Thứ Hai, 23/08/2010 17:27

Công ty bảo hiểm “sợ” bảo hiểm nông nghiệp

Mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp với 70% dân số sống ở nông thôn nhưng loại hình bảo hiểm nông nghiệp hầu như chưa phát triển được. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, về việc vì sao bảo hiểm nông nghiệp khó triển khai tại Việt Nam.

Xin ông cho biết tỷ trọng của bảo hiểm nông nghiệp trong ngành bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam hiện nay?

- Ông Phùng Đắc Lộc: Doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là không đáng kể so với doanh thu phí bảo hiểm của toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Con số này của cả năm 2009 chỉ đạt 1,7 tỉ đồng so với 13.644 tỉ đồng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ; và 6 tháng đầu năm 2010 mới chỉ đạt 958 triệu đồng so với 8.241 tỉ đồng doanh thu phí toàn ngành.

Việt Nam hiện có 70% dân số gắn với nông nghiệp, tại sao bảo hiểm nông nghiệp lại không phát triển được, thưa ông?

- Triển khai bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn vì những lý do sau:

Thứ nhất, đây là loại bảo hiểm dành cho cơ thể sống mà cuộc sống thì phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên như khí hậu, đất đai. Ví dụ như vật nuôi chỉ cần thời tiết thay đổi một chút là có thể mắc bệnh, trong khi những vật khác như xe cộ thì không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên. Những đối tượng của bảo hiểm nông nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền, chế độ chăm sóc, chế độ bảo vệ, chế độ tiêm phòng… Tức là ngành chăn nuôi, trồng trọt cần có quy trình thật bài bản và nghiêm túc để đảm bảo năng suất. Thế nhưng, nông dân hiện nay chăn nuôi manh mún, không có quy chuẩn, một gia đình chỉ có vài sào ruộng, vài con lợn… thì làm sao mà bảo hiểm vì rủi ro quá cao.

Thứ hai, nếu có bảo hiểm thì do rủi ro quá cao nên phí bảo hiểm cũng sẽ cao, người nông dân không thể chịu được. Ngành sản xuất kinh doanh thì có giá thành sản phẩm để có thể tính toán doanh thu cụ thể, trong khi ngành nông nghiệp thì phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, mà nhiều khi được mùa lại vẫn mất giá. Người nông dân không thể tính toán được kết quả thu về bao nhiêu thì làm sao họ mạo hiểm chấp nhận trả thêm một khoản phí không nhỏ như phí bảo hiểm.

Thứ ba, chi phí quản lý của doanh nghiệp sẽ rất cao, vì nếu muốn làm bảo hiểm nông nghiệp thì phải có một quy trình quản lý cụ thể. Ít nhất mỗi thôn phải có một người của công ty thường trực, để hễ mưa quá thì tư vấn cho người dân chống úng, dịch bệnh xảy ra thì tư vấn phòng chống dịch bệnh… Thậm chí công ty bảo hiểm còn phải ứng tiền để phòng chống các trường hợp trên, như là một biện pháp để hạn chế rủi ro cho chính mình. Như vậy chi phí quản lý đối với doanh nghiệp sẽ rất cao. Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhưng chi phí quản lý quá cao nên họ không chịu nổi.

Cuối cùng là rủi ro về trục lợi khi thực hiện bảo hiểm nông nghiệp. Nông dân Việt Nam sống theo bản làng, tình làng nghĩa xóm lớn, vì vậy rủi ro họ không tố cáo nhau mà quay lại bảo vệ nhau để trục lợi là lớn. Ví dụ Công ty bảo hiểm Groupama của Pháp vào Việt Nam từ năm 2001 và triển khai bảo hiểm con gà, bảo hiểm chăn nuôi tôm cá tại đồng bằng sông Cửu Long. Họ nhập một loại vòng từ Pháp về để đeo vào chân những con gà được bảo hiểm, nhưng sau đó loại vòng này cũng được sản xuất ở quận 5 TPHCM, và người mua bảo hiểm mua loại vòng trên về đeo cho gà của mình. Bây giờ công ty này chỉ còn triển khai bảo hiểm nông nghiệp đối với các trang trại chứ còn bảo hiểm hộ gia đình thì “đầu hàng” rồi.

Chính phủ đã và đang có chủ trương hỗ trợ ngành nông nghiệp và người nông dân. Vậy Hiệp hội Bảo hiểm có cùng Chính phủ đưa ra giải pháp nào để giúp bảo hiểm cho nông dân trước những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh?

- Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập đề án bảo hiểm nông nghiệp thí điểm. Trong đó, bảo hiểm cây lúa được lựa chọn thí điểm tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp. Bảo hiểm trâu bò lợn gà thực hiện tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội. Bảo hiểm nuôi cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm thẻ chân trắng thì thí điểm ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Dự kiến Nhà nước sẽ hỗ trợ 80-90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và cá nhân nghèo, hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân và cá nhân không thuộc diện nghèo, và hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp như doanh nghiệp và hợp tác xã.

Đề án trên đã được Bộ Tài chính trình vào ngày 9-4-2010 và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề nan giải hiện nay là khó tìm được công ty tái bảo hiểm quốc tế chấp nhận phương án và mức phí như trong đề án. Nếu chỉ công ty trong nước làm thì không thể đền nổi khi chỉ cần lũ lụt tàn phá ngành nông nghiệp của cả một huyện, vì vậy phải tái bảo hiểm ra thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

Thủy Triều

tbktsg

Các tin tức khác

>   Bảo hiểm: Hấp dẫn mức lãi suất  (21/08/2010)

>   AIA Việt Nam khai trương văn phòng tại Phú Thọ (20/08/2010)

>   Gia tăng các doanh nghiệp hầu tòa do nợ bảo hiểm xã hội (20/08/2010)

>   Cơ quan nào chủ trì soạn thảo luật Bảo hiểm tiền gửi? (19/08/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: 6/10 yêu cầu bồi thường bị từ chối (19/08/2010)

>   Nhiều người Việt mua bảo hiểm triệu đô (17/08/2010)

>   Bảo hiểm 6 tháng đầu năm: Những gam màu tối (16/08/2010)

>   Ngôi đầu doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ có chủ mới: PVI (14/08/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “lấn sân”  (14/08/2010)

>   Một người Việt mua bảo hiểm nhân thọ gần 2 triệu USD (13/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật