Phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm: “Mang tính chất cảnh báo”
Trong quyết định xử phạt 19 doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận ấn định giá dịch vụ đã có xem xét tình tiết giảm nhẹ và chủ yếu mang tính chất cảnh báo.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa phát đi thông cáo về việc điều tra xử lý vụ việc thỏa thuận của 19 doanh nghiệp bảo hiểm.
Thông cáo cho biết, Cục Quản lý cạnh tranh đã kết thúc điều tra vụ việc liên quan đến việc 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thỏa thuận ấn định giá dịch vụ bảo hiểm vật chất xe ôtô. Trên cơ sở kết luận điều tra, 19 doanh nghiệp này bị tuyên phạt với tổng mức phạt trên 1,7 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 15/9/2008, tại hội nghị các tổng giám đốc bảo hiểm phi nhân thọ lần thứ 6, 19 doanh nghiệp bảo hiểm đã tham gia ký các bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tàu biển, bảo hiểm xe cơ giới và điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ôtô…
Trên cơ sở thu thập và đánh giá các thông tin ban đầu về hội nghị trên, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 86 của Luật Cạnh tranh, ngày 18/11/2008, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra để làm rõ vụ việc liên quan đến những thỏa thuận của 19 doanh nghiệp này.
Sau hơn một năm điều tra, ngày 29/4/2010, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ký kết luận điều tra với kết luận: 19 doanh nghiệp bảo hiểm trên tổng số 25 doanh nghiệp bảo hiểm tại thời điểm điều tra đã ký kết “Bản thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới” và “Điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ôtô”.
Thị phần kết hợp của 19 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thỏa thuận chiếm tới 99,79% trên thị trường bảo hiểm vật chất xe ôtô tại Việt Nam; các nội dung thỏa thuận do 19 doanh nghiệp bị điều tra ký kết để thực hiện là hành vi thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hay gián tiếp quy định tại Khoản 1, Điều 8, Luật Cạnh tranh.
“Hành vi thoả thuận nêu trên của 19 doanh nghiệp bảo hiểm là hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 9 của Luật Cạnh tranh về các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm do thị phần kết hợp của 19 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thỏa thuận vượt quá ngưỡng 30% trên thị trường dịch vụ bảo hiểm vật chất xe ôtô tại Việt Nam”, Cục Quản lý cạnh tranh kết luận.
Và ngày 29/7/2010, trên cơ sở kết luận điều tra nói trên, 19 doanh nghiệp bảo hiểm bị điều tra đã bị tuyên phạt với mức phạt tương đương 0,025% tổng doanh thu của năm tài chính 2007. Tổng số tiền phạt trên 1.7 tỷ đồng. Ngoài ra, 19 doanh nghiệp này phải chịu phí xử lý vụ việc cạnh tranh là 100 triệu đồng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, trong các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cần được coi là hành vi có nguy hiểm nhất cho môi trường cạnh tranh và phải bị xử lý nghiêm khắc.
Trên thế giới, nhiều nước xử lý các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bằng hình thức phạt tù kèm theo phạt tiền. Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh phải chịu mức phạt tiền cao nhất lên tới 10% tổng doanh thu của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
“Trong vụ việc thỏa thuận ấn định giá dịch vụ bảo hiểm vật chất xe ôtô của 19 doanh nghiệp bảo hiểm, căn cứ các tình tiết giảm nhẹ theo đề nghị của Cục Quản lý cạnh tranh, do đây là vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đầu tiên được thực hiện khi nhận thức về pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm chưa cao, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã chọn mức xử phạt mang tính chất cảnh báo”, thông cáo của cơ quan này cho biết.
Thùy Duyên
tbktvn
|