Bảo hiểm nông nghiệp, cần cam kết của cả "ba nhà"
Sau một thời gian chuẩn bị, Bộ Tài chính vừa hoàn thành và trình Chính phủ Đề án chi tiết thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN). Trên cơ sở nghiên cứu BHNN tại các nước, thực tiễn triển khai tại Việt Nam trong thời gian qua…, Đề án đã nỗ lực giải quyết những vấn đề của 3 chủ thể chính khi tham gia triển khai chủ trương này: người mua (nông dân), người bán (DN bảo hiểm) và Nhà nước.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất của đề án kể trên là đề xuất hỗ trợ 80 - 90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân (không thuộc diện nghèo) sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm loại hình bảo hiểm này.
Vẫn theo Đề án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ có hướng dẫn chi tiết về đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm và có giải pháp hỗ trợ DN bảo hiểm đối với trường hợp thiệt hại về thiên tai, dịch bệnh lớn, mang tính thảm họa, vượt quá khả năng chi trả của các DN. Nguồn lực để hỗ trợ sẽ là ngân sách trung ương hỗ trợ 100% cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương. Ngân sách trung ương hỗ trợ 50% cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% còn lại. Các địa phương còn lại thì ngân sách địa phương đảm bảo. Hàng quý, trên cơ sở báo cáo của DN bảo hiểm về việc ký hợp đồng bảo hiểm và đã thu được phần phí bảo hiểm của tổ chức, hộ nông dân, cá nhân sản xuất nông nghiệp đóng góp, ngân sách sẽ cấp kinh phí đối với phần phí bảo hiểm do ngân sách hỗ trợ cho DN bảo hiểm.
Theo các DN, nếu Nhà nước hỗ trợ phí thì đã giải quyết một phần rất quan trọng trong việc triển khai BHNN hiện nay. Thay vì hỗ trợ tiền mỗi khi thiên tai xảy ra, việc hỗ trợ phí bảo hiểm giải quyết vấn đề xử lý hậu quả rủi ro triệt để hơn.
Để triển khai thí điểm, các DN bảo hiểm phải đảm bảo có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng khả năng thanh toán theo quy định, có hệ thống chi nhánh, văn phòng giao dịch, cơ sở, địa điểm kinh doanh tại địa bàn được hỗ trợ; có đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm và hiểu biết về BHNN.
Trong quá khứ, việc triển khai BHNN đã có không ít khó khăn. Theo các chuyên gia tính toán rủi ro, có 3 loại rủi ro chính trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là: rủi ro thị trường (rủi ro về giá cả, rủi ro lạm phát), rủi ro gián tiếp (đất đai bị đô thị hóa, rủi ro bảo quản) và rủi ro trực tiếp (trong quá trình sản xuất nông nghiệp bị thiên tai). Ngoài ra, người nông dân cũng có thể chịu những rủi ro liên quan đến sức khoẻ như ốm đau, tai nạn...; rủi ro liên quan đến tài sản như bị trộm cắp, cháy nổ, thiệt hại đối với máy móc, vật nuôi... Trong khi đó, việc khai thác bảo hiểm sẽ có những khó khăn như tập quán sản xuất, nuôi trồng của nông dân manh mún, thiếu các phương pháp nuôi trồng chuẩn, trong khi địa bàn sản xuất lại phân bố rất rộng. Số lượng cán bộ ít, trình độ hạn chế (yêu cầu phải rất hiểu biết về cây trồng, vật nuôi, cũng như kiến thức về bảo hiểm), chi phí khai thác lớn, trong khi giá trị bảo hiểm nhỏ, phân tán. Việc khai thác, giám định, giải quyết bồi thường cũng sẽ có khó khăn như không có phương thức quản lý rủi ro hữu hiệu đối với cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm. Trong các loại hình bảo hiểm khác, DN bảo hiểm có thể kiểm soát và hạn chế tổn thất, nhưng trong BHNN rất khó hạn chế hiện tượng này, vì số người được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm rất lớn và có mặt rộng khắp trên mọi miền đất nước. Việc giải quyết bồi thường còn chậm, thủ tục còn phiền hà, gây nhiều khó khăn cho người tham gia bảo hiểm, dẫn đến tâm lý người dân không muốn tham gia bảo hiểm.
Để triển khai thành công BHNN, theo một số DN bảo hiểm là cần miễn thuế thu nhập DN đối với hoạt động BHNN; hỗ trợ bồi thường tổn thất. Hiện thị trường tái bảo hiểm chưa phát triển, chưa có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm, các chương trình tái bảo hiểm cũng như sự phát triển của thị trường tái bảo hiểm - đầu ra rất quan trọng cho các DN bảo hiểm gốc, vì các rủi ro trong sản xuất nông nghiệp phần lớn đều mang tính chất thảm họa nên các DN bảo hiểm cần phải có sự hậu thuẫn của các nhà tái bảo hiểm. Theo các DN bảo hiểm, Nhà nước cần hỗ trợ về tái bảo hiểm, thực hiện nhận tái bảo hiểm cho DN kinh doanh BHNN. Việc cam kết của cả 3 nhà (DN bảo hiểm, nông dân, Nhà nước) là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công khi triển khai chủ trương rất lớn này.
Nguyên Thành
Đầu tư chứng khoán
|