Bảo hiểm tiền gửi và chuyện 'giải cứu niềm tin' khi vỡ quỹ tín dụng
Đi xe đò 2 tiếng từ thị xã Rạch Giá tỉnh Kiên Giang, chúng tôi đến xã Đông Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, nơi mà bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã thực hiện việc chi trả tiền gửi khi QTDND Vĩnh Phong bị đổ vỡ.
Qua những câu chuyện, những mảnh đời, những hoàn cảnh của người gửi tiền và người dân nơi đây, mới thấy được ý nghĩa của chính sách BHTG đặc biệt với vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Đồng thời, những bộc lộ niềm tin, khát vọng, mong muốn của họ đối với chính sách BHTG có lẽ cũng là điều không thể bỏ qua đối với những nhà hoạch định chính sách.
Hành trình giải cứu niềm tin
Xã Đông Phong là một trong những xã nghèo của huyện Vĩnh Thuận. Đa số người dân nơi đây sống bằng nghề nông và nuôi trồng thủy sản. "Thu nhập của bà con cũng khá thất thường và phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết. Các hộ dân ở đây thông thường là chỉ đủ ăn và số tiền tích cóp được không nhiều", ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Phương cho chúng tôi biết.
Tại khu vực chợ trung tâm của xã, gọi là chợ nhưng thực chất chỉ là một số lều quán nhỏ chủ yếu bán đồ nông sản, thực phẩm thiết yếu như gạo, rau, quả, nước sạch... Nhìn sự vắng vẻ cũng như những mặt hàng được bán ở đây có thể cảm nhận được sự lam lũ, vất vả của những người lao động trên địa bàn.
Chị Lan, một người bán hàng ở chợ cho biết: "Em bán hàng từ sáng đến chiều ngày nào may mắn thì lãi được 10 nghìn đồng". Điều đó khẳng định rằng thậm chí số tiền họ gửi vào tổ chức tín dụng chỉ là vài triệu đồng thì đó cũng là một tài sản lớn đối với những người dân và thậm chí họ phải tích lũy trong một khoảng thời gian dài.
Nằm ở trung tâm xã, đối diện ra chợ là QTD ND Vĩnh Phong. QTDND Vĩnh Phong được thành lập và hoạt động theo Giấy phép số 42/NH-GP ngày 20/12/1996 do Giám đốc NHNN tỉnh Kiên Giang cấp, trụ sở làm việc tại xã Vĩnh Phong (nay là xã Đông Phong), huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Chúng tôi đến QTDND Vĩnh Phong đã đóng cửa và dấu tích của những ngày hoạt động chỉ là một số bàn ghế cũng như những biển hiệu cũ kỹ liên quan đến hoạt động của Quỹ như "Quầy thu ngân", "Phòng kế toán"... Còn ngôi nhà từng là trụ sở của QTD cũng đang là tài sản chờ thanh lý. Quỹ đã đổ vỡ. Đó là hậu quả của việc hoạt động thua lỗ, không có khả năng phục hồi trong thời gian giám sát đặc biệt.
Ngày 26/12/2008 UBND tỉnh Kiên Giang có công văn số 3125/VP-KTTH về việc giải thể QTDND Vĩnh Phong. Cùng ngày hôm đó, Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Kiên Giang ký Quyết định số 172/QĐ-KGI thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của QTDND Vĩnh Phong.
Ngày 31/12/2008, QTDND Vĩnh Phong có tờ trình số 01/HĐQT-QTDVP về việc đề nghị BHTGVN chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Sau khi nhận được văn bản và bộ hồ sơ, Chi nhánh thành lập đoàn kiểm tra xác định số dư tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm đồng thời lập phương án chi trả trình Chủ tịch HĐQTBHTGVN phê duyệt.
Ngày 20/02/2009 Chủ tịch HĐQT BHTGVN có Quyết định số 07/2009/QĐ-HĐQT phê duyệt phương án chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại QTDND Vĩnh Phong cho 10 người gửi tiền với số tiền chi trả hơn 300 triệu đồng.
Đó có thể là số tiền không lớn nhưng điều quan trọng là tạo được tâm lý yên tâm cho người gửi tiền. Tiếp xúc với chúng tôi tại nhà riêng với niềm tin phấn khởi, anh Nguyễn Văn Phán một người gửi tiền cho biết: "Tôi rất vui vì đã nhận được tiền gửi của mình khi QTDND Vĩnh Phong bị đổ vỡ. Đó là số tiền gia đình tôi tích lũy trong nhiều năm. Nếu không có tổ chức BHTGVN thì có lẽ tôi đã mất trắng số tiền đó rồi".
Được hỏi về phản ứng của người dân nơi đây khi thông tin QTDND Vĩnh Phong bị đổ vỡ, ông Chủ tịch xã cho biết: "Vì đã được tuyên truyền, tổ chức BHTGVN sẽ đứng ra đảm bảo tiền gửi cho dân khi QTD bị đổ vỡ và tiền gửi được bảo toàn nên họ rất yên tâm. Nếu không có tổ chức BHTGVN thì có lẽ tình hình sẽ rất phức tạp, thậm chí người dân gửi tiền ở các QTD khác cũng đua nhau đi rút tiền và có thể gây ra đổ vỡ dây chuyền".
Tính đến thời điểm hiện nay, BHTGVN đã thực hiện chi trả cho hơn 1500 người gửi tiền tại hơn 30 quỹ tín dụng trên nhiều tỉnh thành của các nước bị đổ vỡ với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Trước đây khi chưa có tổ chức BHTGVN sự đổ vỡ tín dụng trên địa bàn không những làm cho người dân mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng mà còn gây ra những bất ổn về mặt chính trị, xã hội vì người dân tụ tập kéo đến quỹ tín dụng để đòi tiền.
Nhiều người đặt câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có sự xử lý kịp thời thông qua việc chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Có thể nói tổ chức BHTGVN có vai trò quan trọng trong hành trình giải cứu niềm tin.Tuy nhiên, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm tiền gửi đã vượt qua nhiều ý nghĩa chi trả đơn thuần.
Niềm tin thay đổi thói quen sử dụng "tín dụng đen"
Điều quan trọng hơn là BHTGVN đã góp phần làm thay đổi thói quen tín dụng không tốt ở địa phương. Nhiều người đặt câu hỏi, khi nhận tiền từ tổ chức BHTGVN thì tiền gửi đó có quay trở lại với hệ thống ngân hàng nữa không hay tham gia vào thị trường “tín dụng đen".
Khi tìm hiểu, chúng tôi được biết, một số nơi ở khu vực ĐBSCL nói chung và khu vực xã Đông Phong nói riêng, hiện tượng cho vay nặng lãi, chơi hụi, họ vẫn còn diễn ra. Hiện tượng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của dân, thậm chí gây ra bất ổn xã hội vì không ít trường hợp đã xảy ra vỡ nợ hoặc người dân chịu thiệt thòi nhiều. Khi đó không ai đứng ra bảo vệ được quyền lợi cho người dân. Với trình độ nhận thức chưa cao, thêm vào đó nếu người dân không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng thì sẽ thúc đẩy họ tham gia vào thị trường "tín dụng đen".
Khi người dân biết được tiền gửi của họ luôn được Nhà nước bảo vệ thông qua tổ chức BHTGVN thì họ sẽ thay đổi hành động của mình: "Tôi nhận tiền được bảo hiểm về khi QTDND Vĩnh Phong bị đổ vỡ, tôi lại gửi vào QTDND ở xã bên cạnh. Nếu không có tổ chức BHTGVN có lẽ tôi sẽ cho vay ở bên ngoài với lãi suất cao hơn hoặc tham gia chơi họ" - anh Phán đã nói với chúng tôi khi được hỏi về việc anh sẽ làm gì với số tiền anh nhận về từ tổ chức BHTG.
Như vậy, chính sách BHTG còn góp phần làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, thúc đẩy nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào hệ thống ngân hàng để phục vụ phát triển đất nước.
Chính sách BHTG hiện tại đã mang lại lợi ích thiết thực cho những người dân nơi đây, tuy nhiên họ vẫn có những suy nghĩ riêng và mong muốn được các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến ý kiến của họ.
Đại diện cho người gửi tiền, ông chủ tịch xã cho biết: "Đông Phong là một xã nghèo, tuy nhiên nếu xét trên diện rộng thì với hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm tối đa là 50 triệu đồng là thấp và cần phải nâng cao hạn mức để tăng thêm lòng tin của người dân”.
“Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sửa đổi quy định hiện tại về việc thanh lý tổ chức tín dụng bị giải thể để đảm bảo hoạt động hiệu quả và khả thi của Hội đồng thanh lý. Vì trên thực tế hiện nay hoạt động của các Hội đồng thanh lý chỉ mang tính hình thức và không có cơ chế xử lý phù hợp với tình hình thực tiễn". Việc xây dựng Luật BHTG là hết sức cần thiết vì đó là cơ sở để giải quyết bài toán về bất cập chính sách BHTG đang tồn tại.
Thúy Sen
Vietnamnet
|