Thứ Sáu, 20/08/2010 10:10

Gia tăng các doanh nghiệp hầu tòa do nợ bảo hiểm xã hội

Chây ỳ, nợ đọng, thậm chí là trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đã là thực tế phổ biến nhiều năm qua mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có cách nào giải quyết dứt điểm. Kiện ra tòa là biện pháp mạnh cuối cùng mà cơ quan bảo hiểm buộc phải thực hiện đối với các DN nợ BHXH kéo dài và năm 2010 sẽ là năm được ghi nhận có nhiều DN phải “hầu tòa”.

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, đến hết tháng 7/2010, đã có 106 doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô nợ đọng bảo hiểm xã hội với tổng số tiền lên đến trên 84 tỷ đồng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn nợ đọng với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Phần lớn các DN này thuộc lĩnh vực giao thông, xây dựng, dệt may, có DN nợ tới 8 tỷ đồng,

Tại Hải Phòng, đến hết quý 2/2010, vẫn còn 149 đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 152 tỷ đồng còn trên địa bàn tỉnh Hà Nam tính đến cuối tháng 7/2010 số nợ đọng BHXH là gần 20 tỷ đồng; tại Đà Nẵng là 44,8 tỷ đồng…

Ở hầu hết các địa phương trong cả nước đều có DN nợ BHXH, ít thì vài chục triệu, nhiều thì vài trăm triệu tới hàng chục tỷ đồng. Nguyên nhân chính của việc các DN chây ỳ với trách nhiệm đóng bảo hiểm cho người lao động, theo cơ quan Bảo hiểm xã hội Hà Nội là do nhiều doanh nghiệp đã đến kỳ quyết toán nhưng không chịu dồn tiền trả nợ bảo hiểm xã hội cho người lao động, tháng sau chồng lên tháng trước; mức tính lãi chậm đóng BHXH vẫn còn thấp hơn so với lãi vay ngân hàng nên một số doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH để sản xuất kinh doanh. Nhưng theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội là do người sử dụng lao động luôn tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động để làm việc khác. Để dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật lao động của doanh nghiệp về bảo hiểm xã hội nói trên, chung quy cũng do chế tài và mức xử phạt vi phạm còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Ông Trần Đình Liệu- Trưởng Ban Thu- BHXH Việt Nam- cho biết: Sau 7 tháng, tiến độ thu BHXH trên cả nước còn chậm, nhất là tại những đia phương lớn, điều này đồng nghĩa với việc nợ đang gia tăng, trong đó nợ từ 3 đến dưới 6 tháng chiếm 14,8%; nợ từ 6 đến dưới 12 tháng chiếm 11,2%. Đặc biệt, trong cả nước có tới 5.325 đơn vị doanh nghiệp nợ BHXH trên 12 tháng với số nợ 652,6 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng số nợ. Trong đó, tại TP.Hồ Chí Minh có 2.217 đơn vị, Hà Nội có 1.150 đơn vị, Bà Rịa- Vũng Tàu có 204 đơn vị, Đà Nẵng 151 đơn vị, Bình Dương có 114 đơn vị.

Gặp nhau tại tòa

Năm 2009, nhiều DN nợ BHXH đã phải hầu tòa mới chịu bỏ tiền ra đóng bảo hiểm cho người lao động. Đơn cử như tại Bình Dương, năm 2009 cơ quan BHXH tại đây đã tiến hành khởi kiện ra tòa 4 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, kết quả 1 đơn vị đã thanh toán nợ, 3 đơn vị còn lại đang thi hành án. 6 tháng đầu năm 2010 BHXH Bình Dương tiếp tục khởi kiện 7 doanh nghiệp nợ BHXH. Cuối năm 2009, BHXH Đà Nẵng cũng đã khởi kiện 4 doanh nghiệp. Sau khi Toà án tiến hành hòa giải, Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng đã thanh toán 1,5 tỷ đồng và cam kết không tái phạm; Công ty Lilama 7 cũng nộp ngay 500 triệu đồng; Công ty môi trường đô thị đã chuyển hơn 1 tỷ đồng, đồng thời cam kết sẽ không để nợ quá 1 tháng… Tuy nhiên những tháng đầu năm 2010 vẫn còn nhiều DN khác chây ỳ trong việc đóng bảo hiểm buộc cơ quan BHXH Đà Nẵng tiếp tục phải đưa DN ra tòa để đòi tiền, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tương tự, đến hết tháng 7/2010, BHXH Hải Phòng đã khởi kiện 28 đơn vị, thu hồi 1,7/6,1 tỷ đồng nợ đọng.

Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng cho biết, trước những tồn tại trên, trong tháng 8/2010, BHXH Việt Nam sẽ trực tiếp đến làm việc, tìm hiểu nguyên nhân, đề ra biện pháp đôn đốc thu và truy thu BHXH tại những tỉnh, thành phố có số thu lớn nhưng tỷ lệ nợ đọng lớn và tiến độ thu đạt chậm, trước mắt là các địa phương như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa- Vũng Tàu. Bên cạnh việc thành lập tổ thu nợ, BHXH các địa phương có số nợ cao sẽ quyết liệt, tích cực kiện ra tòa những doanh nghiệp cố tình chiếm dụng, chây ỳ nợ đọng BHXH.

Gia Huy

Công Thương

Các tin tức khác

>   Cơ quan nào chủ trì soạn thảo luật Bảo hiểm tiền gửi? (19/08/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ: 6/10 yêu cầu bồi thường bị từ chối (19/08/2010)

>   Nhiều người Việt mua bảo hiểm triệu đô (17/08/2010)

>   Bảo hiểm 6 tháng đầu năm: Những gam màu tối (16/08/2010)

>   Ngôi đầu doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ có chủ mới: PVI (14/08/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “lấn sân”  (14/08/2010)

>   Một người Việt mua bảo hiểm nhân thọ gần 2 triệu USD (13/08/2010)

>   Cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bảo hiểm 2010  (12/08/2010)

>   Bảo hiểm tiền gửi và chuyện 'giải cứu niềm tin' khi vỡ quỹ tín dụng (10/08/2010)

>   "Nở rộ" mô hình siêu thị bảo hiểm - tài chính (10/08/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật