancassurance vẫn ở dạng thăm dò thị trường (07/09/2010)

>   Đại lý bảo hiểm: 80% bỏ việc từ năm đầu tiên (02/09/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật