Thứ Ba, 14/09/2010 06:36

Cần lắm bảo hiểm nông nghiệp

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong giai đoạn 2011 - 2013.

Đây là thông tin gây nhiều chú ý trong dư luận bởi là một nước nông nghiệp nhưng nông dân nước ta vẫn luôn phải đối mặt với rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh...

Hộ nghèo miễn phí tới 100%

Một trong những nội dung của dự thảo được nhiều người quan tâm là quy định những hộ nghèo sản xuất nông nghiệp khi tham gia chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 90% - 100% phí bảo hiểm. Những hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo được hỗ trợ 60% - 70% phí bảo hiểm. Tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 50% phí bảo hiểm.

Nguồn lực hỗ trợ gồm ngân sách Trung ương và các địa phương. Theo dự thảo, có 3 đối tượng được bảo hiểm gồm: cây trồng là cây lúa; vật nuôi trâu, bò, heo, gia cầm; thủy sản (gồm cá tra, cá basa, tôm sú, tôm chân trắng)...

Cũng theo dự thảo này, các loại thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trong nông nghiệp như: bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá... và dịch bệnh như cúm đối với gia cầm; dịch tai xanh đối với heo; bệnh lở mồm long móng đối với gia súc; bệnh thủy sản đối với tôm, cá tra; dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá đối với cây lúa... sẽ được ưu tiên bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm được phép thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có trách nhiệm áp dụng các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, bao gồm quy tắc, biểu phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm theo hướng đa dạng hóa như: bảo hiểm đơn hiểm họa, bảo hiểm đa hiểm họa, bảo hiểm theo chỉ số sản lượng, bảo hiểm theo chỉ số thời tiết... Đối với các sản phẩm bảo hiểm theo chỉ số, bồi thường bảo hiểm được dựa trên chỉ số thời tiết, dịch bệnh, sản lượng có mối tương quan với thiệt hại.

Giảm bớt rủi ro

Bộ Tài chính cho rằng thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường bảo hiểm và giúp người dân sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân VN, ông Nguyễn Duy Lượng, cho rằng bảo hiểm nông nghiệp càng làm sớm càng tốt cho nông dân và hội ủng hộ chính sách này. Việc nông dân mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi sẽ phần nào giảm sự bấp bênh, rủi ro khi xảy ra thiên tai địch họa, dịch bệnh vốn xuất hiện nhiều ở VN. Tuy nhiên, theo ông Lượng, trước mắt cần tiến hành thí điểm để rút kinh nghiệm từ thực tế, tránh việc bị lợi dụng hoặc không sát với sản xuất của người dân.

Cũng theo ông Lượng, chính sách bảo hiểm nông nghiệp đã được áp dụng từ rất lâu tại nhiều quốc gia và đã phát huy hiệu quả. Hiện nhiều nước châu Âu đã thực hiện trên diện rộng. Ở Đông Nam Á, Philippines cũng đã tiến hành thực hiện bảo hiểm nông nghiệp... Tuy nhiên, điều đáng nói là các nước đều xem bảo hiểm nông nghiệp không phải là dịch vụ kinh doanh thuần túy và thường có sự tài trợ rất lớn của nhà nước (ở Mỹ mức hỗ trợ lên đến 50%)...

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (Vasep), cũng cho biết VN có nền sản xuất nông nghiệp lớn mà đến nay mới tính đến thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là muộn. “Nhất là với sản xuất nông nghiệp lớn như nuôi cá tra, tôm sú... thì việc bảo hiểm là tối cần thiết để giảm thiểu những thiệt hại bất thường” – ông Dũng nói. Tuy nhiên, ông Dũng cũng băn khoăn việc triển khai trong thực tế cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Đối tượng tham gia bảo hiểm

Tiêu chuẩn của đối tượng tham gia bảo hiểm cụ thể là chăn nuôi bò sinh sản, bò vắt sữa thường xuyên có 10 con trở lên; chăn nuôi bò lấy thịt thường xuyên có từ 50 con trở lên; chăn nuôi heo nái sinh sản thường xuyên có từ 100 con trở lên; chăn nuôi gà giống thường xuyên có từ 1.000 con trở lên; chăn nuôi gà lấy thịt, gà lấy trứng thường xuyên có 2.000 con trở lên (không tính đầu con dưới 7 ngày tuổi). Các trại, xí nghiệp chăn nuôi bò, heo, dê, cừu, gà giống gốc để cung cấp giống bố mẹ ra thị trường, có chứng nhận của Sở NN - PTNT hoặc Cục Chăn nuôi...

Về thủy sản, tổ chức (công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, trang trại), hộ gia đình nuôi trồng thủy sản (cá tra, tôm) phải có ao, đầm nằm trong vùng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền địa phương phê duyệt; quy trình nuôi đáp ứng theo tiêu chuẩn quy định; bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng thuốc, hóa sinh bị cấm sử dụng...

Thế Dũng

Người lao động

Các tin tức khác

>   Mua bảo hiểm xe cơ giới gặp rủi ro: Chỉ biết kêu trời! (09/09/2010)

>   Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, tiềm năng bỏ ngỏ (08/09/2010)

>   Bancassurance vẫn ở dạng thăm dò thị trường (07/09/2010)

>   Đại lý bảo hiểm: 80% bỏ việc từ năm đầu tiên (02/09/2010)

>   Cạnh tranh khai thác bảo hiểm xe cơ giới vào hồi khốc liệt (31/08/2010)

>   Bảo hiểm con người: Mỗi “nhà” một lối đi riêng (28/08/2010)

>   Tránh “mắc cạn” khi mua bảo hiểm (26/08/2010)

>   “Nóng” chuyện mở quỹ bảo vệ người mua bảo hiểm (26/08/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ, “sóng ngầm” cạnh tranh (24/08/2010)

>   Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập quỹ rủi ro (23/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật