Chủ Nhật, 25/07/2010 11:05

Bảo hiểm phi nhân thọ tìm “cú hích”

Cùng với nhận thức của người dân cũng như các NĐT về ngành bảo hiểm phi nhân thọ còn hạn chế thì kết quả kinh doanh không mấy khả quan thời gian trước đã khiến các cổ phiếu bảo hiểm không thật sự hấp dẫn.

Hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ gần như không mang lại khoản lợi nhuận đáng kể nào cho các DN, do chi phí bồi thường cao. Lợi nhuận của DN bảo hiểm vẫn tập trung vào hoạt động đầu tư, trong đó chủ yếu là đầu tư vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, câu chuyện khó khăn của ngành bảo hiểm năm 2009 đã khép lại. Cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, các DN ngành này đang tìm kiếm lực bẩy để tạo đà tăng trưởng.

Năm 2010, ngành bảo hiểm có nhiều yếu tố kinh tế hỗ trợ để nhu cầu tăng trưởng trở lại. Bên cạnh đó, thị trường đầu tư cũng gợi mở nhiều cơ hội. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ đã có những bước chuẩn bị và lên kế hoạch cho năm 2010. Vừa qua, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) thu về 1.800 tỷ đồng từ vụ phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Ngân hàng HSBC (nâng mức nắm giữ của HSBC tại BVH lên 18%). Như vậy, tập đoàn này đã có đủ tiềm lực tài chính cho mục tiêu tăng trưởng 13,5% trong năm 2010.

Với đích đến là tăng trưởng 16% trong năm nay, Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược, tăng vốn từ 1.035 tỷ đồng lên gần 1.600 tỷ đồng.

Năm 2010, các DN cũng đã từng bước thay đổi chiến lược kinh doanh, nhắm đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Hầu hết DN đều đang rốt ráo thực hiện kế hoạch tái cấu trúc DN theo hướng tinh gọn, nhưng hiệu quả, nhằm tiết kiệm chi phí quản lý; thực hiện cơ chế giao khoán chi phí kinh doanh để giảm thiểu chi phí bán hàng; tăng cường công tác quản lý rủi ro, từ chối bảo hiểm đối với những nghiệp vụ có độ rủi ro quá cao; chuyển hướng sang các sản phẩm tương đối mới như bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm trách nhiệm, các sản phẩm bảo hiểm trọn gói, bảo hiểm tài chính, bảo hiểm y tế, du lịch; tăng cường đầu tư cho việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin…

Ước tính, qua 6 tháng đầu năm 2010, PVI đạt tổng doanh thu 2.500 tỷ đồng, hoàn thành 121% kế hoạch 6 tháng, bằng 69,5% kế hoạch năm và tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận đạt 195 tỷ đồng, hoàn thành 102% kế hoạch 6 tháng, bằng 59,1% kế hoạch năm và tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động bảo hiểm gốc của PVI thực sự ấn tượng, với doanh thu 6 tháng hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và đạt hơn 65% kế hoạch năm. Hoạt động tái bảo hiểm cũng tăng trưởng cao, với doanh thu gần 200 tỷ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ năm trước (trong đó hoạt động nhận tái bảo hiểm đạt 126 tỷ đồng, tăng 82%). Hoạt động đầu tư tài chính của PVI đạt 270 tỷ đồng doanh thu, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), tính riêng quý II/2010, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 16,2%. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc là 1.064 tỷ đồng, tăng 16,8%; doanh thu nhận tái bảo hiểm là 86 tỷ đồng, tăng 9,3%; doanh thu hoạt động tài chính là 150 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, tỷ lệ bồi thường có xu hướng giảm ở tất cả các nhóm nghiệp vụ của Bảo Minh. Tất cả các nhóm nghiệp vụ đều có tỷ lệ bồi thường/doanh thu thấp hơn năm trước: hàng hải 22% (cùng kỳ 31,2%), tài sản 15,7% (cùng kỳ 31%), xe cơ giới 49,1% (cùng kỳ 54,7%), con người 61,7% (cùng kỳ 62,4%), nhận tái bảo hiểm 38% (cùng kỳ 46,6%)…

Đối với Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), tổng doanh thu toàn Công ty trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 346,146 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2009; lợi nhuận từ kinh doanh bảo hiểm đạt 8,889 tỷ đồng, lợi nhuận từ đầu tư tài chính đạt 27,046 tỷ đồng. BIC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm năm 2010 là 35,2%. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng dự kiến là 30,2%.

Tuy hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, nhưng theo đánh giá của CTCK Phố Wall, lĩnh vực kinh doanh này có nhiều khả năng tăng trưởng trong năm 2010.

Mặc dù vậy, việc đầu tư vào cổ phiếu ngành bảo hiểm phải tính tới yếu tố dài hạn, chứ không nên "lướt sóng" như nhiều ngành kinh doanh khác. Thực tế cho thấy, giá cổ phiếu nhóm ngành này không có đột biến, dù kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan.

Gia Linh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Cathay Life Việt Nam đạt doanh thu gần 51 tỷ đồng (24/07/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ đón nhận nhiều khách VIP (17/07/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ “tăng tốc” cuối năm (15/07/2010)

>   Mưa lớn khiến bảo hiểm xe hơi thiệt hại nhiều tỷ đồng (13/07/2010)

>   Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (13/07/2010)

>   Sản phẩm bảo hiểm “made in Vietnam”: Bao giờ phong phú hơn? (13/07/2010)

>   Thách thức trong kinh doanh bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt (10/07/2010)

>   Khó như… tuyển đại lý bảo hiểm! (08/07/2010)

>   Doanh nghiệp và công ty bảo hiểm: Cùng “đùa với lửa” (07/07/2010)

>   DN nội gia nhập lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: Không dễ!  (03/07/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật