Thứ Tư, 07/07/2010 13:34

Doanh nghiệp và công ty bảo hiểm: Cùng “đùa với lửa”

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn khá hờ hững với bảo hiểm hoả hoạn, trong khi nhiều công ty bảo hiểm thì cạnh tranh bất chấp rủi ro.

Tại Hội thảo “Bảo hiểm hoả hoạn và rủi ro đặc biệt – Gián đoạn kinh doanh” vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 5/7, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở sử dụng vốn nhà nước, chưa tích cực tham gia bảo hiểm hoả hoạn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là pháp luật chưa có chế tài xử phạt, ràng buộc trách nhiệm đối với lãnh đạo các cơ quan nhà nước khi có sự cố, hoả hoạn xảy ra tại cơ quan đó. “Chẳng hạn, trong trường hợp cơ quan có xảy ra cháy nổ, thiệt hại tài sản, chưa có cơ chế bắt buộc lãnh đạo cơ quan đó phải bỏ tiền ra đền”, ông Lộc nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia bảo hiểm hoả hoạn giúp các cơ quan, doanh nghiệp đảm bảo an toàn nguồn vốn, cũng như tài sản cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, hạn chế tối đa mức ảnh hưởng của các rủi ro đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi hoạt động nếu xảy ra rủi ro hoả hoạn.

Ở Việt Nam, bảo hiểm hoả hoạn bắt đầu được thực hiện từ năm 1989, sau khi có Quyết định số 06/TCQĐ ngày 17/1/1989 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy tắc về bảo hiểm hoả hoạn. Đến nay, do sự tối ưu của bảo hiểm hoả hoạn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 8/11/2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, đến cuối năm 2009, trong số hơn 30.000 cơ sở thuộc diện quy định, chỉ có hơn 15% tham gia mua bảo hiểm bắt buộc. Nếu tính cả những trường hợp mua bảo hiểm tự nguyện, tỷ lệ này cũng chỉ vào khoảng 42%.

Theo ông Trần Thanh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm (Bộ Tài chính), ngoài số lượng cơ sở tham gia bảo hiểm cháy nổ còn rất khiêm tốn, công tác phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng chưa chặt chẽ.

Trong phần lớn các vụ hoả hoạn, việc xác định nguyên nhân cháy nổ để xử lý bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm phụ thuộc vào kết quả xác định của cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, biên bản xác định nguyên nhân chỉ dừng ở kết luận khá chung chung như chập điện chẳng hạn. Trong khi đó, việc xác định bồi thường đôi khi đòi hỏi chi tiết hơn, như chập điện do chủ quan hay khách quan…

Ông Phùng Đắc Lộc còn cho rằng, ngoài những vấn đề khách quan từ thị trường, từ hệ thống pháp luật…, bản thân hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa thực sự chuyên nghiệp. Theo đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp đẩy phí bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp xuống quá thấp, không đảm bảo an toàn cho… chính công ty bảo hiểm. Thậm chí, để có được hợp đồng với khách hàng, một số doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận “khuyến mại” cả những nội dung bảo hiểm khác trong hợp đồng. “Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ôm quá nhiều rủi ro về mình và đây là một thực trạng không bền vững của thị trường”, ông Lộc nói.

Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải đối mặt với một rủi ro lớn trong kinh doanh là tình trạng trục lợi bảo hiểm. Hiện nay, hệ thống pháp luật cũng chưa có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, nên nạn trục lợi tràn lan trở thành mối đe doạ đối với an toàn trong kinh doanh của chính các công ty bảo hiểm.

“Do trục lợi bảo hiểm chưa bị coi là tội phạm hình sự ở Việt Nam, nên tình trạng này cứ diễn ra, nếu có bị phát hiện thì cùng lắm cũng… hoà cả làng, không ai sao cả”, ông Lộc nói và cho biết, nếu việc trục lợi không bị phát hiện, thì doanh nghiệp bảo hiểm cứ thế bỏ tiền ra bồi thường, dẫn đến chi phí bồi thường bị đội lên, gây ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.

Chí Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   DN nội gia nhập lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ: Không dễ!  (03/07/2010)

>   Đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp giữ lại 2% tiền đóng BHXH (01/07/2010)

>   Nhân sự bảo hiểm: “Mùa thu thay lá” (01/07/2010)

>   Bảo hiểm Bưu điện hợp tác toàn diện với Mai Linh (30/06/2010)

>   Phát triển kênh bán bảo hiểm: Mỗi “nhà” một hướng (24/06/2010)

>   Manulife Việt Nam giữ vị trí thứ 3 trong thị trường bảo hiểm nhân thọ (23/06/2010)

>   Bảo hiểm nhân thọ sẽ đón nhận những “chiến binh” mới (22/06/2010)

>   AIA Việt Nam triển khai chương trình kiểm tra sức khỏe tài chính (21/06/2010)

>   Bảo hiểm phi nhân thọ : Cần một sân chơi bình đẳng (20/06/2010)

>   Bảo hiểm nông nghiệp, cần cam kết của cả "ba nhà" (17/06/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật