Bài học từ vụ 19 doanh nghiệp bảo hiểm bị phạt
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) với hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp (DN) có thể phải chịu một mức phạt khá nặng.
Trả giá cho “bắt tay” trái luật
Như Báo Đầu tư đã đưa tin, 19 DN bảo hiểm tại Việt Nam mới bị Hội đồng Cạnh tranh xử phạt vì hành vi thỏa thuận về biểu phí cũng như công thức tính phí bảo hiểm với xe cơ giới.
Sau thời gian dài điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh đã kết luận, các DN này đã vi phạm Luật Cạnh tranh khi có hành vi thỏa thuận về biểu phí cũng như công thức tính phí bảo hiểm và đề xuất mức phạt là 0,1% doanh thu của DN năm trước đó. Tuy nhiên, mức phạt cuối cùng được Hội đồng Cạnh tranh đưa ra với 19 DN nói trên chỉ là 0,025% doanh thu năm trước đó của các DN.
Liên quan đến mức phạt mà Hội đồng Cạnh tranh áp dụng với các DN vi phạm, có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tựu trung, các chuyên gia nhận xét rằng, nếu DN không tỉnh táo và vi phạm luật trong kinh doanh thì tác hại sẽ rất lớn.
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, trong số các hành vi bị cấm thì hành vi hạn chế cạnh tranh mà các DN gây ra trên thị trường là nghiêm trọng nhất, theo quy định của Luật Cạnh tranh, thường bị xử phạt rất nặng.
“Theo nguyên tắc nền kinh tế thị trường, các DN phải cạnh tranh để tạo ra cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phù hợp với yêu cầu của họ. Nếu các DN “bắt tay” nhau, hạn chế cạnh tranh thì sẽ bị xử phạt để trả lại cho thị trường sự minh bạch”, ông Mừng lý giải.
Giải thích cho việc chỉ đề xuất mức xử phạt là 0,1% doanh thu của các DN bảo hiểm, ông Mừng cho rằng, các DN vi phạm có một số tình tiết giảm nhẹ. “Các DN lần đầu vi phạm Luật Cạnh tranh, do mới chỉ kinh doanh theo luật chuyên ngành mà chưa hiểu đầy đủ Luật Cạnh tranh. Hầu hết các DN đã hợp tác tốt trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện điều tra. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện thỏa thuận là ngắn (hơn 50 ngày), nên chưa gây ra hậu quả lớn”, ông Mừng giải thích. Vị quan chức này cũng chỉ ra rằng, mức xử phạt mà Cục Quản lý cạnh tranh đề xuất là thấp, nếu so với hành vi sai phạm nghiêm trọng mà các DN mắc phải.
Đại diện một số DN bảo hiểm lập luận rằng, động cơ của DN khi thực hiện thỏa thuận nói trên là tốt, nhằm ổn định thị trường và do vô tình vi phạm luật, nên họ không đáng bị xử phạt. Song, từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định rằng, thực chất của việc thỏa thuận là triệt tiêu cạnh tranh, các DN “bắt tay” nhau để giữ thị phần là hành vi đáng bị xử phạt. Hơn nữa, theo quy định của Luật Cạnh tranh, chỉ cần DN vi phạm khi thực hiện hành vi bị cấm là đã bị xử phạt rồi, chứ không nhất thiết hành vi đó đã gây ra hậu quả hay chưa.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi tham gia thị trường, các DN cần tuân thủ luật chung trước khi theo luật chuyên ngành. Và trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì việc nghiên cứu và hiểu sâu sắc Luật Cạnh tranh là hết sức cần thiết.
Cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, Luật Cạnh tranh không chỉ mới với các DN Việt Nam, mà còn rất mới mẻ ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, việc tuyên truyền các quy định của Luật này và các văn bản pháp quy có liên quan tới các DN vẫn còn hạn chế. Thừa nhận điều này, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, sẽ tăng cường hơn công tác tuyên truyền trong thời gian tới để DN tránh được những vi phạm đáng tiếc.
Một thông tin đáng chú ý trong cuộc điều tra mà Cục Quản lý Cạnh tranh tiến hành là Công ty TNHH bảo hiểm Samsung Vina là một trong số ít DN chưa hợp tác nhiều với cơ quan chức năng. Ông Bạch Văn Mừng cho rằng, với những vi phạm của mình, tình tiết được coi là giảm nhẹ với DN là hợp tác tốt với cơ quan chức năng trong quá trình cơ quan này tiến hành điều tra.
Vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các DN hoạt động trong những lĩnh vực khác rằng, khi có bất cứ động thái nào liên quan tới sản xuất - kinh doanh, liên quan tới thị trường thì cần phải nghiên cứu kỹ luật pháp. Bởi, trong trường hợp 19 DN bảo hiểm nói trên mà bị xử phạt đúng theo Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn, thì chắc chắn, các DN này sẽ bị thiệt hại về tài chính và uy tín với khách hàng, và thị trường sẽ bị sứt mẻ.
Duy Đông
Đầu tư
|