Xây dựng Luật BHTG: Người gửi tiền được bảo vệ tốt hơn
Bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo sự phát triển an toàn hệ thống tài chính quốc gia là vấn đề quan tâm của Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh thị trường Tài chính ngân hàng quốc tế vừa trải qua cơn đại khủng hoảng.
Trước yêu cầu như vậy, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) - tổ chức thay mặt Nhà nước bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn lành mạnh hệ thống tài chính Ngân hàng là cần thiết, tác động trực tiếp đến việc bảo vệ dân, góp phần ổn định chính trị, xã hội.
TS. Dương Thu Hương - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
- Thưa bà, ý kiến của bà về việc bảo vệ người gửi tiền trong tình hình hiện nay?
TS Dương Thu Hương: Một trong những đặc trưng rất nổi bật của người dân Việt Nam là tiết kiệm, dành dụm để phòng khi bất trắc trong cuộc sống. Chính vì vậy, lượng tiền gửi tiết kiệm của dân tại các tổ chức tín dụng rất lớn. Bảo vệ hàng chục triệu người gửi tiền như hiện nay là vấn đề rất quan trọng và cần thiết của Chính phủ.
Là hoạt động nhạy cảm, sự bất ổn về tài chính, ngân hàng sẽ tác động đến những bất ổn về kinh tế và chính trị. Tôi đã từng chứng kiến sự đổ vỡ của hàng loạt các tổ chức tín dụng vào những năm cuối của thập niên 90, các cơ quan chức năng rất lúng túng trong việc xử lý bởi không biết lấy nguồn tiền ở đâu để trả cho dân trong thời kỳ đó. Giải pháp được đặt ra là sử dụng một phần tiền cung ứng để giải quyết sự đỗ vỡ của các tổ chức tín dụng. Một bài toán vô cùng khó khăn, Thống đốc, Chính phủ “đau đầu” để tìm lời giải để làm sao bảo vệ được quyền lợi của dân, làm sao ổn định được tình hình kinh tế, chính trị một cách nhanh chóng.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Chính điều đó tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với hệ thống Tài chính ngân hàng, đặc biệt là thách thức trong vấn đề giám sát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tạo niềm tin cho công chúng. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm vừa qua, các quốc gia đã phải rất nỗ lực trong việc bảo vệ người gửi tiền thông qua việc sử dụng hiệu quả công cụ BHTG. Một trong những nguyên tắc được lựa chọn là không để người dân mất tiền gửi.
BHTGVN ra đời - một tổ chức chuyên nghiệp thay mặt Chính phủ bảo vệ người gửi tiền; xử lý đổ vỡ trong trường hợp cần thiết tạo cho dân sự yên tâm, tin tưởng vào hệ thống tài chính, ngân hàng. Điều quan trọng, đây là một thiết chế tài chính thể hiện tính chuyên nghiệp, thị trường dựa trên nguyên tắc không sử dụng tiền thuế của dân để xử lý đổ vỡ tín dụng.
- Vậy theo bà, khó khăn lớn nhất của BHTGVN hiện nay là gì?
TS Dương Thu Hương: Trong hơn 10 năm hoạt động, BHTGVN đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng. Thực tế, BHTGVN đã tham gia xử lý đổ vỡ gần 20 Quỹ tín dụng nhân dân, không để kịch bản bất ổn về chính trị, xã hội như đã từng xảy ra trước kia khi người dân mất tiền gửi, tạo niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, theo tôi khó khăn lớn nhất của BHTGVN là năng lực pháp lý còn yếu (chưa có Luật điều chỉnh). Những quy định về hoạt động BHTG tại Việt Nam đã được ban hành cách đây 5 hoặc 10 năm và hiện nay đã thể hiện những bất cập không theo kịp những diễn biến của thị trường tài chính, ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi cho dân.
- Vậy bà có thể nói rõ hơn về điều này?
TS Dương Thu Hương: Những bất cập đó thể hiện rất rõ như: hạn mức chi trả thấp (50 triệu đồng); địa vị pháp lý của tổ chức BHTGVN, sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong đó có BHTGVN trong hệ thống giám sát tài chính tài chính quốc gia chưa rõ ràng; vai trò của BHTGVN trong việc xử lý đổ vỡ tín dụng chưa theo thông lệ quốc tế.
- Là chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bà có thể cho biết kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này?
TS Dương Thu Hương: Hầu hết các quốc gia, Luật BHTG được ban hành trước khi tổ chức BHTG ra đời. Đồng thời, xác định BHTG có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, do vậy các quốc gia rất chú trọng đến việc điều chỉnh chính sách BHTG phù hợp với thực tế để đảm bảo bảo vệ tốt nhất quyền lợi của dân. Ví dụ để ứng phó với khủng hoảng năm vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh chính sách BHTG.
Tôi đã từng đi thăm và nghiên cứu mô hình BHTG Hàn Quốc, tôi thấy BHTG đã làm được rất nhiều việc cho quốc gia đặc biệt trong vấn đề xử lý đổ vỡ, quản lý rủi ro của các tổ chức tài chính, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. BHTG Hàn Quốc đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc bình ổn hệ thống tài chính ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh vượt qua khủng hoảng. Với những gì đã làm được, hiện nay BHTG Hàn Quốc còn có ý tưởng xây dựng tổ chức này thành cơ quan có chức năng bình ổn hệ thống tài chính quốc gia.
- Vậy yêu cầu đặt ra đối với việc xây dựng Luật về bảo hiểm tiền gửi là gì?
TS. Dương Thu Hương: Luật này cần được xây dựng đồng bộ với các Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, pháp luật về phá sản, phù hợp với thông lệ quốc tế. Và điều quan trọng, Luật về BHTG cần nâng cao hạn mức chi trả tiền gửi, xác định được vai trò của BHTGVN một cách sâu rộng hơn như tham gia vào quá trình xử lý đổ vỡ tín dụng, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, quy định rõ ràng trong việc phân công và phối hợp với các cơ quan trong việc giám sát hệ thống tài chính quốc gia.
Việc ban hành Luật BHTG là đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan, tạo hàng lang pháp lý quan trọng để bảo vệ tốt hơn người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, ngân hàng quốc gia.
- Xin cảm ơn bà.
Minh Hải
Vietnamnet
|