Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, tiềm năng bỏ ngỏ
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là loại hình bảo hiểm bảo vệ cho các nhà xuất khẩu và tổ chức tài chính tránh được rủi ro thiệt hại xảy ra đối với các giao dịch xuất khẩu hoặc các giao dịch khác liên quan ở nước ngoài… Loại hình này đã phát triển khá mạnh ở các nước châu Âu và châu Á, nhưng ở Việt Nam, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vẫn chưa được các DN xuất khẩu và DN bảo hiểm quan tâm.
ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Tính, Phó giám đốc Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) về thực trạng này.
Ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao hiện nay các DN Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm tới bảo hiểm tín dụng xuất khẩu?
Đúng là tại Việt Nam vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm tới việc mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo tôi, điều này là do các DN chưa nhận thức hết các rủi ro có thể gây ra tổn thất đối với hàng hóa của mình trong giao dịch ngoại thương; tập quán giao dịch ngoại thương của họ thường áp dụng các điều kiện giao hàng mà quyền mua bảo hiểm thuộc về đối tác. Ngoài ra, DN Việt Nam hiện còn ở thế yếu trước đối tác nên không giành được quyền mua bảo hiểm cho hàng hóa.
Ở Việt Nam, nhiều DN xuất khẩu vẫn áp dụng phương thức xuất khẩu theo FOB và nhập khẩu theo CIF. Thực tế này gây ảnh hưởng như thế nào đến các DN bảo hiểm trong nước, thưa ông?
Trong giao dịch thương mại quốc tế hiện nay, các DN xuất nhập khẩu thường áp dụng các điều kiện giao hàng mà quyền thu xếp bảo hiểm thuộc về đối tác. Nguyên nhân một phần có thể là do sức ép từ phía đối tác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của các DN bảo hiểm trong nước. Như vậy, thay vì đóng góp vào sự phát triển của ngành bảo hiểm Việt Nam, một bộ phận phí bảo hiểm hàng hóa được khai thác bởi các công ty bảo hiểm ở nước ngoài. Thêm vào đó, do không có nhu cầu từ các DN xuất nhập khẩu nên mảng nghiệp vụ bảo hiểm rất nhiều tiềm năng này vẫn còn đang bị bỏ ngỏ. Nhiều công ty bảo hiểm đã triển khai nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía khách hàng.
Nhận thức được tiềm năng của bảo hiểm hàng hóa, năm 2010 với định hướng "năm bảo hiểm hàng hóa", BIC đã lên kế hoạch thực hiện cho cả năm, từ khâu hướng dẫn khai thác, giám định bồi thường đến khâu tiếp thị quảng bá sản phẩm…, sao cho các khâu được kết nối nhịp nhàng, giảm thiểu thời gian cấp đơn, thời gian giải quyết bồi thường và đưa sản phẩm đến tay người có nhu cầu. Với sự chuẩn bị chu đáo này, doanh thu bảo hiểm hàng hóa của chúng tôi 8 tháng đầu năm 2010 đã tăng trưởng 89% so với cùng kỳ năm trước.
Ở nhiều nước trên thế giới, bảo hiểm tín dụng xuất nhập khẩu được khai thác thế nào, thưa ông?
Ở các nước phát triển, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu đã phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí ở một số nước còn thành lập các tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất nhập khẩu chuyên biệt. Châu Âu là khu vực có sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu với trên 80% thị phần doanh thu phí bảo hiểm tín dụng xuất khẩu toàn thế giới. Hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ở châu Âu phát triển ở một số quốc gia như Pháp, Hà Lan, Đức, Anh và Tây Ban Nha. Đến nay, thị trường thuộc sự kiểm soát của 3 tổ chức bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chủ chốt là Coface (Pháp), Atradius (Hà Lan) và Euler & Hermes (Đức) với hơn 80% thị phần toàn cầu.
Các quốc gia châu Á cũng đã đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này trong một thời gian dài để thúc đẩy xuất khẩu. Các nước phát triển mạnh nghiệp vụ bảo hiểm này gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều lập tổ chức tín dụng xuất khẩu chuyên biệt, ví dụ NEXI là một trong 10 tổ chức tín dụng xuất khẩu lớn nhất thế giới, ngoài lĩnh vực bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn, tổ chức này còn cung cấp sản phẩm bảo lãnh đầu tư và bảo hiểm tín dụng đầu tư cho hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản ở nước ngoài.
Thực tế hiện nay, ở Việt Nam không chỉ các DN chưa quan tâm đến bảo hiểm tín dụng mà ngay tại chính các DN bảo hiểm, sản phẩm này cũng chưa thực sự phát triển mạnh. Tại sao, thưa ông?
Vì sản phẩm này còn khá mới mẻ và chưa được nhiều DN xuất khẩu Việt Nam quan tâm và vẫn còn chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, theo tôi, với tốc độ phát triển rất nhanh của hoạt động xuất nhập khẩu nước ta thì chắc chắn trong những năm tới nghiệp vụ này sẽ có sự tăng trưởng ngoạn mục. Chúng tôi được biết Bộ Tài chính và Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề án thí điểm thúc đẩy nghiệp vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, đây là tiền đề để nghiệp vụ này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Gia Linh thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|